Hà Nội

VPCP họp báo thường kỳ tháng 2/2014

(Chinhphu.vn) - Mở đầu phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 28/2, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014 tập trung đánh giá tình hình KT-XH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2014.

28/02/2014 18:59

Bộ trưởng VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, đánh giá chung đến thời điểm này, như kết luận của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù còn những mặt hạn chế, bất cập chưa khắc phục hết nhưng tình hình KT-XH, an ninh quốc phòng có nhiều tín hiệu vui, khởi sắc, theo chiều hướng tích cực hơn. Chúng ta tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; giá tiêu dùng (CPI), tài chính, tín dụng, ngân hàng, chứng khoán có chuyển biến tích cực.

Như chúng ta đã biết, chỉ số CPI được đánh giá thấp nhất trong khoảng 10 năm qua và không phải do lực cầu yếu. Trong dịp Tết, hàng hóa dịch vụ dồi dào, hàng VN chiếm lĩnh thị trường. Giá cả hàng hóa không tăng cao, có những mặt hàng giảm.

Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhân dân đã  đón một mùa xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đầy đủ. Các hoạt động vui chơi dịp Tết phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Vấn đề đi lại, giao thông đã được tập trung chỉ đạo, thực hiện cơ bản tốt. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm theo cả 3 tiêu chí.

Quan trọng nhất là chúng ta đã chăm lo đầy đủ cho đồng bào nghèo, khó khăn, những hộ còn thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán, không để sót trường hợp nào không có Tết. Điều đáng nói không chỉ Đảng, Nhà nước, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội mà cả một bộ phận người dân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm đã đùm bọc, giúp đỡ, quyên góp , tổ chức đi đến vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để chia sẻ với những người còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2014.

Thủ tướng chỉ đạo cần tìm mọi cách để tập trung giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản, các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, ODA…, cần khẩn trương làm mọi thủ tục để giải ngân nhanh. Tinh thần là không để đầu năm thư thả, cuối năm vất vả.

Vừa rồi chúng ta đã họp về cơ cấu lại DNNN thì xúc tiến ngay những công việc cụ thể để giải quyết rốt ráo những DN đã có kế hoạch tái cơ cấu, còn những DN chưa có kế hoạch tái cơ cấu thì tập trung làm nhanh, với tinh thần nhanh nhất.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết, chăm lo cho người dân, đối tượng nghèo, chính sách gặp khó khăn, thiếu đói thời điểm giáp hạt; tập trung chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm không để lây lan, xử lý kiên quyết những người mua bán, vận chuyển gia cầm lậu.
Cuối cùng là tập trung cải cách hành chính, thực hiện công việc cụ thể mà Thủ tướng đã giao để hoàn thiện thể chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành những quy định mới, cải cách thủ tục hành chính… để công việc điều hành thông suốt trong thời gian sớm nhất, không để tồn đọng, khó khăn, vướng mắc.

Dưới đây là trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên một số câu hỏi của phóng viên.

PV Thế Khả (báo Người Lao động): Thời gian qua, có rất nhiều hộ dân ở tòa nhà Keangnam kiện chủ đầu tư ra tòa vì họ mua phải căn hộ thiếu diện tích. Ra tòa, đại diện chủ đầu tư đưa ra Thông tư 16 của Bộ Xây dựng và 2 công văn 124 ban hành năm 2010 và Thông tư 397 của Thanh tra Bộ Xây dựng thể hiện cách tính căn hộ chung cư hoàn toàn khác so với Nghị định 171, cách tính căn hộ chung cư không trừ phần diện tích chung là cột chịu lực... Các chuyên gia ở phiên giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định Thông tư 16 là trái luật, để chủ đầu tư hưởng lợi và người dân chịu thiệt. Đề nghị ông Nguyễn Trần Nam (Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho biết ý kiến của Bộ Xây dựng? Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chính phủ có chủ trương về vấn đề này lâu rồi. Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những văn bản trái với pháp luật thì phải sửa chữa. Những văn bản liên quan đến người dân thì phải lắng nghe, tập hợp các ý kiến, sửa chữa ngay trong thời gian sớm nhất để đưa vào cuộc sống. Tinh thần chung của Chính phủ chỉ đạo là như vậy. Cụ thể văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp này, đề nghị Thứ trưởng Bộ Xây dựng trả lời (trả lời của Thứ trưởng Bộ Xây dựng).

