Hà Nội

VPCP trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng miền Bắc XHCN (1955-1975)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1955-1975) và xây dựng miền Bắc XHCN.

20/04/2015 15:31

* Thủ tướng phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp

 

 

 Khu Nhà làm việc cũ của Văn phòng Chính phủ - Ảnh tư liệu

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, với Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Bộ máy hành chính nhà nước được củng cố và hoàn thiện để thích ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

.

Củng cố tổ chức bộ máy

.

Theo Hiến pháp năm 1959, Hội đồng Chính phủ được xác định là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hội đồng Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước và Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.

.

Ngày 14/7/1960, Quốc hội khóa II Kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều 8 của Luật quy định bộ máy làm việc của Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là Phủ Thủ tướng, gồm: Văn phòng Phủ Thủ tướng đứng đầu là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, có một hoặc nhiều Thứ trưởng giúp việc; các Văn phòng nghiên cứu và theo dõi từng khối công tác của Chính phủ, đứng đầu là các Chủ nhiệm Văn phòng cấp Bộ trưởng, có một hoặc nhiều Phó Chủ nhiệm giúp việc.

.

Theo đó, Văn phòng Phủ Thủ tướng là bộ máy làm việc của Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng có nhiệm vụ giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý mọi mặt công tác của Chính phủ, bảo đảm cho sự chỉ  đạo của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  đối với toàn bộ hoạt động của các ngành, các địa phương được tập trung, thống nhất và thông suốt.

.

Từ đây, Văn phòng Chính phủ mang tên mới là Văn phòng Phủ Thủ tướng, với cơ cấu tổ chức gồm các Vụ, Tổ công tác: Vụ Tổng hợp (gồm cả kế hoạch, tài chính, ngân hàng, giá); Vụ Hành chính; Vụ Kinh tế đối ngoại; Vụ Địa phương, đời sống; các Tổ về kinh tế; Tổ Văn giáo; Tổ Nội chính.

.

Tham mưu những quyết sách quan trọng góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

.

Trong giai đoạn này, Phủ Thủ tướng đã kịp thời cùng các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, trình Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm làm cho việc xây dựng và phát triển kinh tế phù hợp với yêu cầu bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và tăng cường chi viện cho miền Nam nhưng vẫn phù hợp với phương hướng lâu dài của sự nghiệp xây dựng miền Bắc.

.

Cụ thể, về kinh tế, cùng với việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi, cần đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, chủ trương xây dựng những xí nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, điều chỉnh lại danh mục xây dựng cơ bản, xây dựng kinh tế theo từng vùng chiến lược làm cho mỗi vùng có khả năng giải quyết phần lớn các nhu cầu thiết yếu về đời sống, sản xuất và chiến đấu.

.

Về quốc phòng, ngoài việc tăng thêm bộ  đội thường trực, gọi nhập ngũ một số cán bộ và quân nhân phục viên, chuyển ngành còn tăng cường gọi thanh niên vào bộ đội và tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự, tăng số người phục vụ trực tiếp cho quốc phòng; tranh thủ sự chi viện của bạn bè quốc tế.

.

Về tổ chức, điều chỉnh cán bộ, công nhân, viên chức các ngành và các địa phương cho phù hợp với sự chuyển hướng kinh tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng.

.

Khi chiến tranh diễn ra ác liệt, Phủ Thủ tướng đã cùng các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp quan trọng để chỉ đạo kịp thời việc sơ tán, phân tán thiết bị, đình hoãn xây dựng các công trình dễ bị phá hoại bằng không quân, tổ chức bảo vệ các công trình thiết yếu cho đời sống và chi viện miền Nam (như nhà máy điện, mỏ than, cầu đường).

.

Đứng trước những yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày một lớn và khẩn trương, Phủ Thủ tướng đã trực tiếp phục vụ một cách kịp thời mọi mặt của Ban Điều hòa vận tải Trung ương đóng tại cơ quan. Cụ thể, Phủ Thủ tướng đã trình Ban Điều hòa vận tải Trung ương phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan: việc vận tải khí tài, súng ống, đạn dược và những mặt hàng quân sự khác; các hàng hóa hậu cần khác cung cấp cho quân đội, lực lượng thanh niên xung phong và cho nhu cầu các địa phương, chủ yếu là gạo và xăng dầu…

 

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra thăm và chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ  để mừng Đại thắng mùa xuân 1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, lúc 10 giờ sáng ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu

Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam đã thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho cách mạng. Đầu năm 1975, Phước Long được giải phóng. Ngày 4/3/1975, quân giải phóng mở đầu đợt tổng tấn công bằng Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 10/3/1975, giải phóng Buôn Ma Thuật. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 và ngày 30/4/1975 quyết tâm chiến lược trên đã trở thành hiện thực. Đại thắng mùa xuân 1975 đưa đất nước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất.

.

Có thể nói, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thành công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất cũ, khôi phục, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ này, Văn phòng Phủ Thủ tướng nhiều năm hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ đối với miền Bắc. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc cũng diễn ra ác liệt và đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách mới, các đề án và các giải pháp nhằm củng cố hậu phương, tăng cường sức mạnh và tiềm lực của miền Bắc, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Lào và Campuchia.

.

Văn phòng Phủ Thủ tướng giúp tổ chức công tác theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, xử lý kịp thời thông tin để cung cấp và phục vụ hoạt động của Hội đồng Chính phủ và Trung ương Đảng. Đồng thời là đầu mối giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành tập trung.

.

Các Văn phòng chuyên môn đã thực sự phát huy được vai trò của mình, có mặt ở hầu hết các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội. Hoạt động có hiệu quả ấy đã góp phần tạo nên mối quan hệ công tác gắn bó giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị , Ban Bí thư với Thường vụ Hội đồng Chính phủ về nhiều vấn đề lớn của đất nước. Thời kỳ này, Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng đã góp phần tham mưu thành lập và tổ chức các hoạt động của bộ máy Văn phòng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

.

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Văn phòng Phủ Thủ tướng lập một bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức phục vụ các hoạt động điều hành của Thủ tướng Chính phủ  đối với các tỉnh phía Nam trong những ngày đầu đất nước thống nhất.

.

Đồng thời, Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng đã cùng các Bộ, cơ quan liên quan nhanh chóng chuẩn bị, trình Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra ngay một số quyết định có tính cấp bách như: quy định sự đi lại giữa hai miền Nam-Bắc; chuyển học sinh miền Nam về tiếp tục học tập tại quê hương; quy định chế độ đối với cán bộ và chiến sĩ vào Nam công tác và các cán bộ miền Nam ra Bắc điều trị, điều dưỡng và học tập.

.

Chiến tranh kết thúc mở ra một mốc son mới cho lịch sử Việt Nam, tạo ra nhiều thuận lợi to lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng đặt ra vô vàn khó khăn do chiến tranh để lại, đặc biệt là đối với miền Nam trước đây tuyệt đại bộ phận sống nhờ vào viện trợ Mỹ. Để duy trì sản xuất và sinh hoạt một cách bình thường, Nhà nước phải có nhiều giải pháp, chính sách mới thích hợp.

.

Trong điều kiện này, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã kịp thời nghiên cứu tăng cường, đổi mới bộ máy tổ chức, cán bộ và chế độ làm việc của mình nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc và phục vụ Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành trên phạm vi cả nước./.

.

Theo Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945-2005)

.

Top