Hà Nội

Thông tin báo chí về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/8/2014

11/08/2014 15:26

Lùi thời gian trình Dự án Luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thủ tướng Chính phủ kết luận: Việc xây dựng Dự án Luật hành chính - kinh tế đặc biệt với định hướng nhằm tạo khung pháp lý cho việc hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các quy định mang tính chất đặc thù về mô hình tổ chức bộ máy hành chính; phương thức đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển vượt trội so với quy định hiện hành và các chính sách, ưu đãi của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán; các quy định nhằm áp dụng cho các khu vực phát triển kinh tế có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, có khả năng cạnh tranh quốc tế về thể chế hành chính và môi trường đầu tư. Các vấn đề đặt ra nói trên ở Việt Nam đều chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, chưa được nghiên cứu, đánh giá toàn diện và còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt về tính khả thi của mô hình này khi thể chế hoá trong Dự án Luật. Với yêu cầu đặt ra như vậy, cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề nêu trên, đặc biệt là về thể chế và mô hình phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để có cơ sở xây dựng Dự án Luật.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính tại 8 địa phương

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh địa giới tăng đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 8 địa phương.

Theo Thông báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh xây dựng Đề án của Chính phủ điều chỉnh tăng đơn vị hành chính đáp ứng đủ tiêu chí, phù hợp với quy hoạch của cấp xã, cấp huyện. Nội dung của Đề án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành, trong đó làm rõ tình chất đặc thù, đánh giá về tác động khi điều chỉnh địa giới và giải pháp khắc phục; các phương án bảo đảm tiêu chí còn thiếu để đủ điều kiện theo quy định hiện hành; hướng dẫn cụ thể hình thức lấy ý kiến nhân dân, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Sông Đốc và các phường thuộc thị xã Sông Đốc; thành lập thị xã Năm Căn và các phương thuộc thị xã Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Duyên Hải để thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bù Gia Mập để thành lập huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Đối với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 xã mới Thanh Xuân và Kim Ngọc thuộc huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng; xã Đảo Trần thuộc huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; 2 xã Đắk Ôn và Đắk Non thuộc huyện Đắk Glei và thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với UBND các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Kon Tum khi xây dựng Đề án của Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ tính chất đặc thù về địa bàn an ninh quốc phòng, bảo đảm chủ quyền biên giới lãnh thổ và phương hướng bảo đảm hoàn thành các tiêu chí còn thiếu.

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã mới thuộc tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh còn thiếu nhiều tiêu chí theo quy định hiện hành và còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận trong nhân dân nên chưa đồng ý về chủ trương.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh địa giới hành chính xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc để thành lập huyện Thổ Châu; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hòn Đất để thành lập thêm 1 huyện mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Thủ tướng phân công soạn thảo 31 Nghị định hướng dẫn các luật mới được Quốc hội thông qua

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo Văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ Bảy.

Theo Quyết định, cơ quan chủ trì soạn thảo ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản bảo đảm chất lượng và thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cho phép các cơ quan chủ trì soạn thảo áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các văn bản theo Quyết định này.

Theo Danh mục, tổng cộng có 31 Nghị định của Chính phủ và 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn các 11 luật có hiệu lực thi hành từ 26/6/2014 và 1/1/2015, bao gồm: Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Hải quan; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Phá sản; Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công.

Các Nghị định đáng chú ý sẽ được xây dựng, ban hành bao gồm: Nghị định Quy định về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Nghị định về quy hoạch xây dựng; Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định về hợp đồng xây dựng; Nghị định về kế hoạc đầu tư công trung hạn và hàng năm; Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư .v.v…

Từ năm 2015, phải cân đối đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định ứng trước vốn đối ứng nguồn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2015 của các chương trình, dự án ODA.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước 3.590,9 tỷ đồng vốn đối ứng ODA nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2015 theo danh mục và mức vốn ứng trước đối với các chương trình, dự án ODA của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương. Số vốn ứng này được thực hiện và thanh toán đến hết 31/3/2015.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm khẩn trương thông báo danh mục, mức vốn ứng của từng dự án và hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc ứng vốn. Từ năm 2015, bố trí kế hoạch vốn để thu hồi số vốn đối ứng trước nêu trên và cân đối đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA theo cam kết với các nhà tài trợ ODA. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của số liệu, danh mục và mức vốn ứng trước của các dự án.

