Hà Nội

Thủ tướng dự Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

22/12/2020 18:05

Cùng dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành.

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên thế giới, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã là mô hình kinh tế phổ biến, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Từ khi có hợp tác xã đầu tiên được hình thành ở châu Âu cách đây gần hai thế kỷ, đến nay đã có hơn 3 triệu hợp tác xã hoạt động, thu hút hơn 1,2 tỷ thành viên tham gia, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số toàn cầu. Tại những quốc gia tiên tiến, hợp tác xã vẫn giữ một vai trò quan trọng.

Qua báo cáo và theo dõi tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ vui mừng thấy rằng: Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến cuối năm 2020, có 26.040 hợp tác xã; thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước); tăng 4,5% so với năm 2015; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số hợp tác xã (tăng 03 lần so với năm 2015); số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị tăng 6,8 lần so với năm 2015; khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP của cả nước; gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về hiệp định thương mại tự do; vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể. Bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển trên thế giới đều chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp hợp tác xã là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ cá thể và nông dân.

Phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên cơ sở bảo đảm phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã và khả năng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Cơ bản thống nhất với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và đặc biệt là 5 chương trình hành động trọng tâm đã nêu trong Báo cáo trình Đại hội, Thủ tướng đề nghị tập trung một số nội dung.

Đó là tiếp tục đổi mới tư duy và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh hợp tác xã các cấp, với chức năng là tổ chức đại diện cho hơn 8,1 triệu thành viên và hơn 30 triệu người lao động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.

Các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp uỷ, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên…

Cần tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trong quản lý hợp tác xã và tổ hợp tác; từng bước quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với thay đổi của thị trường; đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là kinh tế số; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị hợp tác xã, đặc biệt là người đứng đầu hợp tác xã không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng của một doanh nhân, mà còn phải có một trái tim cống hiến cho cộng đồng. Hợp tác xã kiểu mới là một thiết chế kinh tế tiến bộ, tạo ra lợi ích, nâng cao thu nhập, lấy lợi ích của thành viên làm trung tâm.

Xây dựng quy hoạch sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chủ lực cấp quốc gia, vùng, địa phương gắn với doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, hệ thống logistics và siêu thị; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ hợp tác xã. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các sai phạm trong hoạt động.

Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, kinh nghiệm, khoa học và công nghệ từ các tổ chức quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng tất yếu trong hội nhập, mở cửa; là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Top