Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

21/05/2015 14:24

Phụ cấp ưu đãi với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Theo đó, căn cứ vào đặc thù chuyên môn, mức độ đào tạo và chức năng hoạt động của từng chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp gồm:

1-  Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể; người biểu diễn nhạc cụ hơi.

2-  Người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên kịch câm, hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng.

Đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn gồm người trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn và phục vụ công tác biểu diễn, bao gồm: Đối tượng (1), (2) nêu trên; người chỉ đạo nghệ thuật buổi diễn chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; người làm việc theo chế độ hợp đồng hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp gồm 2 mức: Mức phụ cấp 20%, áp dụng đối với đối tượng 1 nêu trên; mức phụ cấp 15%, áp dụng đối với đối tượng 2 nêu trên.

Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính như sau: Phụ cấp  ưu đãi theo nghề = Mức lương cơ sở x (Hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có))x Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được trả cùng tiền lương hằng tháng;  phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm khác.

Chế độ bối dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn

Cũng theo Quyết định, chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế luyện tập, gồm 4  mức: 35.000 đồng/buổi tập; 50.000 đồng/buổi tập; 60.000 đồng/buổi tập; 80.000 đồng/buổi tập.

Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, gồm 4 mức: 80.000 đồng/buổi diễn; 120.000 đồng/buổi diễn; 160.000 đồng/buổi diễn; 200.000 đồng/buổi diễn.

Trong đó, mức 200.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; mức 160.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính  ánh sáng; mức 120.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; mức 80.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng.

Trường hợp người tham gia biểu diễn nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm thì chỉ hưởng mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn cao nhất.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Đồng Nai

Phát huy lợi thế, duy trì nhịp độ phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vào năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Đồng Nai là 8- 9%/năm, giai đoạn 2020-2025 là 8,5-9,5%/năm.

Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Đồng Nai đạt 5.300 USD - 5.800 USD; cơ cấu GRDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 55 - 56%, dịch vụ chiếm 39,5 - 40,5%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,5 - 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 từ 8% - 10%/năm.

Điều chỉnh các khâu đột phá phát triển

Theo Quyết định, điều chỉnh các khâu đột phá phát triển, trong đó, tăng cường đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư các dự án giao thông kết nối các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không và các dự án đảm bảo an sinh xã hội nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh, đi thẳng vào hiện đại hóa các dịch vụ logistics, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, đặc biệt là khai thác các dịch vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư và hoạt động của sân bay quốc tế Long Thành (nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) như dịch vụ y tế, đào tạo, dịch vụ vận chuyển, kho bãi, công nghệ thông tin, viễn thông.

Tiếp tục ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế. Đổi mới khâu tuyển dụng, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ công chức gắn với công tác cải cách hành chính và xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử đến năm 2020.

Thực hiện đổi mới đầu tư khu công nghiệp theo mô hình phát triển xanh và đồng bộ: công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trong đó thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường. Các dự án sử dụng nhiều lao động được mời gọi vào các khu công nghiệp ở vùng nông thôn có khả năng sử dụng lao động tại chỗ nhằm giảm áp lực tăng dân số cơ học vào các vùng thành phố.

Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Quyết định cũng điều chỉnh định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, trong đó, về phát triển công nghiệp, xây dựng, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất. Ưu tiên thu hút dự án công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chế tạo, điện- điện tử, chế biến thực phẩm sạch; dự án thân thiện môi trường; dự án công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển nhiều doanh nghiệp trong nước.

Phát triển các khu công nghiệp theo mô hình phát triển xanh có hạ tầng đồng bộ và dịch vụ thuận tiện phục vụ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và điều kiện sinh hoạt của người lao động, tạo tiền đề phát triển đô thị hóa. Với các khu công nghiệp mới thành lập, tập trung kêu gọi đầu tư theo hướng chuyên ngành để tạo ra chuỗi các dự án có khả năng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với các khu công nghiệp đang hoạt động, xúc tiến kêu gọi đầu tư chiều sâu để nâng giá trị gia tăng các sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng chấn chỉnh việc thực hiện chính sách giảm nghèo

Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, các Bộ, ngành và các địa phương cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện chính sách giảm nghèo, tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở.

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 năm (2009-2014) triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

Loại bỏ chính sách kém hiệu quả

Theo ý kiến của Thủ tướng, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo trong phát triển bền vững, đề cao trách nhiệm của ngành, địa phương mình, thể hiện trách nhiệm chính trị đối với nhân dân thông qua quyết tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo bền vững phải được tiến hành khẩn trương theo hướng tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hiệu quả; sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ chính sách trùng chéo, kém hiệu quả.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng phương án rà soát, sắp xếp lại từng nông, lâm trường, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015. Trong đó lưu ý việc gắn với chính sách giao khoán bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng đối với hộ nghèo, người nghèo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 59/TB-VPCP ngày 14/2/2015 của Văn phòng Chính phủ để sớm triển khai việc điều chỉnh chính sách cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và các Bộ liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo, các địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn, nhất là người thuộc hộ nghèo.

Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Về huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, bố trí thêm nguồn lực cho Chương trình giảm nghèo bền vững nói chung và Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nói riêng trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.

Cùng với đó, các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn cho công tác giảm nghèo bền vững với các chương trình, đề án khác trên từng địa bàn, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc đầu tư hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền nêu gương để nhân rộng và phát huy những mô hình, điển hình, kinh nghiệm giảm nghèo tốt, hiệu quả, đồng thời phê phán những tổ chức, cá nhân chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

* Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện nghèo đã giảm nhanh, vượt kế hoạch đề ra (giai đoạn 2011-2014, bình quân giảm 6%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra bình quân 4%/năm), góp phần vào tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước là 1,8%; thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo thuộc các huyện nghèo tăng gấp hơn 2 lần (từ khoảng 6 triệu/người năm 2010 lên 13 triệu đồng/người năm 2014); kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt, kinh tế có bước phát triển.

