Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

25/04/2015 17:12

Vi phạm về chi trả dịch vụ môi trường rừng bị phạt tới 50 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, bổ sung quy định xử phạt vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức phạt lên đến 50 triệu đồng.

Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã quy định cơ bản đầy đủ các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng chưa có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. Do đó, đến nay chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trên.

Nghị định mới của Chính phủ đã bổ sung quy định quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cụ thể, người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không ký hợp đồng chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng sau 3 tháng, kể từ khi sử dụng dịch vụ môi trường rừng thì bị phạt tiền với mức phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nếu không ký hợp đồng với chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả trực tiếp; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh trong trường hợp chi trả gián tiếp; phạt tiền từ 40-50 triệu đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam trong trường hợp chi trả gián tiếp.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không kê khai tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp thì bị phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 50 triệu đồng.

Nếu người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ thì bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định xử phạt chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng ký kết giữa chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng với mức phạt từ 200 nghìn đồng đến 50 triệu đồng tùy số tiền phải chi trả.

Yên Bái có nữ Chủ tịch tỉnh mới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Phạm Thị Thanh Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái.

Bà Phạm Thị Thanh Trà sinh năm 1964, trình độ thạc sỹ, cao cấp lý luận chính trị. Bà đã trải qua các cương vị công tác như Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, Bí thư tỉnh đoàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư thành ủy Thành phố Yên Bái, Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn việc miễm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Duy Cường, để nhận nhiệm vụ mới.

Như đã đưa tin, ông Phạm Duy Cường thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái để làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái.

Rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện cho phép xuất khẩu gạo

Tại Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, phân tích kỹ tình hình xuất khẩu gạo giảm tại từng thị trường trong những tháng đầu năm 2015; xác định rõ nguyên nhân, điểm yếu, hạn chế cần khắc phục; từ đó có những giải pháp cụ thể để giải quyết.

Xác định hoạt động xúc tiến thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của VFA, các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là vai trò chủ đạo của Vinafood 1 và Vinafood 2; chú trọng các thị trường lớn, thị trường tập trung truyền thống (Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia), khôi phục các thị trường Châu Phi, Hồng Kông và mở thêm các thị trường tiềm năng (Nga, Châu Mỹ La tinh...).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nắm chắc nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài về số lượng, chủng loại, yêu cầu chất lượng gạo để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất cho phù hợp về quy mô, cơ cấu giống, quy trình canh tác, yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng 5% với gạo tiêu dùng trong nước

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động theo dõi sát tình hình tiêu thụ và giá thóc gạo trên thị trường để xem xét, trình cấp có thẩm quyền biện pháp điều tiết thị trường gạo phù hợp,  kịp thời, theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đối với ngành lúa gạo phải căn cứ nhu cầu, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước để cơ cấu lại sản xuất lúa cho phù hợp, đẩy mạnh liên kết, đặt hàng với người nông dân; giảm diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp; có lộ trình và chính sách phù hợp để chuyển sang sản xuất những loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bộ Tài chính xem xét đề nghị về việc bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước để có giải pháp xử lý bảo đảm công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho tiếp cận vốn, tín dụng với lãi suất ưu đãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chủ lực là  Vinafood 1 và Vinafood 2, chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất khẩu, quản lý chặt chẽ chi phí để đẩy mạnh xuất khẩu gạo có hiệu quả.

Hậu Giang tập trung hoàn thành các chỉ tiêu KTXH

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tỉnh Hậu Giang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015 với mức phấn đấu cao nhất để cải thiện tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, Hậu Giang cần đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về đất đai, nguồn lợi thủy sản, nguồn nhân lực để tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, lựa chọn phát triển một số hàng hóa mà địa phương có lợi thế như trồng lúa, thủy sản, cây ăn trái và chăn nuôi.

Trong đó, tỉnh cần ưu tiên ứng dụng, phát triển công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm bơm điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lựa chọn giống phù hợp có năng suất, giá trị cao, ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, gắn với bảo quản, chế biến để đạt hiệu quả cao; tạo mọi điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, chú trọng chuyển đổi quan hệ sản xuất mới phù hợp, liên kết hợp tác với các hình thức đa dạng theo mô hình cánh đồng lớn.

Thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp

Tỉnh cũng phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiện thời gian, chi phí, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tạo các cơ chế mạnh mẽ (tạo mặt bằng sạch, hỗ trợ đào tạo nghề) nhằm thu hút doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa.

Cùng với phát triển kinh tế, Hậu Giang cũng cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; trong đó tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chỉ số giáo dục ở tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo đánh giá, trong 5 năm qua (2011 - 2015) trong điều kiện khó khăn chung, kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang vẫn tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân tăng 13,12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,3 triệu đồng/năm; đến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,4%; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện...

Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn là tỉnh còn rất nhiều khó khăn: Quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao (62% lao động nông nghiệp), giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút đầu tư chưa nhiều; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục còn bấp cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế; đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao...

Thủ tướng chỉ đạo Khánh Hòa chống hạn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn, trước hết phải bảo đảm đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để dịch, bệnh phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại cho sản xuất.

Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa rà soát những hộ đói, thiếu lương thực, thiệt hại về sản xuất để kịp thời cứu đói, hỗ trợ đúng đối tượng. Tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; chuyển diện tích trồng lúa ở các khu vực khô hạn, thiếu nước sang trồng các loại cây trồng chịu hạn. Đẩy mạnh việc đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ tưới tiết kiệm nước; đẩy mạnh công tác bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn.

Thủ tướng đồng ý về chủ trương hỗ trợ kinh phí chống hạn năm 2015, hỗ trợ giống cho người dân vùng bị hạn hán sản xuất lại vụ sau và hỗ trợ gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt năm 2015 cho người dân. Giao tỉnh Khánh Hòa tính toán cụ thể, báo cáo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, xử lý theo quy định.

Về xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh chính và kênh cấp 2 thuộc Dự án hồ chứa nước Tà Rục (huyện Cam Lâm), Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tiếp tục đầu tư nhằm phát huy hiệu quả công trình đã đầu tư và chủ động phòng, chống hạn.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng dự án hồ chứa nước Sông Cạn và Trạm bơm Ba Cẳng. Tỉnh sắp xếp các dự án trên theo thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 để hỗ trợ thực hiện.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa dự án hồ chứa nước Đồng Điền (huyện Vạn Ninh) vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 để thực hiện, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển công nghiệp tại Khu Kinh tế Vân Phong.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng các hồ chứa nhỏ để chủ động trong công tác chống hạn. Tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; ngân sách trung ương cân đối hỗ trợ theo quy định.

Ninh Thuận: Yêu cầu cao nhất là phải đảm bảo an toàn hạt nhân

Trên là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được truyền đạt trong Thông báo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Thông báo nêu rõ, yêu cầu cao nhất của Thủ tướng đặt ra đối với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận là phải đảm bảo an toàn hạt nhân và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất đã qua kiểm nghiệm. Theo Thủ tướng, vị trí quy hoạch địa điểm nhà máy rất quan trọng nên phải đánh giá chặt chẽ, kỹ lưỡng, thận trọng...

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2015, gắn với tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Trong quá trình tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh, huyện, xã cần thảo luận kỹ và xác định được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; trong điều kiện tự nhiên bất lợi của Ninh Thuận phải sáng tạo, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển, làm giầu.

Cụ thể, về phát triển nông nghiệp, tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, giảm diện tích lúa để lựa chọn, nhân rộng các loại cây, con chịu được hạn và hiệu quả kinh tế cao, tập trung phát triển đàn cừu, bò, dê gắn với trồng cỏ để cung cấp đủ thức ăn cho gia súc.

Về kinh tế biển, Ninh Thuận phải trở thành trung tâm giống tôm cho cả nước, đưa công nghệ cao vào sản xuất muối công nghiệp để tạo ra chất lượng cao, giá thành hạ và phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch.

