Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

28/05/2015 17:01

Ông Phạm Minh Huấn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang.

Trước đó, ngày 14/5, HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã tổ chức kỳ họp bất thường bầu Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Với số phiếu bầu 53/54 (đạt 98,15%), ông Phạm Minh Huấn được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Phạm Minh Huấn, sinh ngày 9/7/1960, dân tộc Kinh; quê quán xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội; trình độ chuyên môn Kỹ sư ngành Xây dựng; trình độ lý luận chính trị Cử nhân; trình độ quản lý Nhà nước Chuyên viên Cao cấp.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với: Ông Trần Anh Du, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang; ông Nguyễn Hồng Sâm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang; ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với: Ông Phạm Thanh Tuấn, Nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, để nhận nhiệm vụ mới; ông Hứa Kiến Thiết, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, do nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí; ông Hứa Minh Dịch, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, để nhận nhiệm vụ mới.

Đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển

Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án lựa chọn nhà máy đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển theo hình thức đấu thầu hạn chế trong số các nhà máy đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý kéo dài thời gian thanh toán số kinh phí ứng trước (200 tỷ đồng) đến hết năm 2015 để thực hiện Dự án đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để bố trí vốn thực hiện dự án; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án theo quy định.

Trước đó, Dự án đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồng ý bố trí vốn thực hiện từ năm 2014. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ứng trước 200 tỷ đồng để thực hiện trong khoảng thời gian đến 30/6/2015.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2015-2016 sẽ thực hiện đóng xong tàu, từ năm 2017-2018 thực hiện mua sắm trang thiết bị điều tra, khảo sát lắp đặt trên tàu để hoàn thành dự án đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển.

Ưu đãi Dự án sản xuất vi mạch

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án “Nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử)” do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên làm chủ đầu tư là dự án thực hiện Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án trên được xem xét, áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi như: Được vay đến 60% tổng mức đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam; được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của Dự án và được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu dùng để sản xuất, chế tạo vi mạch trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất; được áp dụng mức thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng đối với  thiết bị, vật tư trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ theo danh mục thiết bị, vật tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Miễn thuế TNDN 4 năm

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự án được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm; được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, Dự án còn được hỗ trợ chi phí theo quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án, chỉ đạo chủ đầu tư quản lý, tổ chức thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định; chỉ đạo việc áp dụng các chính sách thuế đối với dự án.

Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục thiết bị, vật tư cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ của dự án; hướng dẫn chủ đầu tư đánh giá, thẩm định dây chuyền công nghệ, thiết bị đã qua sử dụng của dự án trước khi nhập khẩu vào Việt Nam bảo đảm đáp ứng các quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn chủ đầu tư dự án trong việc áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi nêu trên; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc đầu tư dự án.

Tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất vi mạch

Bộ Công Thương cho biết, Dự án “Nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử)” của Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn là dự án tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án có ý nghĩa quan trọng đối với dự án, đồng thời hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển công nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Nhà máy sản xuất vi mạch khi hoạt động sẽ có tác động lan tỏa đến các ngành công nghiệp điện tử khác, đồng thời góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Kiểm tra thông tin 3.000 thiếu niên Việt Nam bị đưa sang Anh trái phép

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc các băng đảng tội phạm người Việt đã đưa 3.000 thiếu niên Việt Nam sang Anh bằng con đường nhập cảnh trái phép và sử dụng số trẻ em này vào các hoạt động phạm pháp.

Trước đó, theo phản ánh của các các phương tiện truyền thông, các băng đảng tội phạm người Việt đã đưa 3.000 người Việt Nam sang Anh từ lúc còn là trẻ thơ làm nô lệ. Trung bình mỗi tháng có khoảng 30 thiếu niên Việt Nam sang Anh qua đường dây nhập cảnh bất hợp pháp. Mỗi trẻ em phải trả cho đường dây buôn người khoảng 25.000 bảng Anh để được đưa qua châu Âu sang Anh. Để trả số nợ này, các em phải làm việc như nô lệ trong các ngôi nhà trồng cần sa, tiệm làm móng tay, xưởng may quần áo, giúp việc nhà hoặc làm nghề bán dâm. Những nạn nhân này mang về cho các tổ chức xã hội đen khoảng 75 triệu bảng Anh.

Cũng theo phản ánh, giới hoạt động nhân quyền cảnh báo Chính phủ Anh là các băng đảng người Việt đang tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các hoạt động tội ác khác như buôn súng lậu, chế tạo thuốc kích thích và mại dâm. Theo nhân viên Hiệp hội chống buôn người tại Anh, hiện có khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam bị các băng đảng người Việt bóc lột. Còn theo chuyên viên Liên hợp quốc về nạn buôn người, con số này có thể lên tới 13.000.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin mà các phương tiện truyền thông phản ánh, đề xuất ý kiến lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.

Làm đường nối khu tái định cư thị trấn với thị trấn huyện Mường Tè (Lai Châu)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý bổ sung hạng mục công trình đường nối khu tái định cư thị trấn với thị trấn huyện Mường Tè vào dự án thành phần di dân, tái định cư thuộc Dự án thủy điện Lai Châu.

Tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu chưa có hạng mục công trình đường giao thông nối khu tái định cư thị trấn với thị trấn huyện Mường Tè. Tuy nhiên, cả UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều nhận thấy tuyến đường này là cần thiết đối với việc đi lại của dân cư khu tái định cư thị trấn.

Phó Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm thu xếp vốn và thực hiện đầu tư xây dựng hạng mục công trình nêu trên, bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng sau khi hoàn thành.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu trong quá trình triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư theo đúng các quy định hiện hành, phù hợp với quy hoạch thị trấn Mường Tè đã được duyệt, đảm bảo tiết kiệm, chất lượng và hiệu quả công trình.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.

Theo thông báo kết luận, việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết và quan trọng của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội.

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2015 - 2020” trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 này.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hoàn thiện Đề án trên, đồng thời chủ động triển khai trong hệ thống đoàn các cấp phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tiên phong tổ chức các phong trào, hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ tích cực tham gia các hoạt động tập thể, có ích, xây dựng xã hội lành mạnh, nền nếp; hưởng ứng thi đua, cam kết chung tay phòng tránh và bài trừ tệ nạn xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm ban hành kế hoạch hành động để thực hiện Chỉ thị 42; khôi phục, chấn chỉnh, tăng cường các hoạt động, sinh hoạt tập thể có tính giáo dục truyền thống tốt đẹp, thực hiện nếp sống có văn hóa, đạo lý và bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên./.

Top