Hà Nội

Trong dòng chảy lịch sử của sự nghiệp Đổi mới

(Chinhphu.vn) - Kho dữ liệu của Cổng TTĐT Chính phủ còn lưu lại những Video ghi hình trả lời phỏng vấn vào năm 2005 của một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng. Từ nội dung những tư liệu quý này có thể rút ra được một số bài học sâu sắc làm sáng tỏ hơn nhận định rất đúng đắn trong Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

18/02/2014 15:19

Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng”.

Đến nay, đã có rất nhiều tư liệu nghiên cứu, phân tích và tổng kết những bài học kinh nghiệm về thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tổng hợp lại một số điểm thông qua hình ảnh và tiếng nói của một số vị lãnh đạo trong Chính phủ nhiệm kỳ 1987-1992.

Do không có đầy đủ tư liệu của tất cả thành viên, nên chúng tôi chỉ tổng thuật lại ý kiến của một số Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 1987-1992.

Về bối cảnh lịch sử

Giai đoạn đầu triển khai công cuộc đổi mới, tình hình đất nước diễn biến rất phức tạp, có những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua: 3 năm liền lạm phát tiếp tục tăng ở mức 3 con số (năm 1986 cao nhất 874,7%; năm 1987 tăng 323,1%, năm 1988 tăng 449,4%); thu nhập của người dân cùng những người hưởng lương và trợ cấp xã hội giảm sút mạnh; nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân buộc phải rời xí nghiệp; hàng vạn giáo viên phải bỏ nghề; những vụ đổ vỡ quỹ tín dụng xảy ra ở nhiều nơi, nạn trộm cướp hoành hành, nhiều loại hình tội phạm mới  phát sinh. Hậu quả của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và lãnh thổ vẫn còn chưa khắc phục hết. Cấm vận và bao vây kinh tế vẫn còn nặng nề. Tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Một số bài học kinh nghiệm trong việc thực thi đường lối đổi mới

1/ Bài học cơ bản: Đảng ta đã kiên quyết đổi mới tư duy, kết hợp lý luận với thực tiễn; lắng nghe, tổng kết những cách làm sáng tạo của nhân dân; dám nhìn thẳng vào sự thật, dám thừa nhận sai lầm; từ bỏ cách nghĩ, cách làm không phù hợp.

Bài phỏng vấn đồng chí Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch HĐBT (6/1988-7/1991), Tổng Bí thư Đảng CSVN (1992-1997)

2/ Nói nhiều, chỉ ngồi một chỗ mà ký sẽ không giải quyết được vấn đề gì, phải chăm lo đời sống của nhân dân, sâu sát với dân vừa học cách làm hay của dân vừa tổng kết dạy lại dân.

Phát biểu của đồng chí Võ Chí Công, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT (từ tháng 5/1986), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (4/1987-1991)

3/ Vận dụng sáng tạo Đường lối chiến tranh nhân dân kết hợp với Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài phỏng vấn đồng chí Võ Nguyên Giáp, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT (1987 - tháng 7/1991)

Bài phỏng vấn đồng chí  Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng (1987 - tháng 7/1991), Chủ tịch nước (1992-2007)

4/ Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, bên cạnh những Nghị định phải phát động phong trào trong nhân dân dựa vào dân trong công cuộc phòng chống các loại tội phạm. Sự xuống cấp về văn hóa về đạo đức trong xã hội là nguyên nhân của tội phạm; sự khủng hoảng về lý tưởng là nguyên nhân của tham nhũng.

Bài phỏng vấn đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1987 - 7/1991)

5/ Phát huy nhân tố thuận lợi, đoàn kết toàn dân phát huy nội lực xây dựng kinh tế. Đầu tư xây dựng hạ tầng vật chất rất quan trọng, đầu tư đúng hướng sẽ hạn chế được lãng phí và tham ô.

Bài phỏng vấn đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT (đến tháng 8/1991)

6/ Đa dạng hóa, đa phương hóa trong đường lối đối ngoại. Ngành nào cũng có hoạt động đối ngoại, nhưng phải thống nhất theo chủ trương chung của Đảng và Chính phủ, kết hợp đối ngoại với đối nội đặc biệt trong tình hình bùng nổ thông tin.

Bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao (từ 8/1991)

7/ Chính phủ vừa chỉ đạo phát triển kinh tế vừa đổi mới tổ chức quản lý, xây dựng bộ máy tinh gọn, quyết định nhanh chóng bớt tầng nấc; phải thông suốt ở tất cả các cấp để xây dựng nền hành chính vừa trong sạch vừa vững mạnh.

