Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

31/07/2015 08:08

Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án DS

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, Nghị định quy định rõ những đối tượng được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án và chi phí thi hành án...

Theo Nghị định, đương sự có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn hoặc thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài được xét giảm 1/2 chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp.

Còn đương sự thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng đã thi hành được ít nhất 1/2 chi phí cưỡng chế thì có thể được xét miễn chi phí cưỡng chế thi hành án còn lại.

Để được miễn, giảm chi phí trên, đương sự phải làm đơn đề nghị xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án, trong đó nêu rõ lý do đề nghị xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án. Đương sự có khó khăn về kinh tế, thuộc diện neo đơn thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú, sinh sống hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó nhận thu nhập. Đương sự là gia đình chính sách, có công với cách mạng phải có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh. Đương sự bị tàn tật, ốm đau kéo dài phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận.

Trường hợp không chịu phí thi hành án

Nghị định cũng quy định rõ người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau:

1- Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.

2- Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.

3- Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.

4- Số tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.

5- Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

6- Bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.

7- Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.

6 trường hợp không bị hoãn xuất cảnh khi thi hành án dân sự

Theo Nghị định, người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà thuộc các trường hợp theo quy định thì có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh.

Cụ thể, người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà thuộc 6 trường hợp dưới đây thì có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh:

1- Có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ và đã ủy quyền cho người khác thay mặt họ giải quyết việc thi hành án liên quan đến tài sản đó; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang.

2- Đã ủy quyền cho người khác mà người được ủy quyền có đủ tài sản và cam kết thi hành thay nghĩa vụ của người ủy quyền; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang.

3- Có sự đồng ý của người được thi hành án.

4- Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà không có căn cứ chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.

5- Là người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam, có đơn cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi về nước. Đơn cam kết phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người đó có quốc tịch về việc đôn đốc người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành khoản thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.

6- Có văn bản của cơ quan Công an hoặc cơ quan đại diện ngoại giao đề nghị cho xuất cảnh trong trường hợp cá nhân là người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam nhưng không được người được thi hành án cho xuất cảnh hoặc không xác định được địa chỉ của người được thi hành án hoặc người được thi hành án là người nước ngoài đã về nước và các trường hợp đặc biệt khác. Việc xuất cảnh trong trường hợp này do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

Phê chuẩn nhân sự tỉnh Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm một số chức danh lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình.

Cụ thể, tại Quyết định số 1189/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.

Đồng thời, tại Quyết định số 1188/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Ngọc Thạch, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đinh Quốc Trị, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nghỉ hưu theo chế độ và ông Trần Hữu Bình, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nhận nhiệm vụ mới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Bùi Viết Thi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình để nhận nhiệm vụ mới.

Phê duyệt Đề án quản lý nhập khẩu

Định hướng xây dựng một hệ thống các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Nội dung trên được đề cập trong Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với các cam kết quốc tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về định hướng chung, sẽ duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đồng thời, xây dựng Luật Quản lý ngoại thương nhằm đảm bảo tính ổn định, thống nhất về mặt chính sách cũng như các quy định có tính thực tiễn, khả thi để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tạo dựng và áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu một cách đồng bộ và hiệu quả, chú trọng công tác thông tin cũng như theo dõi, đánh giá hiệu quả các biện pháp áp dụng.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết để vừa bảo đảm mục tiêu quản lý là đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân và các mục tiêu công cộng khác, vừa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quyết định nêu rõ các biện pháp cụ thể thực hiện Đề án gồm: Biện pháp thuế quan; biện pháp hạn ngạch thuế quan; biện pháp cấm nhập khẩu; biện pháp hạn ngạch nhập khẩu; biện pháp giấy phép nhập khẩu; biện pháp kỹ thuật, chuyên ngành; biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp về xuất xứ hàng hóa; biện pháp tỷ giá hối đoái; các biện pháp quản lý nhập khẩu khác.

Trong đó, về biện pháp thuế quan, sử dụng hiệu quả công cụ thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (thuế bảo vệ môi trường...) nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết. Với những hàng hoá trong nước có thể sản xuất được, xem xét duy trì mức trần thuế nhập khẩu theo cam kết trong WTO và có lộ trình xóa bỏ thuế phù hợp cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Với biện pháp hạn ngạch thuế quan, nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để có lộ trình quản lý nhập khẩu bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.

Đẩy mạnh quản lý DA giao thông đường bộ BOT

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo một số Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác quản lý đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Trong thời gian qua, nhiều dư luận trên các phương tiện thông tin và ý kiến của nhiều cử tri liên quan đến vai trò quản lý của Nhà nước đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT như: thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, quản lý chất lượng công trình, giá thành, hiệu quả đầu tư... Bên cạnh đó, việc bố trí các trạm thu phí hoàn vốn cho một số Dự án còn chưa theo quy hoạch, quy định.

Để thực hiện tốt công tác quản lý đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ cần chủ động thực hiện theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động rà soát các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT thuộc phạm vi quản lý của mình, bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá toàn bộ các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đã, đang và sẽ triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT với các nội dung: Thủ tục đầu tư, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, giá thành, chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.

Hoàn thiện Quy hoạch trạm thu phí BOT

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án Quy hoạch trạm thu phí BOT (Quy hoạch) trên các tuyến quốc lộ, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trong thời gian Quy hoạch chưa được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm trên cùng một tuyến đường (trừ các Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Trường hợp đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.

