Hà Nội

Thủ tướng phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp

(Chinhphu.vn) - Bước vào giai đoạn tiếp theo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1949 - 1954), Thủ tướng phủ đã mở rộng phạm vi công tác, hoàn thiện về tổ chức bộ máy theo hướng một cơ quan tổng hợp, tham mưu, giúp việc chung cho Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ.

13/04/2015 15:30

- Mãi mãi xứng đáng là cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

- Văn phòng Chính phủ: Dấu ấn những ngày đầu

- VPCP: Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

 

 Cán bộ, nhân viên Văn phòng Phủ Thủ tướng tại xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang năm 1951 - Ảnh tư liệu

Kiện toàn tổ chức

.

Từ đầu năm 1949, mọi lĩnh vực công tác kháng chiến chuyển biến nhanh chóng. Trước tình thế mới, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã có những biến chuyển cơ  bản để vươn lên đáp ứng những đòi hỏi cấp bách về công tác đối nội và đối ngoại.

.

Thời điểm năm 1949, về nguyên tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ cương vị Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Chính phủ, nhưng trên thực tế, Người bắt đầu tập trung vào các trọng trách của Chủ tịch nước nhiều hơn. Do vậy, nhu cầu tách bạch Văn phòng Chủ tịch thành Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước có điều kiện để thực hiện.

.

Hầu như toàn bộ các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước, trên thực tế từ đầu năm 1947 đều do Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm. Mãi tới tháng 6/1948, với sự trở lại của các ông Phạm Ngọc Thạch, Vũ Đình Huỳnh thì mọi hoạt động của Chủ tịch phủ mới được khôi phục trở lại với Phòng Bí thư, Phòng Trung ương liên lạc miền Nam, Viện Huân Chương, Văn phòng Thứ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Ban Căn cứ địa, Phòng Pháp chế và Công báo, Nha Thống kê. Đến cuối năm 1948, Chủ tịch phủ có thêm Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao, Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương.

.

Qua mấy tháng tuyển chọn và sắp xếp nhân sự, xây dựng cơ cấu tổ chức, vào thời điểm tháng 10/1949, Thủ tướng phủ chính thức hoạt động (dù sau đó, tới cuối tháng 5/1950, các văn bản vẫn còn mang tiêu đề Văn phòng Chủ tịch Chính phủ) gồm:

.

- Phòng 1 (công văn đi đến, mật mã, điện đài, giao thông liên lạc, lưu trữ hồ sơ).

.

- Phòng 2 (ngân sách và kế toán, nhân sự, công tác đội, phục vụ hội nghị, trạm xá 12).

.

- Phòng 3 (theo dõi công tác kế hoạch, tuyên huấn, dự thảo báo cáo, thư viện, báo chí, thông tin, thống kê – từ tháng 11/1950 thêm pháp chế và Công báo).

.

- Phòng 4A (nội chính).

.

- Phòng 4B (kinh tế).

.

- Phòng 7 (Bí thư giúp việc Phó Thủ tướng). Phòng này tồn tại cho tới khi ông Phạm Văn Đồng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ).

.

Trong đó, nhiệm vụ của Phòng 4A khá quan trọng, được phân công theo dõi hoạt động của các cơ quan trong Khối Nội chính (Bộ Nội vụ, Nha Công an, Bộ Tư pháp) và Khối Văn xã (y tế, giáo dục, thông tin, tuyên truyền), hướng dẫn hoạt động của các Ủy ban kháng chiến hành chính các Liên khu và các tỉnh, thường xuyên liên hệ với Mặt trận Liên Việt để phối hợp thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, chống âm mưu chia rẽ dân tộc và tôn giáo của địch, theo dõi việc xây dựng và củng cố chính quyền ở các vùng tự do, vùng du kích và vùng tạm chiếm, phá chính quyền địch, tăng cường bảo vệ an ninh, bí mật, trừ gian diệt tề. Ngoài ra, Phòng 4A còn có nhiệm vụ chuẩn bị, trình Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội ban hành các văn bản pháp quy; theo dõi công tác thương binh; khen thưởng các gia đình có nhiều người tòng quân; thi hành chính sách đối với thương binh và dân công; theo dõi công tác giáo dục, y tế...

.