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT, Phó Thủ tướng Chính phủ

Đồng bộ, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nghị quyết Quốc hội

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (họp từ ngày 15-18/12/1986), việc tiến hành thể chế hóa Nghị quyết được tiến hành với nhịp độ khẩn trương, đồng bộ. Mỗi năm ban hành  trên 200 văn bản quy phạm pháp luật, riêng năm 1991 và 1992 mỗi năm trên 300 văn bản.

Mời xem tại đây

Ngay từ  đầu năm 1987, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Chính phủ đã triển khai các nhiệm vụ sắp xếp lại tổ chức thu gọn đầu mối quản lý ngành, mở rộng đầu mối quản lý lãnh thổ. Xóa bỏ những tổ chức quản lý không còn phù hợp. Ban hành hệ thống mới các chỉ tiêu, thu gọn pháp lệnh, báo cáo phản ánh động thái, đánh giá hiệu quả hoạt động kinh tế-xã hội, đồng thời nhanh chóng triển khai các văn bản chỉ đạo điều hành phục vụ phát triển kinh tế trong điều kiện mới. Thành lập các chương trình khoa học trọng điểm Nhà nước, tổ chức các Tiểu ban nghiên cứu chiến lược, khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp trí thức, chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Thời kỳ đó chưa có các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại như ngày nay, nhưng những ý kiến của người dân, doanh nghiệp được phản ảnh qua phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày được Chính phủ chọn lọc, tiếp thu và điều chỉnh kịp thời những điều hành còn khiếm khuyết. Có những ngày ban hành đồng thời nhiều văn bản đưa vào cuộc sống.

Thí dụ:

Luật Không số

 

Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

 

Ban hành:

 29/12/1987

Hiệu lực:

 09/01/1988

Luật Không số

 

Đất đai

Ban hành:

 29/12/1987

Hiệu lực:

 08/01/1988

Nghị quyết Không số ]

Về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự

Ban hành:

 29/12/1987

Hiệu lực:

 29/12/1987

Nghị quyết Không số

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 1986 - 1990 và năm 1988

Ban hành:

 29/12/1987

Hiệu lực:

 29/12/1987

Quyết định 227/HĐBT

Về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp

Ban hành:

 29/12/1987

 

Thành quả bước đầu của Đổi mới

Năm 1988, dù lạm phát còn ở mức 393,8% nhưng từ năm 1989 trở đi, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu được mỗi năm từ 1-1,5 triệu tấn gạo; lạm phát giảm dần, đến năm 1990 còn 67,4%. Việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn (Lương thực-thực phẩm, Hàng tiêu dùng, Hàng xuất khẩu) đạt những thành quả rõ rệt. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bước đầu hình thành.

Đời sống của nhân dân được cải thiện, dân chủ trong xã hội được phát huy. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng, đẩy lùi tình trạng bị bao vây, cô lập. Đường lối đổi mới được nhân dân, kiều bào đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng, được thế giới công nhận đánh giá cao.

Đặc biệt, nhờ những thành quả đổi mới rất cơ bản trong các năm 1988, 1989, 1990, nên mặc dù từ năm 1991, Liên Xô và khối XHCN Đông Âu sụp đổ, nguồn viện trợ từ phe XHCN cũ bị cắt, nhưng Việt Nam vẫn đứng vững, nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, bước vào thời kỳ phát triển ổn định với những thành tựu mới.

Kết quả thành công bước đầu  bền vững của công cuộc đổi mới giai đoạn 1987-1992 đã tạo tiền đề vững chắc cho Đảng và Nhà nước đề ra cương lĩnh, chiến lược phát triển đất nước trong thập niên tiếp theo qua các kỳ Đại hội Đảng sau này.

Kết luận

“Những bài học kinh nghiệm” là một trong những chuyên mục có giá trị quan trọng trong mục “Chính phủ qua các thời kỳ” trên Cổng TTĐT Chính phủ.

Tuy nhiên, do những lý do khách quan, đến nay mới có video tư liệu của 11 đồng chí, trong đó một số đồng chí đã từ trần. Cần tiếp tục tiến hành những phỏng vấn đối với các đồng chí lãnh đạo và thành viên Chính phủ các thời kỳ, để tạo thành kho tri thức rất thiết thực cho các thế hệ tiếp theo. Những tri thức được lưu giữ sẽ trở thành nguồn tài nguyên trí tuệ vô giá cho hậu thế. Khai thác kho tri thức quý giá này, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm thành, bại của các bậc tiền nhân.

Nhờ phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện, việc xây dựng kho tri thức điện tử này đã trở thành hiện thực và tính hiệu quả của việc tổ chức nghiên cứu, khai thác nó là vô hạn.

Việt Bách

Nguyễn Công Hóa

Top