PV Bích Diệp (Dân trí): Xin được hỏi Bộ trưởng 2 câu: Thứ nhất là vấn đề liên quan đến đồng tiền ảo Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước có thông cáo báo chí mang tính khuyến nghị người dân không nên dùng đồng tiền này. Tuy nhiên người đang cầm Bitcoin trong tay băn khoăn tính hợp lý, chính thức của Bitcoin ở Việt Nam như thế nào? Liệu NHNN có thể soạn thảo văn bản mang tính pháp lý hơn về vấn đề này không? 

Thứ hai, vấn đề lãi suất có được bàn đến trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ hôm nay không?  Có bàn đến việc gỡ bỏ trần lãi suất huy động không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hiện nay Chính phủ chưa bàn về đồng tiền mới này. Bộ phận nghiên cứu lĩnh vực này của Văn phòng Chính phủ đang tập hợp thông tin để tham mưu và các bộ chức năng đang thu thập, tính toán.

Về trần lãi suất, tại cuộc họp lần này Chính phủ không đề cập tới bởi vì hiện nay tình hình đang ổn, nên không đặt vấn đề có quyết định gỡ bỏ trần lãi suất huy động hay không.

PV Phương Thủy (Báo Lao Động): Thưa Bộ trưởng, chính sách giảm nghèo hiện đang là ưu tiên của Chính phủ, tuy nhiên sau Tết, rất nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có báo Lao Động, đã có loạt bài điều tra liên quan tới hiện tượng cắt xén hoặc giả dối trong việc cấp gạo cứu đói cho người nghèo. Vừa đây, Thủ tướng đã có yêu cầu tỉnh Phú Yên phải có văn bản giải trình trước 20/2 và Quảng Trị trước 10/3. Xin hỏi Bộ trưởng, văn bản báo cáo này thế nào và hiện tượng cắt gạo cứu đói không phải chỉ xảy ra trong năm nay mà đã xảy ra từ nhiều năm trước đây. Vậy Chính phủ có biện pháp gì để ngăn cản hiện tượng này xảy ra trong những năm tiếp theo?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Xin cảm ơn ý kiến của bạn. Chính phủ trong phiên họp lần này đã có bàn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng có ý kiến xung quanh vấn đề xử lý trường hợp vi phạm cắt xén số gạo Chính phủ cấp cho người nghèo. Đây là câu chuyện buồn, lẽ ra không thể để xảy ra với đội ngũ cán bộ các cấp, nhưng họ đã có hành vi vi phạm.

Đến giờ này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo chính thức. Khi có báo cáo chính thức, chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xử lý sớm nhất và nghiêm khắc nhất với những trường hợp này.

PV báo VnExpress: Trong phần thông báo, Bộ trưởng có nói CPI thấp nhất trong nhiều năm qua. Sau khi Chính phủ họp bàn thì xác định nguyên nhân không phải do lực cầu thấp. Xin Bộ trưởng giải thích thêm về nguyên nhân mà Chính phủ đã bàn về lý do khiến CPI tăng thấp trong khi chỉ số tồn kho tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Khi báo cáo về CPI thì các chuyên gia, các thành viên Chính phủ cũng đặt vấn đề có phải do cầu thấp, sức mua thấp hay lý do nào đó thì có thể nói không hẳn như vậy. Nhưng hướng các ý kiến thảo luận thì cho rằng thời gian qua hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả phải chăng và sức mua, nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm hiện nay cũng có giới hạn so với trước. Vì vậy nói chắc chắn là nguyên nhân nào dẫn đến CPI tăng thấp thì các cơ quan chức năng, chuyên gia tiếp tục nghiên cứu. Nhưng nhiều ý kiến thiên là CPI tăng thấp không phải do cầu yếu.

