Hà Nội

Triển khai các biện pháp sát thực, cụ thể, kiềm chế tăng giá, nhập siêu

(Website Chính phủ) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu khẩn trương tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu, điều tiết nhập khẩu, cân đối, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường chống đầu cơ trục lợi, nâng giá thị trường.

01/04/2008 18:30

Từ năm 2008, tăng trưởng xuất khẩu 25%

Theo công văn 481/TTg-KTTH ngày 31/3/2008, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều phối lượng gạo xuất khẩu ở mức 4 triệu tấn cho cả năm 2008; rà soát số lượng gạo của các hợp đồng đã ký đến hết quý I/2008 để có biện pháp giảm mạnh hoặc ngừng giao dịch ký hợp đồng mới trong quý II năm nay. Chưa áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng lúa gạo.

Từ năm 2008, tăng trưởng xuất khẩu 25%

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc phân loại hàng nhập khẩu thành ba nhóm hàng: thiết yếu, cần kiểm soát và cần hạn chế để có giải pháp hữu hiệu hạn chế nhập siêu.

Ngoại tệ thu từ xuất khẩu sẽ được đảm bảo mua hết, kịp thời. Hạn chế nhập khẩu các mặt hàng ô tô (dưới 12 chỗ ngồi), xe gắn máy nguyên chiếc, hàng điện tử điện lạnh, một số loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ và một số mặt hàng khác bằng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu, hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vay ngoại tệ nhập khẩu, sử dụng hàng rào kỹ thuật hoặc áp dụng kết hợp các biện pháp trên.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo, đến hết tháng 6/2008, chưa tăng giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, điện, nước, than, thép, xi măng, giấy, phân bón, thuốc chữa bệnh, học phí, viện phí, giá các loại vận chuyển đường không, đường sắt, vận chuyển xe buýt công cộng).

Các Bộ, ngành cần bàn thảo, phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt các đề án, chương trình phát triển xuất khẩu để từ năm 2008 tăng trưởng xuất khẩu 25%.

Không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá

Ngày 31/3/2008, Văn phòng Chính phủ có công văn hướng dẫn cụ thể việc triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó, Ngân hàng Nhà nước, trước mắt cần giảm dần lãi suất huy động so với hiện tại.

Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ chi tiêu công, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2008 vượt dự toán. Công tác giám sát tài chính các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty 90, 91 cần tăng cường để chấn chỉnh ngay việc đầu tư kém hiệu quả, bất hợp lý trong thời gian qua của các đơn vị này. Kiểm soát chặt chẽ giá các sản phẩm độc quyền.

Các Bộ, cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân thông qua đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm như nâng học bổng cho học sinh dân tộc các trường nội trú, nâng bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi...

Đề thực hiện mục tiêu: kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời với việc duy trì khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cần thiết phải tạo ra sự thống nhất, ủng hộ cao trong tất cả các ngành, các cấp các tầng lớp nhân dân thông qua việc quán triệt và triển khai thực hiện ngay các giải pháp nêu trên.

Đức Tuân
(Nguồn: Công văn 481/TTg-KTTH, 2049/VPCP-KTTH)

Top