Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

24/04/2015 18:39

Ban hành Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Theo đó, về nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng phải phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 138 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và đảm bảo nguyên tắc tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nhà thầu liên danh, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh. Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.

Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng.

Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.

Hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ 3 điều kiện

Nghị định nêu rõ, hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: 1- Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; 2- Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định; 3- Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thoả thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng).

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/6/2015.

Nhân sự mới UBND 2 tỉnh Quảng Ninh, Hậu Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh Quảng Ninh, Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Cụ thể, tại Quyết định 539/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Đồng thời, tại Quyết định 538/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Với tỉnh Hậu Giang, tại Quyết định 536/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trương Cảnh Tuyên.

Đồng thời, tại Quyết định 535/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Thành Nhơn để nghỉ hưu theo chế độ.

Tiếp tục xây dựng tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng SCL

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 đến hết năm 2020.

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 17% dân số, đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; có tiềm năng về đất đai, sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện còn bất cập. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm bị tác động bởi lũ thượng nguồn sông Mê Kông, thời gian ngập lũ kéo dài, đây là khó khăn và cũng là lợi thế cần khắc phục, khai thác để chung sống với lũ đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển bền vững. Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long là một trong những giải pháp để chung sống với lũ.

Qua hơn 14 năm Chương trình giai đoạn 1 và 2 đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra để chung sống với lũ, mang lại hiệu quả rõ rệt, gần 200.000 hộ dân vùng ngập lũ được bố trí chỗ ở ổn định, góp phần hạn chế được thiệt hại trong mùa mưa lũ, nhất là thiệt hại về người, ổn định sản xuất, đời sống, giáo dục, y tế, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chương trình giai đoạn 2 đã triển khai tôn nền, đắp bờ bao 178 cụm, tuyến dân cư (174 cụm tuyến đã hoàn thành đạt 97% kế hoạch), hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong cụm tuyến đạt 90%, đảm bảo an toàn cho 49.540 hộ dân (đạt 88%), di dời 27.185 hộ vào ở trong các cụm, tuyến (đạt 76%). Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2 còn hạn chế như tiến độ chậm, số hộ dân vào ở trong cụm, tuyến dân cư chưa đạt kế hoạch đề ra; tính bền vững chưa cao, chưa tạo sinh kế ổn định cho người dân trong các cụm tuyến dân cư.

Để phát huy kết quả đã đạt được cũng như khắc phục hạn chế trên, Thủ tướng đồng ý tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 đến hết năm 2020.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hoàn thành các nội dung của Chương trình giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm hoàn thành trong năm 2015 (hoàn thành công tác tôn nền, xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cho các hộ dân thuộc đối tượng Chương trình giai đoạn 2 chưa xây dựng nhà ở được tiếp tục vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở trong cụm, tuyến dân cư).

Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số hộ phát sinh tương tự đối tượng thuộc Chương trình giai đoạn 2, tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiếp tục đầu tư các cụm, tuyến dân cư, giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân ở vùng ngập lũ, vùng sạt lở nguy hiểm.  

Thủ tướng cũng đồng ý phương án kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với các hộ nghèo và cận nghèo chưa trả được nợ vay mua nền nhà bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thuộc Giai đoạn 1 của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.

Cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ Lào

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư, sản xuất tại Lào vào Bản Thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào với số lượng 50.000 tấn, thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định phương thức điều hành nhập khẩu đường và hướng dẫn về thuế suất trong hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo đúng quy định của Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn thống nhất với Bộ Công Thương về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường là 81.000 tấn.

Tài trợ Dự án mua máy kiểm tra chất lượng cầu đường

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nội dung dự thảo Hiệp định tín dụng cụ thể số 6 giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng UniCredit Áo để tài trợ cho Dự án Mua máy kiểm tra chất lượng cầu đường và máy điều hòa đá ba-lát đường sắt.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho lãnh đạo Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định trên với đại diện có thẩm quyền của Ngân hàng UniCredit. Bộ Ngoại giao làm thủ tục ủy quyền theo quy định hiện hành.

Bộ Tư pháp tiếp tục trao đổi với Ngân hàng UniCredit để hoàn thiện mẫu ý kiến pháp lý và cấp ý kiến pháp lý cho Hiệp định tín dụng trên  để đảm bảo điều kiện hiệu lực.

 Bộ Tài chính xác định điều kiện cho vay lại cụ thể cho Dự án trên theo quy định tại Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, sau khi ký Hiệp định trên cơ sở kết quả thẩm định khả năng trả nợ vay lại của Dự án,  báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong trường hợp có nội dung phát sinh vượt quá thẩm quyền.

Hoàn thiện quy định quản lý hoạt động thương mại biên giới

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ để hoàn thiện các nội dung liên quan của dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu hoàn thiện dự thảo theo hướng hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân phải phù hợp với quy định của Luật Thương mại, các văn bản hướng dẫn thi hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung liên quan; không quy định các điều kiện về kho bãi đối với thương nhân hoạt động mua gom hàng hóa của cư dân biên giới.

Bên cạnh đó rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo thương mại biên giới trong dự thảo Quyết định, bảo đảm phù hợp với chức năng, thẩm quyền và không trùng lặp, chồng chéo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn chỉnh dự thảo Quyết định trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2015.

Khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc ca; khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường các biện pháp quản lý về chất lượng giống; hướng dẫn người sản xuất hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển cây mắc ca theo hướng nhanh, bền vững.

Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.

Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2000 ha và có khoảng 10 giống mắc ca được đánh giá phù hợp với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.

Ưu tiên bố trí vốn cho công tác khoán bảo vệ rừng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí vốn cho công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng mới trồng và trồng rừng phòng hộ ở các khu vực rất xung yếu.

Năm 2014, tất cả các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cơ bản hoàn thành: Khoán bảo vệ rừng đạt 118% kế hoạch năm; trồng rừng mới đạt 108% kế hoạch năm; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đạt 108% kế hoạch; chăm sóc rừng mới trồng đạt 144%; năm 2014, đã dừng toàn bộ khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trong cả nước; khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 103% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu sản phẩm và lâm sản đạt 122,5% kế hoạch năm.

Các vụ vi phạm pháp luật giảm 6% so với năm 2013; giảm nhiều nhất là số vụ vi phạm các quy định về vận chuyển, buôn bán lâm sản trái pháp luật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần tập trung phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015.

Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế diện tích rừng khi chuyển sang sử dụng cho mục đích khác. Tập trung, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn các địa phương; triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2014-2020.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Tăng cường quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.

Đổi mới Công ty Lâm nghiệp

Phó Thủ tướng chỉ đạo tổ chức sắp xếp, đổi mới Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý ngay nguồn vốn cho các Công ty lâm nghiệp phải dừng khai thác rừng tự nhiên theo đúng quy định tại Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2015.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Tăng cần cường công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thông qua các kênh thông tin, như: Báo, Đài phát thanh và truyền hình địa phương để giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo vệ và phát triển rừng; hàng năm tiến hành đánh giá, tổng kết thi đua khen thưởng để kịp thời động viên những nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng./.

Top