Trong quá trình vận hành, các đơn vị như Phòng Trung ương liên lạc miền Nam (về sau gọi là Phòng Liên lạc miền Nam), Nha Thống kê (Phòng Thống kê), Ban Căn cứ địa, Ban Thanh tra đặc biệt (Ban Thanh tra Chính phủ), Phòng Pháp chế và Công báo dần dần được chuyển dịch từ Chủ tịch phủ sang trực thuộc Thủ tướng phủ. Nhiều cơ quan khác như Ban Bảo vệ ATK (Bộ Nội vụ), Nha Thông tin (Bộ Nội vụ), Vụ Văn học – nghệ thuật (Bộ Quốc gia giáo dục), Ban Điệp báo phản gián (Nha Công an) cũng được đưa về cơ quan Thủ tướng phủ.

.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, Thủ tướng phủ đã cùng các Bộ liên quan chuẩn bị, trình Hội đồng Chính phủ thông qua và trình Chủ tịch nước cho phép thành lập một số cơ quan tham mưu cấp cao của Chính phủ như: Ban Kinh tế của Chính phủ, Ban Nội chính của Chính phủ, Ban Văn hóa xã hội của Chính phủ, Ban Bảo vệ căn cứ địa Trung ương, Phòng Miên – Lào, Phòng Giao tế.

.

Mặc dù đã chính thức hoạt động dưới danh nghĩa Thủ tướng phủ từ đầu tháng 10/1949 và dùng con dấu Chính phủ nhưng trong khá nhiều văn bản Thủ tướng phủ vẫn tiếp tục sử dụng tiêu đề và con dấu Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Mãi đến ngày 19/5/1950, Thủ tướng phủ mới chính thức gửi văn bản tới Ban Thường trực Quốc hội, các Bộ, Ban Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kháng chiến hành chính các Liên khu, Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Hà Nội thông báo, từ ngày 25/5/1950, Thủ tướng phủ có con dấu riêng dùng trên các công văn, giấy tờ.

.

Việc hình thành ngày một rõ nét cơ quan Thủ tướng phủ đã tạo điều kiện để Chủ tịch phủ tập trung vào những công việc hành chính. Hầu hết các văn bản do Chủ tịch phủ ban hành từ cuối năm 1949 mang nội dung thông báo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

.

Trên thực tế, Thủ tướng phủ vẫn đảm nhiệm một mảng công việc rất lớn thuộc trọng trách của Chủ tịch nước và đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, trong đó đã chuyển nhiều thông báo ý kiến chỉ đạo, lời nhắc nhở và thư của Người tới các Bộ, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, cá nhân như: Chuyển lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ủy ban kháng chiến hành chính Bắc Kạn qua Bộ Quốc phòng và Nội vụ (16/8/1949); thông báo ý kiến của Người tới Bộ trưởng Bộ Canh nông đối với nội dung Thông tư về tiết kiệm gạo (25/2/1950), thông báo ý kiến của Người tới Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục về dự án Sắc lệnh thành lập Văn hóa vụ, tới Bộ Tư pháp ý kiến của Người về Sắc lệnh tổ chức Tòa án nhân dân Liên khu (11/11/1950); chuyển lời nhắc nhở của Người về việc phòng máy bay địch oanh tạc (22/11/1950); thông báo ý kiến của Người tới Phái đoàn Chính phủ đang đi kinh lý ở Liên khu III, Liên khu IV.

.

Thủ tướng phủ tiếp tục thực hiện sát sao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và thẩm tra, chỉnh lý các dự thảo văn bản do các Bộ chuẩn bị, trình Hội đồng Chính phủ thông qua để trình Chủ tịch nước ký ban hành hàng trăm Sắc lệnh, trong đó phải kể đến các Sắc lệnh: Sửa đổi thành phần Hội đồng Quốc phòng tối cao (8/1949); hợp nhất các Liên khu I và X thành Liên khu Việt Bắc (11/1949); thành lập Ban Thanh tra Chính phủ (12/1949); quy chế công chức (5/1950); đặt nghĩa vụ kháng chiến (5/1950); thiết lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (5/1951); quy định về chính sách ruộng đất (4/1953)…

.

Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm 1949 và trong hai năm 1950 – 1951, lượng dự thảo văn bản Thủ tướng phủ chuẩn bị hoặc thẩm tra, chỉnh lý, trình Hội đồng Chính phủ xem xét để trình Hội đồng Chính phủ xem xét để trình Chủ tịch nước ra Sắc lệnh vẫn còn khá lớn, nhưng sau đó, do Hội đồng Chính phủ phải tập trung vào giải quyết các yêu cầu cấp thiết hơn của cuộc kháng chiến nên số lượng các văn bản này bắt đầu giảm đi một cách đáng kể, nhất là vào các năm 1953 – 1954. Trong khi đó, lượng văn bản trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thành Nghị định, Thông tư bắt đầu tăng lên.

.

Các loại văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được phân định rạch ròi hơn, tùy theo tầm quan trọng mà hình thức các văn bản được ban hành ngày một thích ứng với đời sống xã hội và cuộc kháng chiến kiến quốc.

.

Tăng cường đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ

.

Ngày 19/12/1951, Thủ tướng phủ đã chuyển nhiệm vụ theo dõi cán bộ và chính quyền sang Bộ Nội vụ. Có thể coi đây là thời điểm Thủ tướng phủ hoàn chỉnh bước đầu về mặt cơ cấu tổ chức và nhân sự. Cũng vào thời điểm này, Công đoàn công chức Thủ tướng phủ ra đời, phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, nhân viên cơ quan.

.

Từ tháng 9/1950 trở  đi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ có nhiều thay đổi. Ngày 1/9/1950, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 1-HĐCP chấp thuận để ông Phạm Ngọc Thạch thôi giữ chức Thứ trưởng Chủ tịch phủ để giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn. Tham chính Văn phòng Đào Đức An, kể từ ngày 25/9/1950 với tư cách là Trưởng phòng 1 và 2 được ủy nhiệm ký thay Chánh Văn phòng Chủ tịch phủ, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao và Chánh Văn phòng Thủ tướng phủ. Ngày 6/11/1950, ông Trần Quý Kiên được bổ nhiệm giữ chức Phó Văn phòng Thủ tướng tại Sắc lệnh số 149-SL của Chủ tịch nước…

.

Đội ngũ và trình độ cán bộ, viên chức Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ vào thời gian này cũng tăng lên rõ rệt, từ 2 kiêm sự, 4 tham sự, 19 cán sự, 1 tá sự vào cuối năm 1950 đến đợt xếp ngạch bậc đầu năm 1952 con số đã là 5 kiêm sự, 9 tham sự, 24 cán sự và 6 tá sự. Nhiều người có văn bằng cử nhân hoặc kỹ sư, tốt nghiệp các trường đại học ở trong và ngoài nước. Nhiều cán bộ được điều chuyển về Thủ tướng phủ từ địa phương, cơ sở nên có kinh nghiệm thực tế.

.

Liên tiếp từ tháng 8/1953 trở đi, Thủ tướng phủ đã gửi văn thư và cử cán bộ đi nhiều nơi đề nghị tuyển lựa cán bộ cho Trung ương như đề nghị Liên khu Việt Bắc, Liên khu IV cung cấp cho 300 thanh niên và Liên khu III và Liên khu IV tuyển chọn thêm công nhân theo tiêu chuẩn mới. Trong các tháng 11, 12/1953 và tháng 1/1954, Thủ tướng phủ còn đề nghị các địa phương như Yên Bái, Thái Nguyên tuyển nhiều công nhân.

.

Thủ tướng phủ cũng đã sớm cùng các Bộ liên quan nghiên cứu, trình Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh quy định chế độ lương bổng và phụ cấp nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ.

.

Trong điều kiện kháng chiến khó khăn, Thủ tướng phủ rất quan tâm thực hiện chính sách cán bộ, đặc biệt đối với những đơn vị có đông cán bộ, nhân viên, có đặc thù công tác riêng: Các giao thông viên, liên lạc viên, áp tải viên được Thủ tướng phủ đề nghị Bộ Tài chính tăng thêm trợ cấp, cấp phát chăn màn, quần áo; các quân nhân biệt phái sang Thủ tướng phủ làm việc ở Phòng Giao tế, Đoàn xe và Phòng Miên – Lào, Phòng Y tế hoặc tại Đại đội công binh được tiếp tục hưởng quân trang và đề bạt cấp bậc; nhân viên Phòng Trung ương liên lạc miền Nam được hưởng trợ cấp vùng và lưu trú như viên chức./.

.

Theo Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945-2005)

Top