Hà Nội

Tình hình KT-XH cho thấy chúng ta đi đúng hướng

(Chinhphu.vn) - Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng.

04/11/2011 20:53

Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 4/11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2011 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực với những kết quả rõ nét. Như chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 10/2011 tăng 0,36%, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ ba liên tiếp mức tăng giá dưới 1%.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam nói: “điều đó cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng, thể hiện được nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị”.

Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thống nhất, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, còn không ít các khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới kinh tế nước ta.

Lạm phát tuy đã giảm nhưng nếu không thực hiện một cách quyết liệt  thì việc kiềm giữ lạm phát năm nay ở mức 18% vẫn là một thách thức, cần sự vào cuộc và chung tay của cả xã hội.

Theo Bộ trưởng, về cuối năm sức ép đối với tỷ giá rất lớn, lãi suất huy động và cho vay dù đã được điều chỉnh  nhưng vẫn còn cao, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn.  Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê các doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc phá sản; giao các cơ quan chức năng triển khai những biện pháp về thuế để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về việc thực hiện nhanh tái cơ cấu, chấn chỉnh quản lý đầu tư, sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan liên quan, theo hướng thu bớt vốn đầu tư ngoài lĩnh vực chính, đặc biệt là đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nguyên tắc cơ bản là tăng quy mô hợp lý, tăng hiệu quả của các ngân hàng đồng thời phải tiến hành theo lộ trình vững chắc. Bộ trưởng nhấn mạnh, “trong mọi trường hợp không để ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi gửi tiền, tức là phải kiểm soát không để ngân hàng đổ vỡ, tiền gửi chính đáng của người dân phải được bảo đảm”.

Ảnh: Chinhphu.vn

Tại cuộc họp báo, đề cập tới lãi suất ngân hàng hiện nay, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ ghi nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và báo chí về việc lãi suất còn cao. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chính sách tài khóa, tín dụng chặt chẽ nhưng sát thực tế, linh hoạt để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết thêm, mục tiêu đề ra đầu năm là tăng trưởng tín dụng ở mức 20%. Tuy nhiên, các đánh giá tình hình sau đó cho thấy cần giảm chỉ tiêu này xuống thì mới đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11.

Chính phủ nhận định rằng cũng cần một mức tăng trưởng phù hợp để vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát và có cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế. Do đó, tăng trưởng tín dụng ở mức 12% trong năm 2011 là phù hợp.

Đối với việc điều hành giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, nguyên tắc điều hành giá các mặt hàng điện, xăng dầu... là phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song về dài hạn phải tiến tới cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ đã có lộ trình rất chủ động điều hành giá xăng dầu, điện cũng như các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu khác. Tại kỳ họp này, Chính phủ chưa bàn việc tăng giá điện nhưng sẽ xem xét và quyết định vào thời điểm thích hợp. Điều chắc chắn là sẽ yêu cầu ngành điện công khai giá thành và kết quả sản xuất kinh doanh. 

Về các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải làm việc với UBND thành phố Hà Nội để xây dựng phương án cụ thể. Những việc nào thuộc thẩm quyền của thành phố sẽ do thành phố giải quyết, việc nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết. Trước hết thì việc tuân thủ nghiêm trật tự an toàn giao thông cũng góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông.

Mai Chi

Top