Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

05/08/2015 10:10

Dành hơn 25 tỷ đồng tặng quà cho người có công

Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho một số đối tượng có nhiều công lao với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015).

Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước là 1.000.000 đồng/suất quà cho các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Tổng kinh phí quà tặng cho các đối tượng nêu trên là hơn 25 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Đây là hoạt động tri ân đối với người có nhiều công lao đóng góp vì nền độc lập dân tộc nhân 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Quyết định quy định rõ, cán bộ có chức danh là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá cụ thể.

Cán bộ có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác. Căn cứ tình hình thực tế tại từng thời điểm, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại xe trang bị cho các chức danh này theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Xe ô tô trang bị cho các chức danh trên được thay thế theo yêu cầu công tác.

Quyết định mới cũng quy định, các chức danh được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/một xe gồm: 1- Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên; 2- Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3- Các chức danh của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Các chức danh được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/một xe gồm: 1- Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; 2- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3- Các chức danh của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

Xe ô tô trang bị cho các chức danh trên được thay thế khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng hoặc bị hư hỏng mà không đảm bảo an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan có chức năng. Xe ô tô thay thế được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Quyết định cũng nêu rõ, trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng xe theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định trên thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đã trang bị cho người tiền nhiệm, không trang bị xe mới.

Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/9/2015 thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Không để người dân thiếu đói sau lũ lụt

Chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và các Bộ, ngành cần tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ này, tập trung xử lý vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh; đảm bảo ăn ở, nước uống sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu đói, dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt.

Trong những ngày vừa qua, mưa lớn liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của hàng ngàn hộ dân.

Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, nhất là sự chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, sự tham gia ứng cứu của các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với đồng bào trong mưa lũ, qua đó đã góp phần hạn chế được thiệt hại, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn và các Bộ, ngành cần tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ này, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại trên diện rộng cần huy động hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục kịp thời những thiệt hại do mưa lũ gây ra, tập trung xử lý vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh; huy động các lực lượng vệ sinh đường phố ngay sau khi lũ rút để sớm trở lại hoạt động bình thường, hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, cứu chữa, chăm sóc người bị thương, thăm hỏi, hỗ trợ thân nhân gia đình có người bị nạn; đảm bảo ăn ở, nước uống sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu đói, dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt.

UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ bảo đảm đời sống dân sinh, khắc phục hậu quả lũ lụt. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thống nhất phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng của đợt mưa lũ (trong đó có các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn) nhanh chóng khắc phục hậu quả, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khôi phục sản xuất, bảo đảm cung ứng than cho các nhà máy điện

Theo dự báo, thời tiết còn diễn biến phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ để chỉ đạo kịp thời, sẵn sàng ứng phó, ứng cứu khi tình huống xấu tiếp tục xảy ra; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng; chủ động kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, kiên quyết di dời, sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập lụt sâu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện đảm bảo an toàn lưới điện, sớm cấp điện trở lại cho nhân dân sinh hoạt bình thường tại tỉnh Quảng Ninh; chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đảm bảo an toàn hầm lò, có phương án khắc phục các nguy hiểm có thể xảy ra tại các bãi thải của ngành than, nhanh chóng khắc phục hậu quả, hỗ trợ bảo đảm đời sống người lao động, khôi phục sản xuất để bảo đảm kế hoạch cung ứng than cho các nhà máy điện. Đồng ý về nguyên tắc việc áp dụng cơ chế đặc thù về thiên tai để xử lý khẩn cấp, đảm bảo an toàn đối với đập 790; giao Bộ Công Thương xử lý cụ thể.

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh chủ động rà soát lại quy hoạch dân cư một số vùng nguy hiểm, quy hoạch các bãi thải của ngành than để có kế hoạch điều chỉnh, di dời và có phương án bảo đảm an toàn cho các bãi thải của ngành than.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị phương tiện, lực lượng, sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.

Hỗ trợ 100 tấn gạo cho tỉnh Quảng Ninh

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền việc hỗ trợ 2 xuồng cao tốc, 50 nhà bạt cho tỉnh Quảng Ninh để kịp thời phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý hỗ trợ 100 tấn gạo cho tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng, giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định; đồng ý chủ trương UBND tỉnh Quảng Ninh lập phương án di dân ra khỏi một số khu vực nguy hiểm như vùng bị ngập lũ, vùng có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho người dân.

Về hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở, ách tắc trên các tuyến giao thông, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xử lý kinh phí từ các nguồn do Bộ quản lý (Quỹ bảo trì đường bộ) kịp thời giải quyết sạt lở, ách tắc các tuyến giao thông theo đề nghị của các tỉnh, nhất là các tuyến quốc lộ theo hướng căn bản, lâu dài./.

Top