Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

31/07/2015 17:40

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì xét duyệt hồ sơ đặc xá

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ chủ trì xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt năm 2015.

Nghị quyết nêu rõ, phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015, thay mặt Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan xét duyệt hồ sơ, danh sách người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 21, Điều 22 Luật Đặc xá và Điều 5 Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trước đó, ngày 15/7/2015, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn số 91/HĐTVĐX về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015.

Để thực hiện tốt chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội và góp phần thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đạt kết quả, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 1056/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2015; trong đó yêu cầu Bộ Công an phải làm tốt chức năng tham mưu, thường trực cho Hội đồng tư vấn đặc xá, khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác đặc xá năm 2015, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người, đúng tiêu chuẩn quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót

Theo kế hoạch, từ ngày 24/7/2015 đến ngày 07/8/2015, các Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ đến trực tiếp các đơn vị, địa phương để kiểm tra, thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét đặc xá. Đến cuối tháng 8, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.

Tiếp đó, sẽ tổ chức họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn và tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước từ ngày 28 đến 31/8/2015.

Thủ tướng phê chuẩn nhân sự tỉnh Sơn La

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu bổ sung, miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Cụ thể, tại Quyết định 1196/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Lê Hồng Minh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La.

Đồng thời, tại Quyết định 1195/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Hoàng Quốc Khánh, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La, để nhận nhiệm vụ mới.

Từ 1/7/2016, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 sẽ được thực hiện trong 30 ngày, từ 1/7 - 30/7/2016 trên phạm vi cả nước.

Cuộc Tổng điều tra này nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn phục vụ việc đánh giá và xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

3 nội dung điều tra

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 sẽ gồm 3 nội dung:

Thứ nhất, thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thuỷ sản. Ở nội dung này, sẽ điều tra số lượng đơn vị sản xuất; số lao động và cơ cấu lao động; quy mô sản xuất; tình hình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; năng lực sản xuất; tiếp cận thông tin của các đơn vị sản xuất; đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại; tác động của sản xuất nông nghiệp tới môi trường,...

Thứ hai, thông tin về nông thôn. Cụ thể, sẽ điều tra thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; vệ sinh môi trường nông thôn; thông tin phản ánh một số nội dung trong kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Thứ ba, thông tin về cư dân nông thôn, sẽ điều tra điều kiện sống của cư dân nông thôn; tích luỹ và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vai trò phụ nữ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Số liệu điều tra sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 12/2016. Kết quả chính thức công bố vào quý III/2017.

Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp

Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra được thành lập ở Trung ương và ở địa phương. Ở Trung ương, BCĐ Tổng điều tra được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền phê duyệt phương án Tổng điều tra; tổ chức điều tra thí điểm để hoàn thiện về nghiệp vụ và công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra; tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra theo đúng phương án, kế hoạch và nội dung Tổng điều tra.

Tại địa phương sẽ thành lập BCĐ Tổng điều tra ở 3 cấp: tỉnh, huyện và xã để tổ chức và chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra tại địa phương mình.

Đối với các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã; các phường và thị trấn, chỉ thành lập BCĐ Tổng điều tra đối với những đơn vị có tỷ lệ hộ tham gia hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thuỷ sản chiếm trên 30% tổng số hộ trên địa bàn của từng đơn vị. Các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, phường và thị trấn không thành lập Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thành phố, thị xã; phường, thị trấn sẽ trực tiếp chỉ đạo; Chi Cục thống kê, công chức Văn phòng - Thống kê làm nhiệm vụ thường trực.

Biểu đương đơn vị phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia

Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Công an nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đấu tranh, triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán ma túy xuyên quốc gia tại vùng giáp ranh biên giới Việt Nam - Lào (Chuyên án 466Lv), bắt giữ 11 đối tượng liên quan, tịch thu trên 5 tấn cần sa và tiền chất ma túy.

Trước đó, theo thông tin từ cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, sau hơn 2 tháng theo dõi, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, vào 14h ngày 23/7, tại bản Bua Vieng Kham, huyện Pak Xan, tỉnh Bolikhamxay, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Bolikhamxay phá thành công Chuyên án 466LV, bắt 11 đối tượng (trong đó một đối tượng mang quốc tịch Thái Lan, 10 đối tượng quốc tịch Lào).

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 3,5 tấn chất tiền ma túy, 2 tấn cần sa khô ép bánh, một máy ép cần sa, một ô tô và nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy.

