Hà Nội

Trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng

(Chinhphu.vn) – Nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tế cho cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ làm công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 11/10, Vụ Khiếu nại tố cáo và Phòng chống tham nhũng (Vụ I), Vụ Tổ chức cán bộ, VPCP phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn về thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

11/10/2014 16:52

Ông Phan Văn Minh, Vụ trưởng Vụ I, VPCP phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và công chức các Vụ, Cục, đơn vị thuộc VPCP có liên quan tới lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN); đại diện lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, đại biểu một số Vụ, Cục thuộc Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc và chuyên gia nước ngoài đến từ Tổ chức quốc tế Hướng tới minh bạch (Towards Transparency).

Hội nghị tập trung phổ biến, thảo luận các nội dung và chương trình về tình hình thực thi pháp luật về PCTN: những thuận lợi, khó khăn, kết quả và tồn tại; việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực PCTN; kết quả đánh giá quốc gia thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Minh, Vụ trưởng Vụ I, VPCP cho biết, công tác PCTN được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tổ chức thực hiện quyết liệt, gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính. Tuy nhiên, các báo cáo kết quả khảo sát, giám sát, kiểm tra, đánh giá về tham nhũng nhận định, kết quả đạt được trong công tác PCTN chưa đáp ứng được yêu cầu; tham nhũng ở nước ta vẫn ở mức độ nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, người dân băn khoăn và lo lắng về thực trạng tham nhũng.

Theo ông Phan Văn Minh, VPCP hiện đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, pháp luật về quản lý kinh tế xã hội để PCTN; chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Nghị quyết số 37/QH/QH13, Nghị quyết số 63/NQ/QH13 của Quốc hội; Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, lãng phí giai đoạn 2012-2016.

Ông Phan Văn Minh cho rằng, để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng cần phải tập trung xử lý, giải quyết vấn nạn đưa và nhận hối lộ, đây chính là gốc của vấn đề PCTN, do đó phải xây dựng được cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng đòi hỏi một thời gian dài và những điều kiện không đơn giản…

Ông Phan Văn Minh mong muốn, tại Hội nghị này, các đại biểu sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm quốc tế, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn công tác PCTN.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trung Hiếu.

Hội nghị đã nghe ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ trình bày khái quát cơ bản về tình hình phòng chống tham những ở Việt Nam; nêu rõ những mục tiêu, quan điểm về PCTN của các cơ quan chức năng; việc xây dựng thể chế, chính sách nhằm cụ thể hóa Luật PCTN; việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCT; việc thực hiện các quy định về phát hiện, xử lý tham nhũng; việc phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN… đồng thời nêu kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thị Luật PCTN.

Chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong công tác PCTN, ông Conrad Zellmann, Phó Giám đốc Tổ chức quốc tế Towards Transparency đã trình bày các nội dung về các xu hướng quốc tế trong công tác PCTN và các giải pháp hiệu quả tập trung vào các cơ quan PCTN, giới thiệu mô hình tổ chức cơ quan PCTN ở một số nước đã thành công trong công tác PCTN. Theo đó yêu cầu cơ bản đối với các cơ quan PCTN đó là đủ năng lực, hoàn toàn liêm chính, độc lập về thể chế, tự quản về tài chính và thẩm quyền thực thi pháp luật trong hoạt động điều tra.

Hội nghị cũng nghe đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày kết quả đánh giá quốc gia thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng; đồng thời thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong công tác PCTN tại Việt Nam.

Trung Hiếu

Top