Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

25/08/2015 18:24

Bổ sung 12 đơn vị hạch toán phụ thuộc thuộc đường sắt Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 175/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.

Trong đó, bổ sung 12 đơn vị hạch toán phụ thuộc đường sắt Việt Nam: 1- Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội; 2- Chi nhánh Khai thác đường sắt Lào Cai; 3- Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lào; 4- Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lạng; 5- Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải; 6- Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thanh; 7- Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh; 8- Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế; 9- Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình; 10- Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh; 11- Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn;  12- Chi nhánh Ga Đồng Đăng.

Ngoài ra, bổ sung Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải đường sắt Hà Nội; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xe lửa Gia Lâm vào danh mục các công ty do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bổ sung Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải; Công ty cổ phần In đường sắt Sài Gòn và Công ty cổ phần In Đường sắt vào danh sách các công ty do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng trụ sở Viện Hàn lâm KHXH

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo về việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Dự án xây dựng Trụ sở của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Dự án).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan nghiên cứu, đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn ngang tầm quốc tế đã được xác định tại Quy hoạch định hướng phát triển của Viện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 13/4/2015.

Do đó, việc xây dựng cơ sở vật chất của Viện đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới là cần thiết. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc với Bộ Nội vụ triển khai những nội dung cụ thể liên quan đến biên chế, bộ máy tổ chức nêu trong định hướng phát triển của Viện để xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của Viện, trong đó lưu ý phải đảm bảo tính tập trung hợp lý, hiện đại và hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học.

Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Dự án tại khu đất số 176, phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cập nhật vào Đồ án Quy hoạch phân khu, tạo điều kiện để Viện thực hiện Dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

UBND thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng khẩn trương phê duyệt các đồ án quy hoạch và quy chế quản lý quy hoạch đô thị để phục vụ công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6316/VPCP-KTN ngày 11/8/2015 của Văn phòng Chính phủ.

Được biết, mục tiêu của Quy hoạch định hướng phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế...

Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ đặt ra là quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phổ biến tri thức khoa học; hiện đại hóa trụ sở làm việc theo hướng tập trung khối viện và theo chức năng chuyên ngành nhằm tạo điều kiện phát huy tốt hơn nguồn nhân lực nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực, khu vực...

Sắp xếp công ty lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về Phương án tổng thể sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2016.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều.

Đồng thời, chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Bình Liêu, Vân Đồn; chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Cẩm Phả, Uông Bí, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định hiện hành; rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất đai của các công ty lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và pháp luật về đất đai.

Khu DLQG Điện Biên Phủ - Pá Khoang là điểm đến hấp dẫn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên (Khu DLQG) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Khu DLQG này sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Mục tiêu chung của Quy hoạch là đến năm 2020, phát triển Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; phấn đấu đến năm 2030 thực sự trở thành Khu DLQG với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc gắn liền với các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Hồ Pá Khoang và Rừng văn hóa - lịch sử Mường Phăng để đưa Khu DLQG này trở thành điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ và cả nước bền vững.

Phấn đấu đến năm 2030 Khu DLQG đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động với khoảng 10 nghìn lao động trực tiếp.

Theo quy hoạch, diện tích khu vực dự kiến phát triển trở thành Khu DLQG là 2.500 ha.

Hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia

Định hướng phát triển gồm: Phát triển thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức không gian phát triển du lịch; Tổ chức tuyến du lịch...

Trong đó, các sản phẩm du lịch được ưu tiên phát triển là Du lịch lịch sử - văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc vùng Tây Bắc; Du lịch lễ hội, tâm linh; Du lịch thương mại, công vụ ở thành phố Điện Biên Phủ.

Đồng thời, hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia Điện Biên Phủ - Lào và kết nối với Thái Lan, Myanma và các nước ASEAN khác qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc Na Son; Mở rộng và nâng cao chất lượng một số tuyến du lịch liên vùng; phát triển các tuyến nội vùng từ Khu DLQG Điện Biên Phủ - Pá Khoang đi các điểm du lịch phụ cận trong khu du lịch...