Số ma túy nói trên được các đối tượng thu gom, cất giấu bằng cách thuê lại các kho nông sản nằm sâu trong rừng nhằm che mắt lực lượng chức năng.

Đây là đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia với nhiều đối tượng bị bắt và số ma túy thu được thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay được BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Bolikhamxay triệt phá.

Với thành tích trên, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương BĐBP tỉnh Hà Tĩnh và giao Bộ Quốc phòng đề xuất hình thức khen thưởng phù hợp cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyên án trên.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng của Việt Nam và của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tổ chức sơ kết Chuyên án 466LV; trao đổi, phổ biến kinh nghiệm hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có chung đường biên giới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 8/2015.

Thành lập Học viện Tòa án

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án.

Học viện Tòa án có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.

Học viện Tòa án là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng trước khi cho mở mã ngành đào tạo đại học và tuyển sinh.

* Trước đó, ngày 21/3/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký quyết định số 509/QĐ-TCCB về việc thành lập Hội đồng Trường Cán bộ Tòa án (nay là Học viện Tòa án) do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch hội đồng.

Hội đồng Trường có chức năng hoạch định các chủ trương lớn về chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ dài hạn hoặc ngắn hạn cho từng chức danh công chức ngành Tòa án nhân dân và bảo đảm sự thống nhất giáo trình tài liệu giảng dạy, giảng viên, kế hoạch tổ chức thực hiện và các vấn đề quan trọng khác liên quan đến hoạt động của Trường.

Cơ cấu tổ chức của Trường Cán bộ Tòa án gồm có các đơn vụ chức năng: 1- Phòng Giáo vụ; 2- Phòng Tổ chức - Hành chính; 3- Phòng Quản trị - Tài vụ; 4- Phòng Hợp tác đào tạo; 5- Khoa Thẩm phán; 6- Khoa Công chức Tòa án.

Móng Cái là cực tăng trưởng kinh tế năng động của Quảng Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gồm toàn bộ thành Móng Cái với 17 xã, phường và 9 xã, thị trấn của huyện Hải Hà.

Mục tiêu Quy hoạch nhằm phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là khu kinh tế có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2020, tăng trưởng GDP bình quân đạt 17,7%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ từ 18 - 20%/năm; công nghiệp từ 20 - 22%/năm; nông nghiệp 6 - 8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD.

Đến năm 2030, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phát triển thành một trung tâm kinh tế hiện đại, năng động trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; là một trong những trung tâm du lịch, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và cả nước; là nơi ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái. GDP bình quân đầu người khoảng 22.000 USD.

Thương mại, dịch vụ vận tải là hoạt động cốt lõi

Theo định hướng, thương mại và dịch vụ vận tải được xác định là những hoạt động cốt lõi trong định hướng phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; tập trung ưu tiên đẩy mạnh xuất - nhập khẩu và phân phối thiết bị công nghiệp, trữ lạnh, dịch vụ dệt may, thương mại điện tử; phấn đấu đến năm 2020, thương mại - dịch vụ đạt mức tăng trưởng khoảng 18 - 20%/năm, đóng góp khoảng 240 triệu USD.

Móng Cái phát triển du lịch thành một trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, với trọng tâm là phát triển du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa kết hợp mua sắm, du lịch biên giới, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; phấn đấu đến năm 2020, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đón khoảng 1,4 triệu lượt khách du lịch, đóng góp khoảng 115 triệu USD trong GDP.

Công nghiệp phát triển bền vững, có chọn lọc một số ngành công nghiệp, với các trụ cột chính là dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống và công nghiệp ô tô với mục tiêu phấn đấu nâng tổng giá trị ngành dệt may của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái lên 114 triệu USD vào năm 2020 và đến năm 2020 ngành chế biến thực phẩm đóng góp khoảng 29 triệu USD vào GDP...

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Hưng Yên

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã có 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu hết năm 2015 đạt trên 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hưng Yên là tỉnh sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các xã nông thôn mới và tổ chức triển khai sâu rộng, có hiệu quả. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn gắn với việc giảm nghèo, nhiều mô hình sản xuất năng động, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã hình thành và hoạt động hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người dân. Đến nay toàn tỉnh đã có 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 54 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí xã nông thôn mới.

