Hà Nội

Thông tin báo chí về hoạt động của các Phó Thủ tướng

07/07/2015 09:09

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Cần đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

Chiều ngày 06/7, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Hoạt động xúc tiến thương mại cần được đổi mới, có tầm nhìn dài hạn, trọng tâm trọng điểm, trong đó tập trung hỗ trợ đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trong nước là gắn với thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao vai trò, kết quả hoạt động cũng như sự trưởng thành vượt bậc của Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) về năng lực, kỹ năng, tính chuyên nghiệp. Cục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Công Thương giao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của DN. Đặc biệt, là việc xây dựng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; trực tiếp triển khai khoảng 2.200 đề án, thu hút 44.200 lượt doanh nghiệp tham dự với doanh số ký hợp đồng xuất khẩu trên 10 tỷ USD; cấp đăng ký và quản lý, giám sát chặt chẽ trên 4.000 chương trình khuyến mại, gần 400 hội chợ triên lãm…

Phó Thủ tướng cũng mong muốn Cục XTTM thời gian tới phát huy kết quả, tiếp tục là cơ quan giúp Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng các cơ chế, chính sách hiệu quả hơn thúc đẩy các hoạt động XTTM trong và ngoài nước.

Chương trình XTTM quốc gia với 3 mục tiêu chính là XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM miền núi, biên giới, hải đảo. Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2010 - 2014 đã thu hút hơn 21.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt trên 1.000 tỷ đồng và gần 5,3 tỷ USD.

Chương trình Thương hiệu quốc gia - một chương trình XTTM dài hạn của Chính phủ nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng - mặc dù nguồn lực còn nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tiễn, nhưng đã được triển khai một cách hiệu quả. Năm 2014, kỳ lựa chọn lần thứ 4 kể từ năm 2008, Chương trình đã xác định được 63 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn của nền kinh tế, 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực cho xã hội: năm 2013, nộp ngân sách trên 25 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 90 nghìn lao động và xuất khẩu trên 17 nghìn tỷ đồng. 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không được huy động dân nghèo góp tiền xây dựng các công trình nông thôn mới

Ngày 6/7, tại Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của ngành giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết: “Vừa rồi có nơi đã huy động cả người nghèo đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, trừ vào cả số tiền mà người nghèo được hưởng thì thật là phản cảm".

Và thêm một lần nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của để xây dựng đường xá, các công trình để đạt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, “Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, ông đã chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp (chính quyền cấp xã) huy động quá sức sức dân hoặc người dân nghèo vào xây dựng nông thôn mới.

Phó Phủ tướng cho rằng, đối với vùng có đông đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng phải là chủ yếu, có thể chiếm 90-100% vốn.

Phó Thủ tướng còn cho biết, hiện nay, việc phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển được Chính phủ ưu tiên nguồn lực gấp 2 lần các xã bình thường (theo Nghị quyết của Quốc hội) nhưng “để đáp ứng nhu cầu về hạ tầng giao thông, sản xuất thì còn phải đầu tư nhiều hơn nữa”. Nhưng chính quyền địa phương các cấp chỉ được huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân. Thậm chí, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Nếu huy động người nghèo dùng sức để xây dựng giao thông thì chính quyền phải tạo thêm điều kiện để người nghèo có thêm thu nhập từ sự huy động của chính quyền”.

Để thực hiện được quan điểm nhân văn này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phân bổ ngân sách, vật tư, thiết bị từ cấp Trung ương tới địa phương cũng phải rõ ràng, vùng nghèo khó phải được hưởng nhiều hơn vùng có điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, để đảm bảo tiết kiệm trong thực hiện xây dựng đường giao thông, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ về phân cấp thực hiện các công trình nông thôn mới để triệt để phân cấp cho nhân dân xây dựng và giám sát.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương các cấp đã huy động được 186.194 tỷ đồng trong 5 năm qua để phát triển đường giao thông nông thôn, gấp 1,83 lần so với 10 năm trước đó trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là vốn từ phía Nhà nước chiếm trên 70%, còn lại là vốn huy động từ xã hội và cộng đồng dân cư.

Tính chung cả nước, hệ thống đường giao thông nông thôn tới nay đã cứng hóa được hơn 220.000 km, ứng với 44,68%.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc xây dựng, cứng hóa số quãng đường còn lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thi công và vốn do nằm ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo. Do đó, việc huy động nguồn lực thực hiện vẫn phải đặt vai trò của Nhà nước lên đầu tiên.

Nhấn mạnh ý nghĩa của phát triển giao thông nông thôn nói riêng và các chỉ tiêu nông thôn mới nói chung đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn (chiếm 80% diện tích, 70% dân số của cả nước), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Đại hội đảng bộ cấp huyện, tỉnh cần phải đưa các chỉ tiêu này vào Nghị quyết để thực hiện hiệu quả, chất lượng vì cuộc sống của người dân./.

 

Top