Hà Nội

VPCP: Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

(Chinhphu.vn) – Bước vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (từ 1946 – 1949), Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã có nhiều đóng góp quan trọng phục vụ Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ.

03/04/2015 17:04

Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ Cù Huy Cận (hàng đầu bên trái) và Chánh Văn phòng Chủ tịch Chính phủ(hàng đầu bên phải) tại Thác Rẫng, thôn Lập Bình, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - Ảnh tư liệu

Trung đội 555

.

Không đầy bảy tuần sau khi Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua, do chính sách xâm lược của kẻ thù, chiến tranh đã lan rộng trong cả nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã đảm đương vai trò lãnh đạo quốc dân trong cuộc kháng chiến toàn quốc tám năm sau này.

.

Từ ngày 26/11/1946, một bộ phận cán bộ rất nhỏ, gọn của Văn phòng Chủ tịch Chính phủ, gồm Thư ký, nhân viên giúp việc cùng một tiểu đội bảo vệ tháp tùng, phục vụ Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh chuyển về làng Hậu Ái, xã Thọ Nam (Hoài Đức). Tối ngày 2/12/1946, bộ phận cán bộ này tiếp tục cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh rời về làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông).

.

16 giờ 30 phút ngày 19/12/1946, tại Bắc Bộ phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam ra lệnh tất cả mang theo tài liệu, con dấu, máy chữ xách tay rời khỏi Hà Nội. Lúc 18 giờ 45 phút, bộ phận cán bộ Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở làng Vạn Phúc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên đường. Hơn một tiếng sau, đúng 20 giờ, các lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội cùng một số thành phố, thị xã có quân Pháp chiếm đóng, nhất loại nổ súng chiến đấu, bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

.

Tháng 4/1947, bộ phận chính của Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đóng tại đình Hồng Thái (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang). Đến tháng 4/1948, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ chuyển về Thác Rẫng (xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) – trở thành đầu mối phối hợp các cơ quan, có trách nhiệm sắp xếp, bố trí cho cán bộ, các cơ quan Trung ương về đóng tại một số thôn, bản thuộc huyện Sơn Dương. Từ Thác Rẫng, qua sông có thể liên lạc dễ dàng với nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

.

Bước vào cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ của Văn phòng Chủ tịch Chính phủ tiếp tục được điều động hoặc chuyển sang một số cơ quan khác, nhưng đến lúc này, Văn phòng cần được củng cố và tăng cường. Ngày 18/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 232-SL/m bổ nhiệm ông Phan Mỹ, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng sung chức Chánh Văn phòng Chủ tịch Chính phủ, thay ông Nguyễn Văn Lưu bị ốm nặng. Đầu tháng 8/1947, sau khi củng cố và ổn định về tổ chức, ông Phan Mỹ đặt bí danh cho Văn phòng Chủ tịch Chính phủ là Trung đội 555, cử người lên Đại Từ khắc dấu và chính thức dùng bí danh này cho cơ quan trong giao dịch, liên hệ công tác.

.

Từ tháng 8/1947, một số cán bộ được tăng cường cho Văn phòng Chủ tịch Chính phủ. Thời điểm này, công tác giao thông liên lạc của Văn phòng Chủ tịch Chính phủ được tổ chức lại như sau: Các thiếu sinh quân làm công tác liên lạc giữa Văn phòng với các Bộ trong ATK; Trạm liên lạc của ông Đỗ Văn Phượng với liên lạc viên Hứa Viết Thùng phụ trách liên lạc xa và một số công tác đặc biệt, liên lạc trực tiếp với các Trạm đầu mối (Ban Liên lạc đặc biệt của Bộ Quốc phòng đặt ở Yên Thông để liên lạc với Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh và các Quân khu; với Ban Liên lạc của Trung ương Đảng ở Yên Lãng để đi các cơ quan của Trung ương Đảng và các đoàn thể Trung ương; với Ban Giao thông của Bộ Nội vụ ở Sơn Dương để tới các Bộ đóng ở các nơi).

