Hà Nội

Thông tin báo chí về hoạt động của các Phó Thủ tướng

01/07/2015 18:31

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Nam

Sáng 1/7, tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Phước Sơn.

Đoàn Đại biểu Quốc hội đã báo cáo kết quả của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII tới cử tri huyện Phước Sơn.

Nhân dân huyện Phước Sơn đã gửi tới đại biểu Quốc hội nhiều kiến nghị dân sinh của địa phương, như an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14E và các tuyến đường giao thông; giải tỏa đền bù tại các công trình mới; chính sách quản lý và bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a; hỗ trợ hộ thoát nghèo, các chính sách cho già làng, trưởng bản người dân tộc miền núi…

Sau khi nghe kiến nghị của người dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của toàn thể nhân dân và chính quyền huyện Phước Sơn đã đồng lòng xây dựng huyện miền núi Phước Sơn từ một huyện đặc biệt khó khăn nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển đời sống của đồng bào miền núi và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp, xây dựng mô hình kinh tế cải thiện thu nhập cho nhân dân huyện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, người dân và chính quyền cần nêu cao tinh thần tự lực tự cường, không nên trông chờ, dựa vào nguồn lực của Nhà nước. Ngoài ra, cần chú trọng việc chọn lọc, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số có đức, có tài tham gia xây dựng chính quyền.

Phó Thủ tướng cam kết sẽ ghi nhận những ý kiến của người dân nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, Quốc lộ 14E và các tuyến giao thông, chính sách đối với già làng, trưởng bản, chính sách hỗ trợ hộ dân về quản lý và bảo vệ rừng, chính sách về giáo dục tại huyện miền núi lên các cấp xem xét và thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản chính thức đề xuất lên các cấp về việc công nhận tộc người Bhnong trở thành một dân tộc thiểu số trong các dân tộc anh em Việt Nam.

* Tại Quảng Nam, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và tặng quà cho các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam, đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển huyện miền núi Phước Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Sáng 1/7, trước tình hình tiến độ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát dọc tuyến, chỉ đạo các giải pháp gỡ vướng cho dự án huyết mạch này.

Trải dài 139 km qua 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, tuyến cao tốc có tiêu chuẩn 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, trên tuyến có 104 cầu, 1 hầm, 8 nút giao liên thông.

Qua kiểm tra tại các điểm đầu tuyến, cầu Kỳ Lam, cửa hầm Bắc, khu di tích Triền Tranh, một số vị trí vướng mặt bằng, cho thấy tiến độ tổng thể dự án đạt 86,85% yêu cầu kế hoạch. Trong đó, 4 gói thầu đầu tuyến đạt và vượt yêu cầu tiến độ, còn lại 9 gói sau chậm tiến độ từ 6-18%.

Mặt bằng cũng là vấn đề gây trở ngại cho dự án khi hầu hết các đoạn tuyến đều chưa có mặt bằng thi công. Các địa phương cho biết, vướng mắc chủ yếu là chưa có đất tái định cư (cho gần 1.000 hộ), tranh chấp đất (97 hộ), còn lại là có khiếu nại về giá hoặc hình thức đền bù, tái định cư. Ngoài ra, có tình trạng chậm thẩm định và phê duyệt trong phương án đền bù, thủ tục pháp lý, phương án tái định cư...

Theo dự kiến, đến quý 3/2015, các địa phương sẽ giải quyết cơ bản mặt bằng để tạo điều kiện cho nhà thầu thi công.

Tại giao ban công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những cố gắng trong việc triển khai từng gói thầu của dự án tổng thể. Dù mới triển khai trong một thời gian ngắn nhưng đến thời điểm này các đơn vị đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc của dự án giao thông có thể nói là hiện đại và quan trọng nhất của khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những gói thầu chậm tiến độ, những nhà thầu yếu và yêu cầu phải có giải pháp lấy lại tiến độ, các gói thầu vượt tiến độ có thể xem xét san sẻ lực lượng, máy móc để giúp đỡ các gói thầu còn lại để tạo sự đồng bộ cho công trình.

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề chất lượng thi công ở một số dự án đang gặp nhiều thách thức, nhất là ở công trình đường, không vì tiến độ mà coi nhẹ chất lượng.

Các địa phương tập trung vấn đề giải phóng mặt bằng, tuy không còn nhiều nhưng đều vướng, nhất là ở cấp cơ sở loại đất nông nghiệp 5% và tái định cư, trong đó lưu ý giải quyết tốt, có phương án linh hoạt, giúp người dân ổn định chỗ ở, di dời sớm chứ không nhất thiết phải chờ nhà tái định cư.

