Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

26/05/2015 16:53

Kế hoạch thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai, phổ biến Pháp lệnh Cảnh sát môi trường đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đúng thời gian quy định; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Đồng thời, xác định trách nhiệm, nội dung công việc, thời gian thực hiện và phân công nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; kịp thời hướng dẫn và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Theo Kế hoạch, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân; biên soạn, in, cấp phát sách, tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho các lực lượng, đơn vị trong Công an nhân dân.

Nâng cao năng lực cho Cảnh sát môi trường

Đồng thời, Bộ Công an cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Nhằm kiện toàn tổ chức và bảo đảm các điều kiện để triển khai thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiện toàn tổ chức bộ máy Cảnh sát môi trường; xây dựng Đề án nâng cao năng lực cho Cảnh sát môi trường giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức cho Cảnh sát môi trường, đáp ứng yêu cầu công tác...

Bổ sung kinh phí thực hiện kiểm kê đất đai

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 465.075 triệu đồng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và 51 địa phương từ nguồn dự toán chi sự nghiệp kinh tế của ngân sách trung ương năm 2015 để thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014.

Cụ thể, kinh phí bổ sung cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là 24.735 triệu đồng, 51 địa phương là 440.340 triệu đồng;  trong đó, địa phương được hỗ trợ nhiều nhất là tỉnh Thanh Hóa (29.240 triệu đồng), tỉnh Nghệ An (23.550 triệu đồng), tỉnh Sơn La (17.560 triệu đồng)...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các địa phương rà soát nội dung và phê duyệt dự toán kinh phí kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 của Bộ, địa phương bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

Thu hồi nhiều sản phẩm thải bỏ từ 1/7/2016

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bắt đầu từ 1/7/2016 sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại.

Cụ thể, sẽ thu hồi, xử lý ắc quy các loại, pin các loại thải bỏ từ 1/7/2016.

Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính (để bàn; xách tay); màn hình máy vi tính; cục CPU (bộ vi xử lý của máy tính); máy in; máy fax; máy quét hình (scanner); máy chụp ảnh; máy quay phim; máy điện thoại di động; máy tính bảng; đầu đĩa DVD; VCD; CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác; máy sao chụp giấy (photocopier); ti vi; tủ lạnh; máy điều hòa nhiệt độ; máy giặt.

Từ 1/7/2016, thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ là dầu nhớt các loại; săm, lốp các loại.

Với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ 1/1/2018.

Quyết định nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu;...

Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức: Tự chuyển đến điểm thu hồi; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ;...

Cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của nhà sản xuất; lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định;...

Quyết định có hiệu lực từ 15/7/2015. Quyết định 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2015.

Tổ chức Diễn đàn Môi trường Kinh doanh Lương thực và Nông nghiệp ASEAN

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với 2 Bộ: Ngoại giao, Công an, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức “Diễn đàn Môi trường Kinh doanh Lương thực và Nông nghiệp ASEAN sau năm 2015”.

Diễn đàn Môi trường Kinh doanh Lương thực và Nông nghiệp ASEAN sau năm 2015 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23-25/6/2015.

Tham dự Diễn đàn sẽ có khoảng 350-400 đại biểu, trong đó có 200 đại biểu trong nước và 150-200 đại biểu quốc tế, dự kiến gồm các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực nông, lâm và ngư nghệp trong khu vực ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, doanh nghiệp trong/ngoài nước, …

Diễn đàn sẽ chia sẻ và đề xuất các chính sách tăng cường sản xuất nông nghiệp, cải thiện sinh kế và giảm tác động môi trường. Các nông sản quan trọng được đưa vào thảo luận tại Diễn đàn là thủy sản, cà phê, ngô, sữa, gạo và chè.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đúng quy trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định tại Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Góp phần giảm nghèo tại các xã nghèo huyện Xín Mần

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án "Phát triển đa mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số các xã nghèo huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang" vào danh mục các dự án đề xuất Quỹ Cô-Oét.

UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan chủ quản Dự án. Địa bàn thực hiện Dự án tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Kết quả chính của Dự án là xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, cải thiện điều kiện đi lại, phát triển kinh tế góp phần giảm hộ nghèo, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho người dân tại vùng Dự án.

Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 19,084 triệu USD, trong đó, vốn vay ODA 284,888 tỷ VNĐ (tương đương 13,325 triệu USD), vốn đối ứng 123,135 tỷ VNĐ (tương đương 5,759 triệu USD).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh văn kiện, phê duyệt văn kiện và tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đúng mục đích.

Vĩnh Long cần huy động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp tục quan tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, có các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Làm tốt công tác giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và du lịch.

Về công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Vĩnh Long tiếp tục rà soát, đơn giản hóa tối đa quy trình, thời gian và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, các cấp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm thủ tục hành chính được giải quyết thông suốt, hiệu quả.

Tỉnh Vĩnh Long cũng cần triển khai có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” ban hành kèm theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là xây dựng và triển khai Đề án xác định vị trí việc làm, chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, tinh giảm biên chế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý.

Năm 2014, tăng trưởng king tế (GDRP) đạt 7,13%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34,5 triệu đồng; giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, nông lâm nghiệp và thủy sản đều tăng so với năm 2013; thu ngân sách nhà nước đạt 4.390 tỷ đồng, tăng hơn 18%; giải quyết việc làm mới cho trên 28.600 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,54%. Quý I năm 2015, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực hơn cùng kỳ năm 2014, trong đó thu ngân sách nhà nước đạt 1.410 tỷ đồng, bằng 32,8% dự toán và tăng hơn 61% cùng kỳ.

Đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, đạt kết quả rất tích cực; từ năm 2011 - 2014 tổng mức huy động đầu tư xây dựng nông thôn đạt trên 985 tỷ đồng, đến nay đã có 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Vĩnh Long vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, đó là: quy mô kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm và chưa ổn định; hạ tầng kinh tế - xã hội tuy được cải thiện nhưng vẫn còn bất cập; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn...

Công tác cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Long có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện ở các nội dung: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Công tác cải cách hành chính bước đầu kết quả, năm 2014, tỉnh đã ban hành 30 Quyết định công bố 292 thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ 111 thủ tục, tiếp nhận 720.019 hồ sơ thủ tục hành chính, đã giải quyết được 717.204 hồ sơ, trong đó hầu hết hồ sơ được giải quyết đúng hạn...

Tuy nhiên, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về công tác cải cách hành chính còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức cho công tác này. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết công việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chưa chặt chẽ, vẫn còn trên 360 hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn.../.

Top