Tuy nhiên, một số nơi giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số chính sách còn trùng chéo, hiệu quả thấp, huy động và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế; có nơi nhận thức về công tác giảm nghèo còn chưa đúng, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đối với công tác quan trọng này.

Phê duyệt danh mục Dự án Chương trình đào tạo nghề sử dụng vốn ODA

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chương trình đào tạo nghề 2011” sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức và chuyển 350.000 Euro vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức từ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật đào tạo bổ sung cho giáo viên 11 trường thụ hưởng dự án Chương trình đào tạo nghề” sang Dự án “Chương trình đào tạo nghề 2011”.

Dự án nhằm đầu tư cho các trường thụ hưởng để dần trở thành trường nghề chất lượng cao, đóng góp vào mục tiêu chung của “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” là cải thiện nguồn cung về lao động có trình độ kỹ thuật cao được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản Dự án. Thời gian thực hiện Dự án là 3 năm (2015-2018) tại  Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng nghề Nha Trang.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần gồm:

1-  Thuê tư vấn để hỗ trợ thực hiện Dự án và thực hiện đào tạo sử dụng thiết bị.

2- Xây dựng nhà xưởng đảm bảo đủ tiêu chuẩn để phù hợp cho việc tiếp nhận thiết bị; đầu tư nâng cấp các thiết bị của 5 nghề, gồm điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô, chế tài thiết bị cơ khí và quản trị mạng máy tính được nâng cấp để đạt cấp độ ASEAN, và thiết bị nghề cắt gọt kim loại được nâng cấp để đạt cấp độ quốc gia; đào tạo, nâng cao năng lực giảng dạy khoảng 36 giáo viên cho 5 nghề nêu trên nhằm đảm bảo hiệu quả của việc đầu tư nâng cấp thiết bị.

3-  Đầu tư mua sắm mới thiết bị cho 2 nghề trọng điểm, gồm công nghệ ô tô và nghề kỹ thuật chế biến món ăn đạt cấp độ quốc gia; đào tạo, nâng cao năng lực giảng dạy khoảng 13 giáo viên cho 2 nghề nêu trên nhằm đảm bảo hiệu quả của việc đầu tư nâng cấp thiết bị.

4- Đầu tư mua sắm thiết bị cho 2 nghề, gồm công nghệ ô tô đạt cấp độ ASEAN và nghề xử lý nước thải công nghiệp đạt cấp độ quốc gia; đào tạo, nâng cao năng lực giảng dạy khoảng 15 giáo viên cho 2 nghề nêu trên nhằm đảm bảo hiệu quả của việc đầu tư nâng cấp thiết bị.

Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 6.880.118 Euro, trong đó, vốn ODA của Chính phủ Đức 5 triệu Euro từ nguồn vốn vay ODA, 350.000 Euro từ nguồn vốn ODA không hoàn lại đã được phê duyệt cho dự án “Hỗ trợ kỹ thuật đào tạo bổ sung cho giáo viên 11 trường thụ hưởng dự án Chương trình đào tạo nghề”; vốn đối ứng của phía Việt Nam là 1.530.118 Euro.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 1.507.596,40 m2 đất trồng lúa để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và  của Chính phủ.

Tháo gỡ khó khăn xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Trong đó đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản giảm mạnh.

Các khó khăn vướng mắc chủ yếu là nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, cạnh tranh gay gắt, nhất là gạo, tôm; nhiều nước duy trì giá nội tệ thấp khiến xuất khẩu của Việt Nam bất lợi; xu hướng bảo hộ của các nước gia tăng; nông thủy sản xuất khẩu đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm; kinh phí xúc tiến thương mại hạn chế; doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn; năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu...

Tăng cường xúc tiến thương mại

Trước những khó khăn trên, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương theo thẩm quyền thành lập Tổ công tác liên ngành về đẩy mạnh xuất khẩu và quản lý nhập khẩu; tập trung đẩy nhanh công tác đàm phán các hiệp định thương mại, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; điều hành hợp lý hoạt động tạm nhập tái xuất không để ảnh hưởng đến xuất khẩu nông lâm thủy sản qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát quy định về kiểm dịch thực vật để sửa đổi các quy định về kiểm dịch và mặt hàng kiểm dịch chưa phù hợp, gây khó khăn cho xuất khẩu; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị chỉ cần giấy chứng nhận kiểm dịch khi nước nhập khẩu có yêu cầu.

Kiểm soát cước phí vận tải

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu để xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị về gói tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính xem xét kiến nghị về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng chè, cao su sơ chế và thuế đối với các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất sản phẩm cao su kỹ thuật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về nghiên cứu cơ chế đặc thù cho phương tiện xe cơ giới quá tải vận chuyển hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu và việc kiểm soát tăng cước phí của các hãng tàu; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều chuyển tài sản cho TCty Điện lực Hà Nội

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý điều chuyển các tài sản được hình thành từ các hạng mục công trình điện được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội sang cho Tổng công ty Điện lực Hà Nội thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cụ thể, đối với các hạng mục công trình điện không có cam kết hoàn trả vốn của Tổng công ty Điện lực Hà Nội thì thực hiện điều chuyển tài sản theo hình thức tăng, giảm vốn nhà nước (không hoàn trả vốn).

Còn đối với các hạng mục công trình điện có cam kết hoàn trả vốn của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội thống nhất với Tổng công ty điện lực Hà Nội về phương thức bàn giao, thời điểm bàn giao và hoàn trả vốn để thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực Hà Nội thực hiện việc điều chuyển tài sản trên theo đúng quy định của pháp luật./.

Top