Xử lý nghiêm hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi kinh doanh xăng dầu trái phép, gian lận về chất lượng, khối lượng khi bán xăng dầu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng của Bộ Công Thương gồm tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền; chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối bảo đảm dự trữ xăng dầu, chịu trách nhiệm giám sát, quản lý về đo lường, chất lượng xăng dầu trong quá trình vận chuyển từ nơi xuất đến nơi nhận.

Về nguồn kinh phí mua sắm và việc sử dụng máy kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính. Theo đó, việc kiểm tra chất lượng trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại địa phương thực hiện; đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp sử dụng máy của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong kiểm tra chất lượng xăng dầu. Nguồn kinh phí mua sắm máy kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu bố trí trong dự toán ngân sách địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư quản lý về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; có biện pháp kỹ thuật giám sát hoạt động của cột đo xăng dầu để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả điều tra, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9646/VPCP-V.I ngày 02/12/2014 và Văn bản số 2813/VPCP-V.I ngày 22/4/2015 của Văn phòng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian qua, cơ quan chức năng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu... kiên quyết xóa bỏ các điểm kinh doanh xăng dầu trái phép; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng dầu tại các điểm kinh doanh trái phép; công khai các cửa hàng xăng dầu vi phạm.

Trong 4 tháng đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.768 vụ, xử lý 273 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 5,7 tỷ đồng.

Những tồn tại chính nổi lên là một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu chấp hành không đúng quy định của pháp luật hiện hành, như: về xây dựng, về quản lý hệ thống của các Doanh nghiệp đầu mối, điều kiện, tiêu chuẩn về nhân viên bán hàng....

Tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác đặc xá

Theo Kế hoạch công tác của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015, sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác đặc xá tại một số đơn vị, địa phương từ ngày 03-14/8/2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá yêu cầu việc nghiên cứu, thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá của các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá (HĐTVĐX) phải được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, đúng đối tượng, điều kiện đã được quy định, bảo đảm tiến độ, thời gian đã đề ra.

Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương ban hành hướng dẫn việc xét và lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo đúng quy định tại Điều 5 Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015, không được để xảy ra sai sót, tiêu cực hoặc khiếu nại phức tạp. Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức có sai sót trong việc xét và lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Thường trực HĐTVĐX phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các thành viên HĐTVĐX và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đặc xá năm 2015.

Theo Kế  hoạch, HĐTVĐX họp xét duyệt danh sách đề nghị đặc xá từ ngày 20-22/8/2015. Từ ngày 24-25/8/2015, Thường trực HĐTVĐX tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.

Tổ chức họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn và tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước từ ngày 28-31/8/2015.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo quy định hiện hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 6 đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 lên 14,42 tỷ USD.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,93 tỷ USD, giảm 5,7%, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng cà phê và gạo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng.

Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn thuộc các lĩnh vực này; giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên là 7%/năm; điều hành tỷ giá linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất khẩu.

Đồng thời tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàng xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được tiếp cận vốn vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các TCTD được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, cơ cấu lại các khoản vay lãi suất cao trước đây.

Đồng thời chỉ đạo các TCTD ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản vay đến hạn và khách hàng khó khăn trong trả nợ vốn vay; miễn giảm lãi vốn vay; phối hợp giữa các TCTD trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong trường hợp nhiều TCTD cùng cho vay 1 khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các chương trình tín dụng đặc thù hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản, bao gồm: Cho vay tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi và thủy sản (giãn nợ 24 tháng và được vay mới với lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 7%/năm); chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn (được cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng; hoặc được khoanh nợ tối đa 03 năm đồng thời được tiếp tục cho vay mới); cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay tái canh cây cà phê, cho vay kinh doanh lúa gạo và cho vay tạm trữ lúa gạo; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, lãi suất cho vay thấp hơn thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% phương án, dự án; mô hình liên kết chuỗi giá trị khép kín có thời gian vay trên 12 tháng nhưng không quá 18 tháng; có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chính sách cho vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ 25/7/2015) theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, theo đó các doanh nghiệp nông nghiệp và xuất khẩu nông lâm thủy sản có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được được cho vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án và được hưởng cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.

Tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL 2016 tại Hậu Giang

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng ý với đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về việc tổ chức "Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2016" tại tỉnh Hậu Giang.

Phó Thủ tướng giao Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và các Bộ, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, bảo đảm tổ chức "Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2016" tại tỉnh Hậu Giang thiết thực, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) là một hoạt động liên kết mở nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các Bộ, ngành Trung ương. Khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của từng địa phương và vùng, đem lại sự tăng trưởng bền vững.

Đồng thời tăng cường hợp tác với nước ngoài, hợp tác với các nước có lợi ích liên quan trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên sông Mê Công; hợp tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và du lịch.

Bên cạnh đó tập hợp những sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý của Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố trong vùng và các nhà doanh nghiệp theo từng chủ đề; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Từ năm 2007 đến 2014 Diễn đàn MDEC được tổ chức luân phiên hàng năm tại các tỉnh, thành phố trong Vùng, năm 2015 chỉ tổ chức "Tuần lễ du lịch xanh vùng ĐBSCL" (không tổ chức MDEC), đến năm 2016 tiếp tục tổ chức MDEC và luân phiên 2 năm một lần./.

 

Top