Đầu tư QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên theo quy mô cao tốc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) đối với phần đầu tư hoàn chỉnh quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư dự án trên theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Liên danh các nhà đầu tư đã có đề xuất gửi Bộ Giao thông vận tải được đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc theo hình thức BOT.

Theo đó, liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, thương mại, dịch vụ Yên Khách và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO sẽ đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục của dự án quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc, nâng tốc độ khai thác trên toàn tuyến này lên 100-120km/giờ đồng thời thanh toán nợ cho các nhà thầu xây lắp do nguồn vốn thiếu trong quá trình thực hiện dự án.

Cụ thể, tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư các hạng mục hoàn chỉnh bao gồm thi công hoàn chỉnh quy mô mặt cắt ngang đoạn km26 900-km63 800 tăng chiều rộng làn xe và dải an toàn, thi công các điểm dừng khẩn cấp.

Ngoài ra, tuyến đường sẽ được thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 2cm trên toàn bộ mặt đường kể cả làn dừng xe khẩn cấp để tăng độ nhám mặt đường đảm bảo an toàn xe chạy theo tốc độ thiết kế đường cao tốc. Dự án cũng sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, trạm dịch vụ và nhà điều hành đường cao tốc, hệ thống thu phí kín, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hoàn thiện các đường gom.

Thay thành viên HĐ Thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đầu tư DA điện hạt nhân Ninh Thuận

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Ủy viên Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thay ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Quyết định 1201/QĐ-TTG ngày 3/9/2008 về việc thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Báo cáo đầu tư Dự án này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định.

Hội đồng Thẩm định có 21 ủy viên là lãnh đạo các Bộ và UBND tỉnh Ninh Thuận, có các Tổ chuyên môn thực hiện công việc thẩm định đánh giá, 1 Tổ Thường trực và Thư ký tổng hợp.

Hội đồng Thẩm định được mời, lựa chọn các tổ chức tư vấn, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thẩm định hay phản biện Báo cáo đầu tư.

Thành lập Ban Thư ký và 3 Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vừa ký các Quyết định thành lập Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 và 3 Tiểu ban của Ủy ban gồm: Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa; Tiểu ban Lễ tân.

Theo đó, về nhân sự Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là Trưởng ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 - Chủ tịch SOM. Ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao là Phó Trưởng ban thường trực. Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Trưởng SOM APEC Việt Nam là Phó Trưởng Ban Thư ký.

Các thành viên của Ban Thư ký là các cán bộ cấp cục, vụ và chuyên viên do Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Công an cử, làm việc theo chế độ biệt phái và kiêm nhiệm; cán bộ cấp cục, vụ, ban và chuyên viên do các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giao thông vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cử làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Tiểu ban Nội dung có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác về nội dung phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các hoạt động của Diễn đàn APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam; đôn đốc và phối hợp hoạt động của tất cả các Bộ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng nội dung, chương trình nghị sự, báo cáo, văn kiện, thư ngoại giao và các tài liệu khác có liên quan của các hội nghị, sự kiện của APEC tại Việt Nam năm 2017.

Đồng Trưởng Tiểu ban Nội dung gồm ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC và ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền và quảng bá phục vụ các hội nghị, hoạt động liên quan của Diễn đàn APEC tại Việt Nam năm 2017.

Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa là ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó Trưởng Tiểu ban gồm: Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiểu ban Lễ tân có nhiệm vụ lựa chọn địa điểm, xây dựng và tổ chức thực hiện các kịch bản lễ tân; đăng ký đại biểu, sắp xếp chỗ ở cho các đoàn; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công tác lễ tân phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các hoạt động của Diễn đàn APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam...

Trưởng Tiểu ban Lễ tân là ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó Trưởng Tiểu ban Lễ tân gồm: Ông Mai Phước Dũng, Cục trưởng, Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao (Phó Trưởng Tiểu ban thường trực) và ông Nguyễn Hữu Quang, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ./.

 

Top