Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

04/05/2015 16:52

Ban hành Nghị định về chứng khoán phái sinh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Theo đó, chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: Hợp đồng tương lai; quyền chọn niêm yết; hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán; chứng khoán phái sinh niêm yết khác, chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Tổ chức, cá nhân được tự do đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh, trừ một số trường hợp đầu tư có điều kiện.

Trong quá trình đầu tư chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về rủi ro và phải tuân thủ quy định pháp luật, không được thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Chứng khoán.

Việc đầu tư, giao dịch chứng khoán phái sinh niêm yết thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Đối với các chứng khoán phái sinh không niêm yết, trước và sau khi giao kết, thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Việc giao dịch, bù trừ, thanh toán, thực thi hợp đồng chứng khoán phái sinh không niêm yết thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch và phù hợp với quy định pháp luật liên quan. Trường hợp Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tổ chức giao dịch, bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh không niêm yết thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.  

Giao dịch chứng khoán phái sinh

Sở giao dịch chứng khoán được tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh theo phương thức giao dịch khớp lệnh và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh niêm yết được thực hiện thông qua các thành viên giao dịch và Sở giao dịch chứng khoán. Hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh niêm yết thực hiện thông qua thành viên bù trừ và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Sở giao dịch chứng khoán được áp dụng một hoặc một số biện pháp để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư: Thay đổi số phiên giao dịch, thời gian giao dịch; áp dụng, điều chỉnh giới hạn lệnh, giới hạn lệnh tích lũy; hạn chế mở vị thế mới; dừng hoặc hủy bỏ các lệnh giao dịch.

* Chứng khoán phái sinh là chứng khoán quy định tại Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, bao gồm:

a) Hợp đồng tương lai là chứng khoán phái sinh niêm yết, trong đó xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau:

- Mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo một mức giá đã được xác định vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai; hoặc

- Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định trước tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại một ngày được ấn định trước trong tương lai.

b) Quyền chọn là chứng khoán phái sinh, trong đó xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán thực hiện một trong các giao dịch sau:

- Mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định, tại thời điểm trước hoặc vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai; hoặc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định trước tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai; hoặc

- Mua hoặc bán một số lượng hợp đồng tương lai nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định, tại thời điểm trước hoặc vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai.

c) Hợp đồng kỳ hạn là chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo một mức giá đã được xác định vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai.

d)  Các chứng khoán phái sinh khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Phân loại chất thải ngay tại nguồn

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.

Đây là một trong những nguyên tắc chung về quản lý chất thải quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Nghị định cũng nêu rõ, việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường có liên quan. Khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường.

Nhà nước khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải. Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Chất thải nguy hại được phân loại theo mã

Quy định cụ thể về quản lý chất thải nguy hại, Nghị định nêu rõ các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Chất thải nguy hại phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc chuyển đi xử lý.

Nghị định cũng quy định chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại theo quy định; đồng thời, có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý; có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.

Phải có giấy phép mới được thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại

Nghị định quy định việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Việc sử dụng các phương tiện vận chuyển đặc biệt như công-ten-nơ, phương tiện đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển hoặc các phương tiện vận chuyển không được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và được sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Vận chuyển chất thải nguy hại phải theo lộ trình tối ưu về tuyến đường, quãng đường, thời gian, bảo đảm an toàn giao thông và phòng ngừa, ứng phó sự cố, phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông.

Chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng...

Chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên phạm vi toàn quốc được hưởng cơ chế, chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như được ưu tiên bố trí đủ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với các chỉ tiêu trong quy hoạch gồm: tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng, quỹ đất, giải pháp kết nối với các phương thức vận tải khác, tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tỷ lệ phương tiện đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận; ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải

Đồng thời, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn được miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và trợ giá cho hành khách

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương sẽ trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; ưu tiên xây dựng mô hình Trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt tại các địa phương.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng; giảm giá vé đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

Theo quy định, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt muốn được hưởng cơ chế, chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và đầu tư phương tiện vận tải cần phải đáp ứng các điều kiện sau: Đảm bảo các quy định hiện hành trong kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; các dự án đầu tư phương tiện, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các cơ chế, chính sách trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Lập HĐ thẩm định liên ngành Báo cáo đề xuất các chương trình mục tiêu

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm Chủ tịch Hội đồng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên gồm lãnh đạo các Bộ: Tài chính; Tư pháp; Quốc phòng; Công an; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ.

Hội đồng thẩm định liên ngành có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định sử dụng nguồn chi thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khẩn trương hoàn thành cải tạo hệ thống sông trên địa bàn Hà Nội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi kiểm tra thực hiện các dự án cải tạo hệ thống sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Để chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu (thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn, ngập lụt có thể xảy ra bất cứ khi nào) và cải thiện môi trường các sông Nhuệ - Đáy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí tiếp tục đầu tư, khẩn trương hoàn thành các dự án cải tạo hệ thống sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ (tập trung xử lý khôi phục lại dòng chảy, cải thiện điều kiện môi trường); trường hợp cân đối ngân sách khó khăn, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư trung hạn hoặc trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 (khi có chủ trương), gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và triển khai Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu tổng thể về cân bằng nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và môi trường ở hạ lưu sông Tích khi thực hiện việc chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy (qua kênh Săn - Thụy Đức).

Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục ảnh hưởng do mực nước trên hệ thống sông Hồng hạ thấp vào mùa khô. Khẩn trương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự án xây dựng đập dâng sông Hồng.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn gây ngập úng nghiêm trọng trên địa bàn trước mùa mưa bão năm 2015, nhất là khu vực trung tâm thành phố.

UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu lồng ghép các dự án thành phần, xây dựng dự án tổng thể cải tạo hệ thống sông Đáy (theo hướng đa mục tiêu), tranh thủ vận động các nguồn vốn của nhà tài trợ để thực hiện, sớm phát huy hiệu quả dự án. /.

Top