Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

16/04/2015 16:51

Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị  Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Theo Chương trình của Chính phủ, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW đề ra gồm:

1- Đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; 2- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; 3- Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại; 4- Ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao; 5- Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế tri thức; 6- Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới; 7- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình, Internet; 8- Tăng cường hợp tác quốc tế.

Xây dựng hệ thống Cổng TTĐT cơ quan HCNN thông suốt từ Trung ương đến địa phương

Trong đó, Chính phủ đặt nhiệm vụ trọng tâm tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về công nghệ thông tin trong xã hội, bảo đảm công nghệ thông tin là một trong các nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng các cấp; đảm bảo ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là nội dung quan trọng, bắt buộc phải có trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, cũng như trong các đề án, dự án đầu tư của quốc gia, Bộ, ngành và địa phương.

Cùng với đó là đẩy nhanh xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin quốc gia, trọng tâm là các cơ sở dữ liệu quốc gia về: công dân, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp, quản lý hồ sơ hành chính điện tử, lao động, người có công và các đối tượng chính sách xã hội, thông tin khoa học và công nghệ.

Tăng cường khai thác hiệu quả hạ tầng thông tin quốc gia hiện có; hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và kết nối với thế giới; bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin quốc gia hiện đại, tiên tiến, đồng bộ.

Đặc biệt, sẽ xây dựng và đưa vào khai thác Hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Hình thành chuỗi khu công nghệ thông tin

Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành kinh tế, kỹ thuật, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông, xây dựng, điện, thuế, hải quan, tư pháp…

Đồng thời, hình thành chuỗi các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, các vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế...

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu tới năm 2020 xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng...

Hỗ trợ dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng, công bố và chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới bến xe khách trên địa bàn địa phương; chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác bến xe khách hoặc cân đối bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện; đảm bảo quy hoạch vị trí các bến xe khách ổn định với thời gian tối thiểu 10 năm.

Trường hợp bắt buộc phải di dời, nhà đầu tư sẽ được ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng, khai thác bến xe khách mới trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được hưởng chế độ bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Hỗ trợ lãi suất vay đầu tư bến xe khách

Căn cứ nguồn lực của từng địa phương, cho phép hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng đối với dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa.

Tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, trường hợp không kêu gọi được xã hội hóa xây dựng bến xe khách, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản bắt buộc của bến xe khách, bao gồm: khu vực đỗ xe đón, trả khách, khu vệ sinh, phòng vé và phòng chờ cho hành khách, văn phòng làm việc, đường nội bộ, các trang thiết bị cơ bản để tổ chức hoạt động bến xe khách.

Miễn tiền thuê đất

Về xã hội hóa khai thác bến xe khách, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, miễn tiền thuê đất đối với bến xe khách tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ được miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích bến xe khách.

Đối với các bến xe khách không thuộc đối tượng quy định kể trên thì được miễn tiền thuê đất cho phần diện tích của các hạng mục công trình dịch vụ bắt buộc, bao gồm: khu vực đón, trả khách, bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc của bộ máy quản lý, khu vực bán vé, khu vệ sinh, đường xe ra, vào, đường nội bộ bên trong bến xe khách, đất dành cho cây xanh, vườn hoa.

Thu nhập của nhà đầu tư phát sinh từ dự án đầu tư mới bến xe khách tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ thì được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

4 điều kiện hưởng cơ chế, chính sách

Quyết định cũng nêu rõ, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác bến xe khách theo hình thức xã hội hóa được hưởng ưu đãi phải đáp ứng 4 điều kiện sau:

1- Đảm bảo các điều kiện về đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành.

2- Địa điểm đầu tư xây dựng bến xe khách đúng theo quy hoạch bến xe khách và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận bằng văn bản.

3- Hoạt động đầu tư tuân thủ theo giấy phép xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4- Nhà đầu tư tham gia đầu tư bến xe khách theo hình thức xã hội hóa phải đảm bảo: Vốn đầu tư xã hội hóa tối thiểu 70% tổng số vốn đầu tư xây dựng bến xe khách (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng); tối thiểu 15% vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án và có kế hoạch bố trí đủ số vốn đầu tư còn lại.

Công nhận thành phố Châu Đốc là đô thị loại II

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận thành phố Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.