Theo đánh giá, trong 5 năm qua (2011 - 2015), mặc dù trong điều kiện khó khăn song tỉnh Ninh Thuận đã đạt được kết quả khá toàn diện với mức tăng trưởng kinh tế cao, đạt bình quân trên 11%/năm; quy mô kinh tế tăng 2,57 lần; thu nhập đầu người tăng hơn 2,45 lần so với năm 2010, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với trung bình cả nước, hộ nghèo giảm còn 7,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực...

Điều chỉnh Đề án tổ chức Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Đề án tổ chức Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 tại Việt Nam (ABG 5-2016) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 28/1/2013.

Cụ thể, ABG 5-2016 sẽ được tổ chức tại 1 địa điểm là thành phố Đà Nẵng. Thời gian tổ chức ABG 5-2016 cũng sẽ được lùi từ tháng 6/2016 (theo dự kiến tại Đề án tổ chức ABG 5-2016) sang cuối tháng 9/2016.

Về số môn thi đấu, rút các môn: Lướt ván buồm, Thuyền buồm, Thuyền rồng, Môtô nước; bổ sung các môn: Bi sắt bãi biển, Thể hình bãi biển; kết hợp 2 môn: Bơi Việt dã và Bóng nước để hình thành môn Thể thao dưới nước gồm 2 phân môn; kết hợp giữa 3 môn võ thuật: Pencak Silat, Vovinam, Vật với 5 môn võ thuật được bổ sung là: Sambo, Jujitsu, Kurash, Muaythai, Đối kháng Võ cổ truyền Việt Nam để hình thành môn Võ thuật bãi biển gồm 8 phân môn.

Ngoài ra còn 2 môn khác sẽ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các môn này cần được lựa chọn theo hướng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Các nội dung khác của Đề án tổ chức ABG 5-2016 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 28/1/2013 tiếp tục được triển khai và bảo đảm phù hợp với các nội dung điều chỉnh nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và UBND thành phố Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị tổ chức ABG 5-2016, trong đó sớm thống nhất với OCA về các nội dung liên quan, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa việc tuân thủ các thông lệ chung với yêu cầu phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, bảo đảm ABG 5-2016 được tổ chức đúng tiến độ, chu đáo, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các điều chỉnh trên là phù hợp, cần thiết. Việc ABG 5-2016 được tổ chức tại 1 địa điểm là thành phố Đà Nẵng thay vì tổ chức rải ra ở cả 3 địa điểm là Khánh Hòa, thành phố Đà Nẵng và Bình Thuận sẽ tiết kiệm và thuận lợi trong điều hành.

Bên cạnh đó, việc lùi thời gian tổ chức ABG 5-2016 từ tháng 6/2016 sang cuối tháng 9/2016 (cụ thể là từ ngày 23/9-4/10/2016) nhằm tránh thời gian diễn ra Thế Vận hội mùa hè năm 2016 và thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Số môn rút bớt là những môn tốn kém, ít phổ biến ở Việt Nam, còn các môn bổ sung chủ yếu là các môn Võ, tổ chức ít tốn kém mà Việt Nam lại có thế mạnh.

Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Tiền Giang

Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, trong đó ưu tiên rà soát, giải quyết vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất, đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội IX của Đảng bộ Tỉnh đã đề ra. Tập trung chỉ đạo thành công Đại hội Đảng các cấp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, trong đó ưu tiên rà soát, giải quyết vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển. Khai thác, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế so sánh, trước hết là vị trí địa lý, đầu mối giao thông… để vươn lên trở thành tỉnh khá của vùng và cả nước.

Huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch riêng biệt; chú trọng mô hình du lịch đặc thù sông nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp để có thể tiêu thụ được nông sản. Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, kinh doanh nông sản và doanh nghiệp để bảo đảm phát triển bền vững. Tăng cường liên kết trong sản xuất thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác lập lại trật tự, kỷ cương đô thị, trật tự an toàn giao thông; giải quyết kịp thời và có hiệu quả các vấn đề xã hội. Chú trọng làm tốt hơn nữa phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt các chính sách an ninh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội./.

Top