Về thi công tổng thể, Phó Thủ tướng yêu cầu công trình phải tập trung đào đắp đủ khối lượng bảo đảm cho cao độ mùa lũ sắp tới, lập phương án chống lũ cho từng công trình. Tuy nhiên, phải tính tới việc thông thủy để không gây ra ảnh hưởng, bảo đảm thoát lũ nhanh cho địa hình miền Trung vốn dốc và khó lường. "Một tháng nữa từng đơn vị báo cáo lại kết quả giải quyết", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gỡ vướng về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

Không mở rộng bảo hiểm y tế (BHYT), tin học hóa hệ thống y tế thì không thể thực hiện được đồng bộ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và kể cả liên quan đến việc xây dựng bệnh viện và cơ sở vật chất cho hệ thống y tế bên dưới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2015, chiều 1/7.

“Chúng ta cần xem xét  nguyên nhân từng nhóm đối tượng tại sao không đạt chỉ tiêu. Tại sao một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30-70% tiền mua thẻ BHYT nhưng một số địa phương chưa vào cuộc hỗ trợ người dân một phần còn lại. Tại sao một số tỉnh, tôi được báo cáo có các huyện đảo, xã đảo chỉ vì không xác nhận thủ tục mà không cấp được thẻ BHYT cho người dân”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Tính đến 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4 % so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Riêng nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400.000 người so với thời điểm cuối năm 2014, tương đương 5,4% .

Sáu tháng đầu năm, Quỹ BHYT đã chi trả KCB cho gần 60 triệu lượt bệnh nhân BHYT với tổng số tiền gần 20 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai Luật BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đạt tối thiểu 75% dân số có thẻ BHYT vào cuối năm 2015. Trong đó, kế hoạch triển khai của nhiều địa phương chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và cụ thể, hiệu quả chưa cao; thủ tục quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà... Đặc biệt, tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân thực trạng trên do: Thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để. Người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ BHYT không ổn định. Nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo khi tham gia BHYT.

Mặt khác, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê có trên 40% DN còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với các đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phân tích và chỉ đạo ngành Y tế, BHXH và các địa phương tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc.

Trước hết, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp để nâng tỷ lệ mua BHYT trong học sinh, sinh viên đạt 100%. Cụ thể, tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT đã đạt 90%, thì 10% còn lại, các trường cần tìm hiểu hoàn cảnh để vận động gia đình và các cháu đúng theo tinh thần BHYT (vừa chấp hành pháp luật, vừa đúng đạo lý “tương thân, tương ái”). Đối với sinh viên hiện đạt 78%, thì trong 22% chưa đóng thì phải xem kỹ nếu sinh viên thuộc hộ nghèo thì xem xét hỗ trợ nhưng cũng phải tính cả trường hợp nhiều sinh viên gia đình khá giả nhưng không mua BHYT.

Liên quan đến hỗ trợ đối tượng cận nghèo, Phó Thủ tướng nhận xét: 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hộ cận nghèo nhưng mới có 33/63 địa phương có kế hoạch hỗ trợ cho đối tượng này mua thẻ BHYT, còn các địa phương khác vẫn đứng ngoài cuộc.

“Tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố còn lại phải vào cuộc. Đây là chủ trương lớn, không phải chỉ là chỉ tiêu thành tích mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn thế. Chúng ta có hệ thống BHYT mạnh gắn với nâng chất lượng KCB lên thì mới thay đổi được chất lượng dịch vụ KCB cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Về đối tượng nông dân, diêm dân, ngư dân mà Nhà nước đã hỗ trợ 30% tiền mua thẻ BHYT, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh vận động người dân tham gia BHYT.

Phó Thủ tướng lưu ý, không chỉ mở rộng các kênh bán BHYT, mà hệ thống KCB cũng phải phát triển tương ứng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân theo hướng các cơ sở y tế (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) nếu đủ điều kiện đều được BHYT thanh toán khi điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT.

Vấn đề tin học hóa hệ thống BHYT một lần nữa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh là yếu tố quyết định để vận hành hệ thống chính xác, nhịp nhàng; giải quyết được vấn đề chênh lệch số liệu cũng như trùng lắp, thiếu sót trong cấp thẻ BHYT. Và nhất là để người dân ở đâu, đi đâu cũng được KCB, thanh toán BHYT thuận tiện.

Phó Thủ tướng khẳng định: Tất cả bệnh viện và cơ sở y tế đã tin học hóa thì không có nghĩa sẽ xóa sạch hệ thống đó đi để làm lại mà đối tác cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ sở y tế có thể tiếp tục làm nếu cơ sở y tế thấy tốt nhưng phải theo đúng hướng dẫn để đấu nối hệ thống đồng bộ toàn quốc.

“Tin học hóa không chỉ phục vụ cho thanh toán BHYT mà sau này tất cả các dịch vụ về y tế, kể cả y tế dự phòng lẫn y tế điều trị đều qua hệ thống này. Chúng ta đặt thời hạn đến 31/12/2015 toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam phải được tin học hóa và nối mạng”, Phó Thủ tướng nói./.

Top