Thành phố Châu Đốc nằm trong vùng kinh tế cửa khẩu nhiều tiềm năng, có vị trí và điều kiện tự nhiên thích hợp, là đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện, gắn liền với các cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương và cửa khẩu quốc gia Khánh Bình. Là đô thị có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Dân số toàn thành phố Châu Đốc (bao gồm cả dân số quy đổi) là 158.787 người; dân số khu vực nội thành đã quy đổi là 146.964 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 92,55%.

Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của thành phố Châu Đốc đạt 60,32 triệu đồng và tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt 16,03%; tỷ lệ hộ nghèo là 1,0%.

Kéo dài thời gian thông quan tại cửa cẩu Móng Cái

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).

Cụ thể, thời gian xuất cảnh, nhập cảnh trong ngày từ 7h00 - 19h00 hiện nay sẽ được kéo dài thành từ 7h00 - 20h00 (giờ Hà Nội).

Thời gian xuất khẩu, nhập khẩu trong ngày từ 7h00 - 16h30 hiện nay thành từ 7h00 - 18h00 (giờ Hà Nội).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu phía Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện.

Viện Hàn lâm KHXH trở thành cơ quan hàng đầu về nghiên cứu

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được phát triển trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch định hướng phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát là phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế; kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai; tham mưu, tư vấn, phản biện chính sách có hiệu quả; kết hợp nghiên cứu và đào tạo sau đại học về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn...

Cùng với đó là phát triển đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, mạnh cả về số lượng và chất lượng, có khả năng giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng, tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế; là chỗ dựa, nòng cốt cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cả nước.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng là nơi công bố những công trình nghiên cứu trọng điểm có giá trị cao ở trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò, uy tín và ảnh hưởng tích cực của khoa học xã hội và nhân văn, góp phần phát triển kho tàng trí tuệ khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung.

Phấn đấu 80% cán bộ nghiên cứu có học vị tiến sĩ trở lên

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 hoàn thiện cơ cấu tổ chức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với hệ thống các viện nghiên cứu khoa học (chuyên ngành, đa ngành và khu vực), các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Học viện Khoa học xã hội có năng lực vượt trội trong nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, phản biện chính sách đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế; phấn đấu có trên 80% cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có học vị tiến sĩ trở lên.

Đồng thời, phấn đấu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiều tổ chức khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đủ khả năng giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho khoa học xã hội và nhân văn của quốc gia; từng bước hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới; có nhiều tạp chí về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đạt chất lượng cao, được quốc tế công nhận. Số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 - 2020.

Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành, đa ngành

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải chú trọng nghiên cứu khoa học; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn chất lượng cao; củng cố, phát triển tổ chức; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo; đổi mới phương thức quản lý trong hoạt động khoa học; đẩy mạnh huy động các nguồn lực để phát triển khoa học xã hội và nhân văn...

Cụ thể, về nghiên cứu khoa học, chú trọng nghiên cứu cơ bản, trong đó tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận, phương pháp luận, phát triển các lĩnh vực khoa học có thế mạnh và có tiềm năng nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu, vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đẩy mạnh các hướng nghiên cứu có tính chất liên ngành, đa ngành; xây dựng cơ chế liên kết chuyên ngành, gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai để phối hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước trong giai đoạn mới; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn...

Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn (Dự án) đã được Quốc hội đồng ý triển khai theo hình thức BT tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho nhà đầu tư tại văn bản số 7208/VPCP-KTN ngày 15/10/2009.

Để sớm triển khai Dự án theo Nghị quyết 66 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất, thẩm định nguồn vốn hoàn trả nhà đầu tư và thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh vốn vay của nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Lãi vay trong thời gian xây dựng được tính vào Tổng mức đầu tư của Dự án theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trả lãi vay và không được Nhà nước thanh toán chi phí lãi vay này.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định.

Khắc phục chậm trễ các dự án điện BOT

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án nhà máy điện thực hiện theo hình thức BOT, IPP.

Từ năm 1997 Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án nguồn điện theo hình thức BOT (dự án nhà máy BOT nhiệt điện Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2). Đây được đánh giá là những dự án BOT thành công, mang lại lợi ích cho cả nước chủ nhà và các nhà đầu tư; góp phần bảo đảm cung cấp điện và phát triển ngành công nghiệp khí đốt của Việt Nam.