PV Vũ Lan (Báo Đất Việt): Tôi xin gửi lời cảm ơn của các chuyên gia tới Thủ tướng Chính phủ khi đã có một quyết định sáng suốt yêu cầu giữ nguyên cầu Long Biên. Tôi xin đặt câu hỏi về sân bay Tân Sơn Nhất vừa có báo cáo quá tải trong 10 năm nữa, xin hỏi phương án của Chính phủ là gì trong khi chi phí cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất đã tương đương với sân bay Long Thành và việc thu xếp vốn cho Long Thành đến đâu?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về cây cầu Long Biên, sáng nay họp Chính phủ đã có ý kiến trao đổi, cuối cùng khi tập hợp hết các thông tin góp ý, kể cả góp ý của tư vấn chuyên gia, Chính phủ sẽ nghe lần cuối cùng để xem xét các vấn đề trước khi quyết định, tinh thần chung sẽ lắng nghe một cách cầu thị.

Về vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất, hôm nay tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng có đề cập một câu chuyện vui là sân bay Tân Sơn Nhất ách tắc nhưng đó lại là niềm vui. Chúng ta mừng vì sự phát triển, tất nhiên chúng ta chưa lo kịp hạ tầng để đáp ứng nhu cầu nhưng hiện nay Chính phủ đã có dự án một mặt cải tạo sân bay, một mặt tính toán cho dự án sân bay Long Thành theo hướng sẽ làm để đảm bảo nhu cầu phát triển của đất nước trong tương lai.

PV báo Nông thôn ngày nay: Hiện nay, có nhiều thông tin từ người dân, nhất là từ người nông dân cho rằng tuyên truyền về bệnh cúm gia cầm hiện thường hay nói quá lên, khiến giá gia cầm đang rớt giá thê thảm, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ thế nào về việc tuyên truyền thông tin để giúp người nông dân vượt qua khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đúng là có những việc cán bộ tuyên truyền của chúng ta chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo. Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo nghiêm túc, khi chúng ta tuyên truyền phải thực hiện những giới hạn, phải bảo vệ những đối tượng cần bảo vệ và kiên quyết xử lý những người làm sai quy định, tiếp tay những điều sai trái.

Báo chí nên vào cuộc, đi sâu và phản ánh đúng thực tế, không chỉ thông tin về cúm gia cầm mà cả về những ngành nghề khác (như vải, như bưởi) chúng ta đã có những bài học rất xương máu. Những người làm báo phải hết sức lưu ý trong việc định hướng dư luận, chúng ta phải chống những cái cần chống và bảo vệ những cái cần bảo vệ.

PV Báo Tuổi trẻ: Theo ghi nhận của báo chí, giá bán lẻ sữa trên thị trường cao hơn từ 30.000-50.000 đồng thậm chí 100.000 đồng so với giá bán buôn của doanh nghiệp đăng ký với Bộ Tài chính, xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về giá sữa trên thị trường Việt Nam có vấn đề hay không? Hiện nay giá sữa trên thị trường gần như được thả nổi, thời gian gần đây các lực lượng chức năng có phát hiện được doanh nghiệp và cửa hàng đại lý nào vi phạm về quản lý giá sữa hay chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Xin cảm ơn câu hỏi của báo Tuổi trẻ, về quan điểm, không có Bộ trưởng nào đồng ý với những việc làm sai quy định. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra giám sát, việc báo chí tham gia là để kịp thời phát hiện những nơi kinh doanh buôn bán vi phạm, sữa có đúng chất lượng hay không và giá cả có đúng quy định hay không, vì đây là mặt hàng đặc biệt được Chính phủ quan tâm. Đề nghị báo chí cùng tham gia với các ngành chức năng trong việc phát hiện vi phạm có biện pháp xử lý kịp thời. 

PV Báo Pháp luật TPHCM: Vừa rồi dư luận có xôn xao về khối bất động sản lớn của nguyên Tổng thanh tra Trần Văn Truyền, có nói sẽ báo lên Trung ương để có mức xử lý. Tôi muốn biết là Trung ương sẽ có mức xử lý như thế nào với trường hợp này?

