Hà Nội

Từ dân hỏi Bộ trưởng đến dân gặp Bộ trưởng

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/7, lần đầu tiên, hai thành viên Chính phủ là Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tiếp công dân theo quy định mới, mở đầu cho hoạt động có tính định kỳ này của những người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.

24/07/2014 14:57

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên lắng nghe ý kiến người dân. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Buổi tiếp, thực hiện theo quy định tại Nghị định 64 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân và sau 22 ngày Luật Tiếp công dân có hiệu lực, cho thấy các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các quy định mới. Theo Nghị định 64, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ trong tháng phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình.

Hai thành viên Chính phủ đã lựa chọn 6 vụ việc trong ngày tiếp dân đầu tiên, đều là những vụ việc khiếu kiện kéo dài, có vụ đông người. Người dân rất vui mừng, phấn khởi và tin tưởng sau buổi tiếp mà báo chí đưa tin là các Bộ trưởng đã lót dạ bằng bánh mì, làm việc xuyên trưa để nghe dân trình bày.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chia sẻ rằng trong hầu hết các vụ việc đều chưa có tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền. “Ít nhiều, chúng tôi cũng nghe được tiếng nói của người dân, đặc biệt là đối với những vụ việc bức xúc, hết sức gay gắt của người dân để tìm tiếng nói chung trong giải quyết dứt điểm các vụ việc”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết như vậy.

Trước đó, ngày 18/4, làm việc tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân để làm tốt nhiệm vụ. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị thực hiện nghiêm túc quy định Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương.

Thật ra thì việc các thành viên Chính phủ trực tiếp tiếp xúc với người dân, nghe ý kiến của người dân không phải là chuyện bây giờ mới có, khi nhiều thành viên Chính phủ là đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, việc tiếp xúc cử tri trong vai trò đại biểu Quốc hội rõ ràng là khác với việc tiếp xúc cử tri trong vai trò thành viên Chính phủ.

Mặt khác, ngay cả khi chưa có Luật Tiếp công dân và Nghị định 64 quy định cụ thể về việc các Bộ trưởng tiếp dân, thì cũng có rất nhiều cách thức để tiếng nói, ý kiến của người dân đến được với cơ quan chức năng. Nhưng với quy định mới, quyền của người dân rõ ràng đã được mở rộng hơn và các Bộ trưởng cũng có trách nhiệm trực tiếp hơn.

Cách đây hơn 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan truyền thông khác triển khai Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, trong đó các “tư lệnh ngành” trực tiếp trả lời chất vấn của người dân về những vấn đề thuộc ngành mình quản lý.

Rõ ràng là với sự ra đời của website Chính phủ, tiếp nối là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; từ việc các Bộ trưởng đối thoại trực tuyến rồi xuất hiện hằng tuần để trả lời các câu hỏi của người dân, và nay là các cuộc tiếp công dân định kỳ của các Bộ trưởng, mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân đã có những thay đổi lớn.

Đó là một bước tiến dài trong quá trình người dân tham gia ý kiến, thảo luận về những vấn đề của đất nước, giám sát cơ quan chức năng. Ngược lại, cơ quan chức năng phải nâng cao không ngừng tinh thần trách nhiệm trong công việc và trách nhiệm giải trình trước công chúng. Đã đành, các Bộ trưởng hết sức bận rộn, thế nhưng gặp gỡ, đối thoại và chất vấn cơ quan chức năng là quyền của công dân và các cơ quan chức năng có nghĩa vụ phải đáp ứng.

Hơn thế, tiếp công dân còn là cơ hội của cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, không phải chỉ để xử lý, giải quyết từng vụ việc, mà còn để những người có thẩm quyền lắng nghe dân nói, nắm bắt được tâm tư tình cảm thật sự của người dân, không qua các lăng kính “khúc xạ” có thể có nhiều sai lệch, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp thực tiễn, hợp lòng dân. Thời gian qua, có không ít chính sách đưa ra bị phản ứng, một phần nguyên nhân là do việc lắng nghe ý kiến người dân còn chưa thật được coi trọng.

Trong Thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tới việc phát huy mạnh mẽ dân chủ như một yếu tố không thể thiếu cho động lực mới trong phát triển đất nước. Trong đó, Thủ tướng nói rằng “phải mở rộng dân chủ trực tiếp”, bởi vì “không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả”.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về “dân chủ trực tiếp”, nhưng hoàn toàn có thể coi việc người dân trực tiếp đối thoại, chất vấn cơ quan chức năng về tất cả các vấn đề là một hình thức dân chủ trực tiếp. Khoảng cách giữa cơ quan chức năng với người dân là không thể tránh khỏi và các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp sẽ rút ngắn khoảng cách đó.

Các cuộc tiếp công dân, vì thế, không chỉ để triển khai Luật Tiếp công dân, mà còn là thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về mở rộng dân chủ một cách thiết thực, cụ thể.

Kim Tuấn
Top