.

Vào thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên) nhưng Văn phòng Chủ tịch Chính phủ vẫn giữ liên lạc với Người thường ngày.

.

Nhờ củng cố công tác giao thông liên lạc, mối liên hệ giữa Văn phòng Chủ tịch Chính phủ với các Bộ, cơ quan cũng dần dần đi vào ổn định.

.

Đồng thời với việc củng cố cơ quan, trong năm đầu của cuộc kháng chiến, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu soạn thảo văn bản, trình Chủ tịch Chính phủ ký ban hành kịp thời nhiều Sắc lệnh quan trọng về công tác tư pháp, ngân hàng và tổ chức chính quyền như đặt phụ cấp đặc biệt tạm thời cho các nhân viên giúp việc Chính phủ; thành lập khu XV (Đồng Nai Thượng, Đắk Lắk, Kon Tum, Pleiku, Lâm Viên); chuẩn bị nhân sự cho việc thành lập Huân chương Viện với sự góp mặt của nhiều nhân sĩ như: Võ Liêm Sơn, Phạm Bá Trực, Phạm Phú Tiết, Phạm Khắc Hòe; thành lập Ủy ban nghiên cứu cải tiến công tác hành chính nhằm thu hút sự đóng góp của nhiều bậc thức giả như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phan Anh, Hoàng Tích Trí, Hoàng Minh Giám với mục tiêu là xuất bản và phát hành rộng rãi cuốn Hành chính chỉ nam cho các địa phương; tổ chức Hội nghị kháng chiến hành chính…

.

Văn phòng Chủ tịch Chính phủ còn đóng góp vào công tác ngoại giao, đồng thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ thu thập thông tin, tư liệu của địch theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Chính phủ.

.

Như vậy, năm đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đã góp phần tôi luyện để Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ngày một vững vàng và trưởng thành trong quá trình thực thi nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ.

.

Phục vụ Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ

.

Trong thời gian này, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ tiếp tục tham mưu, phục vụ Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ.

.

Tại phiên họp ngày 18/1/1948, Hội đồng Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chủ tịch Chính phủ soạn thảo các Sắc lệnh về sáp nhập các khu thành Liên khu, bổ nhiệm các Liên khu trưởng và Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính các Liên khu, thành lập các Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu.

.

Một tuần sau đó, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã hoàn thành dự thảo, trình Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 120-SL ngày 25/1/1948 quyết định hợp các khu để thành lập các Liên khu trong cả nước. Sắc lệnh này đánh dấu quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy chính quyền các địa phương trong cả nước để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.

.

Tăng cường năng lực cho bộ máy chính quyền cơ sở được Văn phòng Chủ tịch Chính phủ coi là nhiệm vụ hàng đầu trong những năm đầu kháng chiến, thể hiện qua việc đề nghị mở ngay các lớp huấn luyện về kháng chiến cho xã, huyện, tỉnh…

.

Văn phòng Chủ tịch Chính phủ cũng chú trọng nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm thực tế của các cơ sở để phổ biến, phát huy phục vụ kháng chiến, cụ thể như các tài liệu tổng kết kinh nghiệm về báo động trong xã, tổ chức giao thông liên lạc, hiệu lực của công sự trong các làng chiến đấu, cách tổ chức tản cư và hoạt động hành quân của địch…

.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã giúp Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ và bộ đội nhằm kịp thời động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác và chiến đấu, thể hiện trong việc gửi công văn trao đổi với Bộ Tài chính về lương của thẩm phán, phụ cấp của nhân viên kiểm tra và thù lao một phần cho nhân viên xã; đề nghị Bộ Nội vụ có chính sách bảo vệ gia sản của các nhân viên kháng chiến; thông báo cho Ủy ban kháng chiến hành chính các Liên khu về nguyện vọng của bộ đội được liên lạc tin tức với gia đình và đề nghị tổ chức tốt việc chuyển thư cho các gia đình chiến sĩ…

.