Vụ việc cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến kê khai tài sản, hiện nay chưa có các quy định về việc kê khai tài sản đối với người về hưu, không biết sắp tới Chính phủ có chỉ đạo để sửa đổi việc này không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chuyện này khó mà trả lời được vì Chính phủ không có nhiệm vụ cụ thể này. Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào ngoài báo chí mà chúng tôi theo dõi trong thời gian qua. Nhưng có thể chia sẻ với nhau suy nghĩ của cá nhân tôi như thế này:

Câu chuyện này có hai vấn đề cần suy nghĩ. Thứ nhất là một người từng là cán bộ lãnh đạo của cơ quan Trung ương đã về hưu, hiện là Đảng viên đang sinh hoạt ở tổ chức cơ sở Đảng. Quy định của tổ chức Đảng rất chặt chẽ, mọi cán bộ làm việc ở đâu, sinh hoạt thế nào, khi về hưu sinh hoạt như thế nào thì chúng ta biết hết rồi.

Vậy thì một người Đảng viên khi có vấn đề dư luận đặt ra, báo chí đặt ra phải có trách nhiệm làm rõ, phải hợp tác tốt. Theo như tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Truyền sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, nhất là báo chí, thì sẽ sớm làm rõ việc này.

Vấn đề thứ hai, ông Truyền là một công dân được pháp luật bảo vệ. Nói gì thì nói chúng ta phải tôn trọng quyền công dân của ông Truyền một cách nhất định. Khi nói có thể chúng ta suy diễn mặt này mặt khác, đó là quyền của chúng ta, nhưng khi viết, khi đặt vấn đề chúng ta nên nghĩ đến liều lượng, mức độ như thế nào để sau đó các cơ quan có trách nhiệm sẽ tham gia vào cuộc và ông Truyền sẽ có trách nhiệm giải trình, làm rõ thực hư như thế nào. Nếu chúng ta cứ suy diễn sẽ tạo ra những rắc rối không cần thiết. Đó là quan điểm của tôi trong vấn đề này

Câu chuyện này sẽ không dừng lại ở mức đó mà sẽ đưa ra vấn đề người cán bộ hiện nay cần phải theo dõi, xem xét lại để thấy rằng ở bất cứ cương vị nào người dân luôn đặt kì vọng, niềm tin vào người cán bộ. Người cán bộ phải làm gì, hành động như thế nào để đúng với niềm tin đó. 

PV: Xin hỏi về vụ sập cầu ở Lai Châu, Chính phủ có chỉ đạo gì trong việc tìm ra trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị để xảy ra vụ việc này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Nói về vụ sập cầu Lai Châu, đây là câu chuyện buồn của chúng ta, báo chí đã đăng tải nhiều thông tin. Có những tờ báo nói 1 con ốc đã làm chết bao mạng người.

Thực ra, hôm nay Chính phủ cũng dành rất nhiều thời gian để nói về việc này, Thủ tướng hỏi rất cặn kẽ. Đến giờ này, nguyên nhân thì ngay trong cuộc họp Chính phủ hôm nay Bộ trưởng Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đều nói là do quá trình thi công, thay vì dùng 1 con ốc nguyên khối, họ hàn nối nên con ốc đó bị cứng, gẫy, làm sập cầu. Đó là nguyên nhân “lâm sàng”.

Còn quy trình xây dựng cây cầu, cơ quan nào thiết kế, thẩm định, thi công, các cơ quan chức năng đã làm khá rõ rồi, nhưng chưa có báo cáo cụ thể. Vấn dề này Thủ tướng đặc biệt quan tâm, hội nghị Chính phủ vừa rồi cũng đặc biệt quan tâm để kịp thời phát hiện kẽ hở trong quá trình xây dựng, quản lý. Thậm chí, bây giờ người ta còn nói phải làm tín hiệu để khi người dân bước tới, nếu quá trọng tải sẽ có báo động. Tất nhiên, đó cũng là một suy nghĩ, nghĩa là bằng mọi giá suy nghĩ làm sao để đảm bảo cho người dân an toàn. Vụ này đang chỉ đạo điều tra ráo riết, làm rõ để có kết luận để chúng ta có hướng khắc phục trong thời gian sớm nhất. 

PV

Top