Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

27/04/2015 17:52

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”, “Thầy thuốc Nhân dân”

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú", trong đó quy định tiêu chuẩn xét tặng hai danh hiệu trên.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”

Danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” được xét tặng cho các thầy thuốc đạt 5 tiêu chuẩn sau:

1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.

2- Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tín nhiệm.

3- Có tài năng trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế

- Thầy thuốc không công tác tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phải đạt tiêu chuẩn sau: Chủ nhiệm ít nhất 02 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia 02 đề án, đề tài, dự án khoa học và công nghệ, nhiệm vụ môi trường cấp Bộ, tỉnh hoặc là thư ký 01 đề án, đề tài, dự án khoa học và công nghệ, nhiệm vụ môi trường cấp Bộ, tỉnh hoặc tham gia 01 đề án, đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu;

- Thầy thuốc công tác tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phải đạt tiêu chuẩn sau: Chủ nhiệm 01 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc chủ nhiệm 02 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả tại cơ sở.

4- Có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế, đạt tiêu chuẩn sau: Đã được tặng ít nhất 01 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đã được tặng ít nhất 03 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh hoặc đã được 02 lần tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, tỉnh và 01 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh hoặc đã được 06 lần được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và ít nhất 02 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh.

5- Có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”

Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” được xét tặng cho thầy thuốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn sau:

1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.

2- Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tin cậy, kính trọng.

3- Có tài năng và có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, cụ thể như sau:

- Chủ nhiệm ít nhất 01 đề án, đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ, tỉnh trở lên đã được nghiệm thu; hoặc chủ nhiệm ít nhất 01 sáng kiến ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Hội đồng Sáng kiến cấp Bộ, tỉnh cấp Giấy chứng nhận sáng kiến; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả ít nhất 01 sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế.

- Đã được tặng Huân chương Lao động hoặc Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hoặc Huân chương Chiến công từ hạng Ba trở lên hoặc đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 02 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, tỉnh.

4- Có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.

Bắc Ninh có Chủ tịch tỉnh mới

Tại Quyết định 558/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, sinh ngày 2/9/1959 tại phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh; Thạc sỹ kinh tế; Cử nhân lý luận chính trị.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh từng đảm nhận các chức vụ: Phó Giám đốc Xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc Tân Dĩnh, Công ty Nông nghiệp Hà Bắc; Phó Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bắc Ninh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh; Bí thư Thành ủy Bắc Ninh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.

Tại Quyết định 556/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Tại Quyết định 559/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh.

Tại Quyết định 560/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Cát Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh.

Đồng thời, tại Quyết định 557/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Văn Lan, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 10 là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.

Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, tháng 10 hằng năm được chọn là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động vì người cao tuổi trong thời kỳ mới; truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và khả năng hưởng ứng tham gia chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi của các tầng lớp nhân dân.

Tháng 10 cũng là tháng ghi dấu mốc son lịch sử đối với người cao tuổi và toàn xã hội (ngày 1/10 là ngày Quốc tế người cao tuổi).

Việc lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” nhằm làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các cấp Đảng ủy, chính quyền, các lực lượng xã hội tham gia sự nghiệp chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi; tổ chức tốt các hoạt động về người cao tuổi, kịp thời trợ giúp từ 200.000 đến 400.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; huy động nguồn lực trong toàn xã hội tham gia các hoạt động về người cao tuổi; tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi.

Trong tháng hành động sẽ có các hoạt động như tuyên truyền văn bản, chính sách về người cao tuổi; tổ chức các hoạt động thiết thực trợ giúp người cao tuổi; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; tổ chức tôn vinh, khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong tháng hành động vì người cao tuổi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” hằng năm phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần kính lão, trọng thọ; thu hút sự quan tâm của tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Xuất cấp lương thực cho 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 535,980 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 2 tỉnh: Yên Bái và Lào Cai cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2015.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Yên Bái 403,635 tấn gạo; tỉnh Lào Cai 132,345 tấn gạo.

Như vậy, trong năm nay, đây là lần thứ 2, tỉnh Yên Bái, tỉnh Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ xuất cấp gạo.

Lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ xuất cấp cho tỉnh Yên Bái 308 tấn gạo; tỉnh Lào Cai 162 tấn gạo.

Thông xe, khai thác tạm thời đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc tổ chức thông xe, khai thác tạm thời và thực hiện thu phí dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc nghiệm thu các hạng mục công trình thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại theo đúng dự án đầu tư được duyệt; lấy ý kiến của Bộ Tài chính về mức thu phí theo đúng quy định trước khi tổ chức thu phí.

