Hà Nội

Thông tin về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

24/02/2015 18:31

Tăng mức trợ cấp cho người có công với cách mạng

Theo quy định mới của Chính phủ, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tăng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng.

Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 4/9/2013 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng của Chính phủ đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Tuy nhiên, do chỉ số giá tiêu dùng tăng nên đã ảnh hưởng đến đời sống của người có công và thân nhân trong gia đình.

Vì vậy, để góp phần cải thiện đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ, Chính phủ đã ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức trợ cấp, phụ cấp. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tăng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng.

Cụ thể, mức phụ cấp, trợ cấp của một số đối tượng người có công như sau: Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.318.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 2.636.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 3.954.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc lấy vợ khác (diện không hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng) là 1.318.000 đồng/tháng.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên và hưởng phụ cấp 1.105.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.318.000 đồng/tháng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.105.000đồng/tháng.

Cũng theo Nghị định mới, liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng 500.000 đồng/năm.

Trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục mầm non là 200.000 đồng/năm; tại cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 250.000 đồng/năm; tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, phổ thông dân tộc nội trú là 300.000 đồng/năm...

Tăng lương cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 2,34 trở xuống

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.

Nghị định nêu rõ, người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, bao gồm:

- Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

- Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Luật Viên chức năm 2010.

- Cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

- Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù;

- Giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015.

- Viên chức làm việc trong Trạm Y tế xã theo quy định tại Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn.

- Công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Công nhân, nhân viên công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân.

- Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong tổ chức cơ yếu.

Mức tiền lương tăng thêm

Người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống nêu trên được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng (gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân mức lương cơ sở), cụ thể: Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh x Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng x 8%

Tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tính các loại phụ cấp lương.

Kinh phí thực hiện sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) của cơ quan, đơn vị.

Sử dụng tối thiểu 40% số thu phí, lệ phí được để lại theo chế độ năm 2015 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với số thu dịch vụ sử dụng tối thiểu 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).

Sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất và khoản 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2015 so với dự toán năm trước sau khi đảm bảo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng còn dư).

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2014 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.

Ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện mức tiền lương tăng thêm trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng quy định nêu trên nhưng vẫn còn thiếu nguồn.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2015. Chế độ quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2015.

7 đối tượng được miễn, giảm giá vé tàu

Theo Nghị định số 14/2015/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành, có 7 đối tượng chính sách xã hội được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé đi tàu.

7 đối tượng chính sách xã hội được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé đi tàu gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; Trẻ em dưới 6 tuổi.

Giảm 90% cho người hoạt động cách mạng

Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được giảm 90% giá vé.

Các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc màu da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được giảm 30% giá vé.

Việc giảm giá vé được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà hành khách sử dụng.

Nghị định quy định rõ miễn vé áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng người lớn. Trẻ em được miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 2 đối tượng miễn vé đi cùng.

Trường hợp đối tượng chính sách xã hội đi tàu được hưởng từ 2 chế độ giảm giá vé trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ giảm giá vé cao nhất. Người được miễn, giảm giá vé tàu phải xuất trình giấy chứng nhận thuộc đối tượng quy định cùng giấy tờ tùy thân khi mua vé và khi đi tàu.

Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định này quy định các nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự

Đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự.

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Riêng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. 

Đơn vị sự nghiệp công xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ.

Riêng số lượng người làm việc, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 5 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định (đối với các đơn vị sự nghiệp công mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ 5 năm thì tính bình quân cả quá trình hoạt động).

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công chưa xây dựng được vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc được xác định trên cơ sở định biên bình quân các năm trước theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng

Đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của đơn vị.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý và pháp luật chuyên ngành, trường hợp cần thiết, các Bộ, cơ quan Trung ương; UBND cấp tỉnh quy định việc thành lập Hội đồng quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công không thuộc quy định nêu trên.

Hội đồng quản lý quyết định về chiến lược, kế hoạch trung hạn và hàng năm của đơn vị; quyết định chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động, thành lập, giải thể, tổ chức lại các đơn vị cấu thành; quyết định chủ trương lớn về tổ chức, nhân sự (bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật viên chức; riêng về số lượng người làm việc thực hiện theo quy định); thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền quyết định; thông qua báo cáo quyết toán tài chính hàng năm, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, việc triển khai quy chế dân chủ, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý có từ 5 đến 11 thành viên; Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng quản lý do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị bổ nhiệm; Hội đồng quản lý có đại diện của cơ quan quản lý cấp trên.

Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Giang và Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.

Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Hà Giang, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cửa khẩu biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Bên cạnh đó, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác  có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 81 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư; các Điều 37 và 38 Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và khoản 21 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP; Điều 11 Quyết định 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền.

Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 3 Phó Trưởng ban. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm: Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đại diện Ban Quản lý tại khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giữ chức Chủ tịch Hội đồng.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các Ủy viên Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Tất Giáp; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt.

Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam có các nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, phương hướng và giải pháp biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp các công việc liên quan trong việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam bảo đảm đúng yêu cầu, mục tiêu và tiến độ của Đề án đã được phê duyệt; chỉ đạo phê duyệt và tổ chức biên soạn nội dung; thẩm định kết quả biên soạn; xuất bản Bách khoa toàn thư Việt Nam; huy động các nhà khoa học tham gia biên soạn; huy động và sử dụng nguồn kinh phí để triển khai thực hiện...

Thay đổi Thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định thay đổi Thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Cụ thể, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiêm Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thay bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh kiêm Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thay ông Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh./.

Top