Nhằm kịp thời động viên tinh thần cán bộ, bộ đội, dân quân và nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến và xây dựng chính quyền mới, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ giúp Chủ tịch Chính phủ thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng. Ngày 30/4/1948, Chánh Văn phòng Phan Mỹ đã gửi công văn đề nghị Ủy ban kháng chiến hành chính các Liên khu và các tỉnh cho in và gửi đến các cơ quan, đoàn thể bản Phát động phong trào thi đua ái quốc để triển khai. Tiếp tục công tác này, ngày 18/6/1948, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã gửi công văn đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu tìm hình thức để truy tặng và tuyên dương công trạng những người có nhiều đóng góp trong phạm vi toàn quốc. Trên thực tế, hai văn bản này ghi nhận sự phát triển của công tác thi đua – khen thưởng Nhà nước thành một nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến, đồng thời là tiền đề cho một cuộc vận động thi đua yêu nước sâu rộng trong phạm vi toàn quốc cho đến ngày nay.

.

Trong lĩnh vực tổ chức, kinh tế, nội chính, quân chính, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và theo chỉ đạo của Chủ tịch Chính phủ, trong thời gian từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 8/1948, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã cùng các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị, trình Hội đồng Chính phủ thông qua và trình Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ký ban hành nhiều Sắc lệnh quan trọng chỉ đạo, điều hành công cuộc kháng chiến kiến quốc.

.

Trong đó có nhiều Sắc lệnh rất quan trọng như: Sắc lệnh số 148-SL ngày 25/3/1948 bỏ các danh từ phủ, châu, quận quy định đơn vị hành chính cấp trên xã và dưới cấp tỉnh thống nhất gọi là huyện; Sắc lệnh số 149-SL ngày 25/3/1948 quy định các Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính cũ từ nay lấy tên là Ủy ban kháng chiến hành chính; Sắc lệnh số 104-SL ngày 1/1/1948 ấn định các nguyên tắc căn bản về tổ chức các doanh nghiệp quốc gia; Sắc lệnh số 14-SL ngày 2/1/1948 về việc lập ngân sách toàn quốc; các Sắc lệnh quy định về thủ tục thiết lập hoặc sửa đổi địa giới các đơn vị kháng chiến hành chính; phân hạng và định hạng thăng cấp quân hàm trong Quân đội quốc gia Việt Nam; tổ chức lại Tòa án quân sự các cấp, quy định tạm thời thẩm quyền của các Tòa án sơ cấp và Đệ nhị cấp, tổ chức Tư pháp công an…

.

Văn phòng Chủ tịch Chính phủ cũng đã thực hiện chuyển, phát kịp thời hầu hết các văn thư, điện, mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân để trao đổi ý kiến, căn dặn, động viên và tới đồng bào để cảm ơn, trong đó phải kể đến: Mệnh lệnh đến Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV…

.

Trong lĩnh vực kinh tế, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã chủ động trao đổi với Bộ Tài chính về ngân sách của các Ủy ban kháng chiến hành chính; nhắc nhở Bộ Giao thông công chính và Ủy ban kháng chiến hành chính các Liên khu chú ý củng cố, sửa chữa cầu đường, nhất là đường tiếp tế cho Việt Bắc và trong mùa mưa.

.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã góp sức vào việc tổ chức thành công Hội nghị kháng chiến hành chính vào cuối tháng 7/1948.

.

Có thể nói, kể từ tháng 7/1947 đến 1949, dưới sự điều hành của Chánh Văn phòng Phan Mỹ, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã có bước tiến đáng kể trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ chỉ đạo, điều hành các công việc kháng chiến, công tác hành chính, tạo tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo./.

.

Theo Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945-2005)

Top