Sau khi đi khảo sát thực tế tại Hưng Yên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hưng Yên phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, lâu dài, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Theo đó, tỉnh cần huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân hiểu đây là việc của dân, do dân và vì dân, từ đó người dân sẽ chủ động và tự nguyện tham gia Chương trình. Hưng Yên phấn đấu hết năm 2015 toàn tỉnh đạt trên 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Còn theo UBND tỉnh Hưng Yên, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn tại các xã đã về đích, địa phương sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để đạt các mục tiêu mới trong từng quý, từng năm, đồng thời tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, vận động, thu hút sự quan tâm, sâu sát của cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp, phát huy khí thế, nội lực của các tầng lớp nhân dân. Mỗi xã cần làm cho các tiêu chí đã tốt càng tốt hơn, bền vững hơn, thi đua xây dựng tiêu chí ở mức cao hơn so với yêu cầu đề ra.

Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần và đảo Cái Chiên (Quảng Ninh)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý phương án cấp điện bằng lưới điện quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng tại các đảo.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đồng thời hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện Dự án đầu tư trong đó cần làm rõ phân kỳ đầu tư cấp điện cho đảo Cái Chiên, đảo Trần trên cơ sở cân đối chung các công trình điện nông thôn của tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020; bảo đảm sử dụng nguồn vốn hợp lý, hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu cấp điện nông thôn của tỉnh đến năm 2020; thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư; triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bố trí vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để thực hiện Dự án.

Bộ Công Thương cho biết, dự án cấp điện cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh là một dự án quan trọng đối với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo vùng Đông Bắc của tổ quốc, đồng thời mang lại lợi ích toàn diện và tạo động lực cho phát triển kinh tế biển bền vững.

Kết quả tính toán các phương án cấp điện (từ lưới điện quốc gia, kết hợp nguồn năng lượng mới với diesel) đều không đạt hiệu quả tài chính, không có khả năng thu hồi vốn do vốn đầu tư lớn, phụ tải thấp. Trong đó, phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia được đánh giá là phương án ổn định lâu dài có vốn đầu tư thấp hơn so với 02 phương án sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với diesel. Phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia cũng đáp ứng tốt hơn mục tiêu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Khối lượng lưới điện đầu tư xây dựng mới theo phương án cáp điện từ lưới điện quốc gia gồm: 33,74 km đường dây trên không 22kV; 15,79 km cáp ngầm xuyên biển; 2,8 km cáp ngầm trên cạn; 6,31km đường dây hạ thế và 6 trạm biến áp phân phối tổng dung lượng 926kVA. Tổng vốn đầu tư Dự án là 595 tỷ đồng.

Nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ đường sắt đô thị TPHCM

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tích cực thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành đúng tiến độ Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương và tuyến đường sắt đô thị số 5 Thành phố Hồ Chí Minh.

Các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị là các dự án mang tính chiến lược trong việc giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông mà hệ thống đường bộ không đáp ứng được tại các thành phố lớn. Thời gian qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị và thực hiện các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc thu xếp nguồn vốn, triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng...

Đến nay, các dự án đều được triển khai theo kế hoạch. Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên, dự án metro được thực hiện đầu tiên tại Việt Nam, được chuẩn bị trong nhiều năm, thời gian đầu chậm tiến độ do vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, các hạng mục công trình đều được triển khai đúng tiến độ. Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương cũng đang trong quá trình thi công.

Để đạt được mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, đối với Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung quyết liệt triển khai, sớm khởi công gói thầu CP1a để bảo đảm thực hiện đồng bộ và hoàn thành Dự án vào năm 2020; đồng thời, sớm thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, khẩn trương triển khai đào tạo đội ngũ vận hành, bảo dưỡng để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong vận hành, khai thác đường sắt đô thị sau này.

Đối với Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án, đặc biệt tích cực chỉ đạo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện giải ngân đúng tiến độ; đồng thời, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị hồ sơ báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh Dự án tại kỳ họp tháng 10/2015. Hồ sơ trình Quốc hội cần cập nhật nghiên cứu đối với toàn tuyến đường sắt đô thị số 2, Thủ Thiêm - Tây Ninh.

Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc người có thẩm quyền của Dự án áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật  Đấu thầu để lựa chọn đơn vị tổng thầu thiết kế - thi công thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương. UBND Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm triển khai việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt này theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát trong quá trình thực hiện.

Về tuyến đường sắt đô thị số 5 Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng yêu cầu, cùng với Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn đã được lập, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, giai đoạn 2, ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới, tổng hợp thành báo cáo chung để Hội đồng thẩm định Nhà nước tiến hành thẩm định Dự án tổng thể toàn tuyến đường sắt đô thị số 5, cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc mới và trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định./.

 

Top