Hà Nội

Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về pháp điển hóa Bộ luật dân sự

(Chinhphu.vn) – Ngày 2/4, Vụ Pháp luật (VPCP) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế GIZ (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo về pháp điển hóa Bộ luật dân sự - Kinh nghiệm của CHLB Đức và sự vận dụng trong quá trình xây dựng Bộ luât dân sự sửa đổi của Việt Nam.

02/04/2015 17:22

Vụ trưởng Vụ Pháp luật VPCP Phạm Tuấn Khải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu

.

Pháp điển hóa Bộ luật dân sự sửa đổi là việc xây dựng, soạn thảo pháp luật dân sự trên cơ sở hệ thống hóa, rà soát, tập hợp các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vào Bộ luật dân sự với sự sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

.

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng pháp luật đến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các trường Đại học, Hiệp hội… và các chuyên gia quốc tế của CHLB Đức và Nhật Bản.

.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Phạm Tuấn Khải cho biết, trong quá trình soạn thảo Bộ luật dân sự sửa đổi hiện nay, việc xem xét để pháp điển hóa các quy phạm trong từng lĩnh vực cụ thể trong Bộ luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xác định ranh giới giữa Bộ luật dân sự và các luật chuyên ngành, xác định vị trí, vai trò, mối liên quan, sự chi phối lẫn nhau giữa Bộ luật dân sự và các đạo luật khác.

Ông Phạm Tuấn Khải bày tỏ mong muốn các nhà chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Hội thảo với kinh nghiệm và kiến thức hiểu biết rộng sẽ có những ý kiến phát biểu thắng thắn, trung thực, khoa học; phân tích những mặt được, những mặt chưa được trong việc thực hiện pháp điển hóa về mặt nội dung vào dự thảo Bộ luật dân sự để Hội thảo có kết quả thiết thực, góp phần hoàn thiện dự thảo Bộ luật.

.

Cố vấn trưởng Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB ĐỨc GIZ  Flater cho rằng, trên cơ sở trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, Hội thảo sẽ mang lại hiệu quả thiết thực để thực hiện việc pháp điển hóa về mặt nội dung Bộ luật dân sự sửa đổi của Việt Nam.

.

Những kinh nghiệm, cách tiếp cận về pháp điển hóa pháp luật dân sự về mặt nội dung đã được các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, cởi mở  nhằm đưa ra một cách nhìn tổng quan về pháp luật dân sự trên cơ sở so sánh dự thảo Bộ luật dân sự với một số Bộ luật dân sự của các nước trên thế giới.

.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu

.

Các chuyên gia luật của CHLB Đức đã trình bày tại Hội thảo kinh nghiệm thực tiễn của CHLB Đức về vai trò trung tâm của pháp điển hóa trong Bộ luật dân sự, những quy định chung của Bộ luật Dân sự CHLB Đức; chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân, khái quát về cách tiếp cận dự thảo Bộ luật dân sự trên cơ sở so sánh với một số Bộ luật dân sự trên thế giới; đồng thời cho ý kiến về các vấn đề, lĩnh vực cần được pháp điển hóa về mặt nội dung vào Bộ luật dân sự.

.

Theo nhận định của các chuyên gia CHLB Đức, Việt Nam đang có nỗ lực cải cách, có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, ban hành văn bản pháp luật. Việc pháp điển hóa Bộ luật dân sự sửa đổi có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự thống nhất của hệ thống luật tư, đặt khung pháp lý vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xã hội dân sự ở Việt Nam.

.

Hội thảo đã tiến hành trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc pháp điển hóa Bộ luật trong các quan hệ dân sự. Các đại biểu đồng ý, thống nhất với quan điểm của Dự thảo Bộ luật là luật chung, luật gốc của hệ thống luật tư, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật để làm cơ sở pháp lý cơ bản cho các luật chuyên ngành; Đồng thời cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện pháp điển hóa một cách khoa học và hiệu quả đối với Dự thảo Bộ luật dân sự, tập trung phân tích việc pháp điển hóa trên từng lĩnh vực cụ thể như thương mại và bảo vệ người tiêu dùng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, quyền sở hữu trí tuệ, hôn nhân gia đình.

.

Tiếp tục chương trình trong ngày mai (3/4/2014), Hội thảo sẽ tiếp tục tập trung thảo luận chuyên sâu, phân tích, bình luận chuyên sâu về chế định “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”, “Nghĩa vụ và hợp đồng” trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi; trao đổi về các vấn đề đặt ra đối với vật quyền, trái quyền và phương hướng chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

.

Trung Hiếu

Top