Tạm dừng thanh tra Dự án đường nước Sông Đà

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc tạm dừng thanh tra Dự án đường nước Sông Đà.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 25/7 đã có quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng Dự án hệ thống cấp nước Sông Đà do Vinaconex làm chủ đầu tư. Ngày 29/7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46), Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi trao đổi với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ thấy nội dung liên quan của vụ án cơ bản trùng lắp nội dung dự kiến thanh tra. Để tránh trồng chéo, tạo thuận lợi cho công tác điều tra, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tạm dừng thanh tra Dự án đường nước Sông Đà.

Xử lý nghiêm các đối tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động của xe quá tải, quá khổ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ.

Thông báo nêu rõ ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc cương quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hóa trên đường bộ; có giải pháp đồng bộ, kịp thời nhằm ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực đối với lực lượng tham gia thực thi công vụ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động cho xe quá tải, quá khổ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương có phương án phối hợp, kịp thời ngăn chặn tình trạng “môi giới dẫn xe” trốn tránh việc kiểm tra tải trọng xe; chỉ đạo lập kế hoạch cụ thể phòng chống tiêu cực tại các trạm cân kiểm tra tải trọng xe; xử lý nghiêm hành vi móc ngoặc, hối lộ để dẫn xe vượt hoặc né tránh trạm kiểm tra, các đối tượng có hành vi chống đối, phá hoại trạm kiểm tra tải trọng xe; không để tình trạng “cò mồi”, “xã hội đen” bảo kê hoặc đe dọa sự an toàn tại các trạm cân; phối hợp với các đơn vị liên quan lập các đội kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đối với xe ô tô chở hàng quá trọng tải, kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; tăng cường kiểm tra việc chấp hành xếp hàng hóa đúng quy định tại kho, cảng, ga đường sắt, mỏ vật liệu, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại gốc, bảo đảm đúng trọng tải mới cho xuất phát.

Thông báo cũng nêu rõ Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng và các vấn đề tiêu cực nêu trên.

Phấn đấu vận hành thử toàn bộ công trình Nhà Quốc hội vào đầu tháng 10/2014

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về công tác triển khai xây dựng công trình Nhà Quốc hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan, Ban quản lý Dự án, các nhà thầu và đơn vị tư vấn nỗ lực cao nhất để thực hiện dự án, bảo đảm chất lượng, an toàn và đúng tiến độ. Theo đó, đến 31/8/2014 phải hoàn thiện toàn bộ phần xây dựng của Dự án; đến ngày 15/9/2014 phải lắp đặt xong hệ thống thiết bị để vận hành thử toàn bộ công trình vào đầu tháng 10/2014.

Về Dự án trưng bày di tích, di vật khảo cổ dưới tầng hầm công trình Nhà Quốc hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Dự án trên cơ sở ý kiến thẩm định của các Bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với Dự án khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật khu vực xây dựng đường hầm và bãi xe ngầm của công trình Nhà Quốc hội, Phó Thủ tướng yêu cầu yêu cầu các Bộ và cơ quan liên quan đánh giá giá trị và phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt thời Lý phát hiện được tại Lô E khu vực khai quật khảo cổ học Vườn Hồng; nghiên cứu, tính toán dự kiến điều chỉnh thiết kế và dự toán khu vực xây dựng đường hầm và bãi đỗ xe ngầm trong điều kiện bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng di tích kiến trúc tâm linh nói trên.

Trước 31/10/2014, Bàn giao mặt bằng cho dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình thực hiện Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và nghe Báo cáo về các dự án đường sắt đô thi Thành phố Hồ Chí Minh.

Về dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận, để đạt mục tiêu đến năm 2019 hoàn thành Dự án này và xây dựng thành công hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư tích cực thực hiện dự án. UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công gói thầu số 2 của Dự án trước ngày 31/10/2014.

Về Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, giai đoạn 1, Bến Thành - Tham Lương, UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo chủ đầu tư sớm hoàn thiện thiết kế điều chỉnh để trình duyệt theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ. Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Tp. Hồ Chí Minh sớm công bố quy hoạch xây dựng khu vực Ga Hòa Hưng.

Về dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 5, giai đoạn 1, Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét việc đăng ký nguồn vốn chuẩn bị và khởi động dự án theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát để hướng đến đồng bộ các tiêu chuẩn về đường sắt đô thị; xem xét, đánh giá cẩn trọng thiết kế của các dự án đường sắt đô thị, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, chống động đất, độ rung, độ ồn trong nội đô; vận động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đồng thời chủ động nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính đối với các dự án đường sắt đô thị kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác Công - tư (PPP).

Top