Đồng thời xây dựng quy trình quản lý, khai thác tạm thời để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trên tuyến.

Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5 km với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội (cách mố bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).

Con đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A có 6 nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ. Tuyến đường có 9 cầu lớn, 21 cầu trung, 22 cầu vượt với tổng chiều dài cầu khoảng 11km. 124 cống chui và cầu vượt dân sinh.

Tốc độ ô tô thiết kế đạt 120km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết.

Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín, tổ chức giao thông hiện đại và thông suốt, có lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát và ghi nhận hình ảnh, có các trạm dịch vụ, các thiết bị cung cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ.

Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được triển khai theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) với cơ chế thí điểm. Việc sớm đưa công trình vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như cảng biển, sân bay và các quần thể du lịch, thúc đẩy giao thương; góp phần điều tiết giao thông quốc lộ 5, quốc lộ 10, giảm tai nạn giao thông, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đẩy mạnh tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chuyên mục Chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, có thời gian, thời lượng phù hợp, phát sóng định kỳ trên VTV1, đảm bảo tạo chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phối hợp tốt với Cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức xã hội, đoàn thể, các cơ quan báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân; lên án các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; nêu gương người tốt, việc tốt.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Trưởng Ban phương án xây dựng trang tin điện tử của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có kết nối với các Bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; công bố đường dây nóng, hộp thư của Ban Chỉ đạo để tiếp nhận thông tin người dân phản ánh, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần có biện pháp quản lý đội ngũ cán bộ, công chức hiệu quả, bên cạnh việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phải coi trọng việc rèn luyện về phẩm chất, đạo đức lối sống, thiết lập nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đề xuất giải pháp ngăn chặn hiệu quả nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các lực lượng chức năng: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường chủ động tăng cường công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ thông tin để nắm chắc địa bàn, đối tượng, nhất là địa bàn trọng điểm, đối tượng chủ mưu, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm; phát hiện những cán bộ, công chức có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác để có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan Điều tra các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý những vụ án buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn, được dư luận quan tâm (vụ buôn lậu đường ở An Giang, xăng dầu ở Kiên Giang, thuốc lá ở Thành phố Hồ Chí Minh...) để tuyên truyền kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

* Quý I/2015, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được kết quả tích cực, xử lý gần 48 nghìn vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 3 nghìn tỷ đồng, khởi tố 351 vụ với 427 đối tượng liên quan.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, tình trạng buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, hàng tiêu dùng, vận chuyển trái phép hàng cấm (ma túy, ngà voi, pháo nổ…) chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả; gian lận về giá, chủng loại hàng hóa nhập khẩu để trốn thuế còn xảy ra nhiều; bất cập, sơ hở trong chính sách tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan chậm được khắc phục, đổi mới…

Thay thế khai thác hầm lò khu Bắc Bàng Danh bằng khai thác lộ thiên

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc thay thế Dự án khai thác hầm lò khu Bắc Bàng Danh trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 bằng Dự án khai thác lộ thiên.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khẩn trương hoàn thiện việc rà soát Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ.

Khu Bắc Bàng Danh là một phần phía Đông Bắc của khoáng sản than Suối Lại trên địa bàn phường Hà Khánh và Hà Phong, thành phố Hạ Long. 

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, sau khi cập nhật kết quả thăm dò bổ sung thì tổng trữ lượng tài nguyên khu mỏ Bắc Bàng Danh là 62,5 triệu tấn, tăng 32,7 triệu tấn so với kết quả thăm dò ban đầu. Nhằm khai thác tối đa trữ lượng tài nguyên trong ranh giới quản lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường trong khu vực, Công ty cổ phần than Hà Tu đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp tiến hành lập phương án khai thác hợp lý khu Bắc Bàng Danh.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phát triển ngành than và các quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh, việc khai thác than lộ thiên sẽ phải giảm dần để chuyển qua khai thác than hầm lò. Song qua nghiên cứu chi tiết về địa chất, địa hình và so sánh 2 phương án khai thác hầm lò và lộ thiên cho thấy, việc khai thác tại khu vực Bắc Bàng Danh bằng phương pháp lộ thiên có lợi thế hơn hẳn về công suất khai thác mỏ, trữ lượng than nguyên khai, tổng mức đầu tư, tỷ lệ thu hồi vốn, tuổi thọ mỏ./.

 

Top