Ngoài các dự án trên, Bộ Công Thương cũng đang chủ trì đàm phán phát triển nhiều dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, quá trình đàm phán các dự án đang bị chậm, có dự án được giao thực hiện gần 10 năm, đến nay vẫn chưa đóng được tài chính để khởi công xây dựng công trình. Sau hơn 10 năm, ngoài dự án Mông Dương 2 đang xây dựng, hoàn thành trong năm nay, chưa có dự án nào được khởi công tiếp theo.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, các dự án nhà máy điện BOT dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong hệ thống điện Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và các năm sau, việc chậm trễ của các dự án này có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi văn bản số 1604/TTg-KTN ngày 12/9/2011 về một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT để xây dựng khuôn khổ pháp lý chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán các hợp đồng, theo hướng: Về tỷ lệ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, Chính phủ chỉ bảo lãnh cho chuyển đổi thành Đô la Mỹ đối với 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam. Đối với 70% nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ còn lại, Công ty BOT thực hiện việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ để có đủ nguồn ngoại tệ cho Công ty BOT khi cần thiết.

Về luật áp dụng, đưa ra quy định chung cho cả bộ hợp đồng BOT và Bảo lãnh & Cam kết của Chính phủ (GGU). Bổ sung quy định về các loại thuế theo quy định pháp luật hiện hành về thuế của Việt Nam. Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính về công thức tính toán cho việc thanh toán trong trường hợp chấm dứt sớm của các dự án, có dự tính lợi nhuận kỳ vọng phải bồi thường khi chấm dứt sớm do lỗi của bên Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương hướng dẫn chủ đầu tư Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo quy định để khởi công Dự án trong tháng 5/2015. Bộ Tư pháp trên cơ sở nội dung bản Ý kiến pháp lý đã được thỏa thuận, ký tắt năm 2012; khẩn trương rà soát, cấp Ý kiến pháp lý cho dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để Dự án có thể đóng tài chính, khởi công xây dựng vào đầu tháng 5/2015, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực phía Nam giai đoạn 2018  - 2020.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng BOT các dự án đã gần hoàn thành đàm phán, chuẩn bị ký tắt hợp đồng mua bán điện với EVN: Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3 và Vân Phong 1.

Bộ Công Thương cần khẩn trương làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, sớm hoàn thiện, ký tắt các Tài liệu Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 trong quý II/2015. Đối với Dự án nhiệt điện Nam Định 1, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và chủ đầu tư sớm ký hợp đồng mua bán than; hoàn thành đàm phán các hợp đồng, thực hiện các bước theo quy định, hoàn thành việc đóng tài chính và khởi công xây dựng công trình trong năm 2015.

Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra, đôn đốc và có báo cáo tổng hợp tình hình về các dự án nhà máy nhiệt điện độc lập (IPP): Công Thanh, Thăng Long,… để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII, làm cơ sở xác định tiến độ các dự án nguồn điện nói chung, các dự án nguồn điện đầu tư các dự án BOT nói riêng, làm cơ sở ký Bản ghi nhớ phát triển dự án (MOU) và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các Dự án nhiệt điện BOT.

Hoàn chỉnh thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chỉ đạo xây dựng, hoàn chỉnh thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh đồng thời với các kiến nghị về tái cơ cấu ngành điện phù hợp với thiết kế cụ thể của thị trường bán buôn điện cạnh tranh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh, đẩy nhanh chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Thị trường điện bán buôn cạnh tranh Việt Nam phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các yếu tố đặc thù của hệ thống điện Việt Nam như: nguồn năng lượng sơ cấp trong nước không đủ cho nhu cầu năng lượng nên trong tương lai phải nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện có giá thành cao; khí thiên nhiên cho phát điện tại một số khu vực có những ràng buộc cụ thể nhằm bảo đảm hiệu quả chung của nền kinh tế; hệ thống điện quốc gia có các nhà thủy điện lớn đa mục tiêu; hệ thống điện truyền tải liên kết các miền trải dài và còn chưa đủ mạnh; hạ tầng công nghệ thông tin ngành điện còn chưa hiện đại.

Đưa các nhà máy điện BOT tham gia thị trường điện

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đề xuất cơ chế đưa các nhà máy điện BOT tham gia thị trường điện và tự chào giá trực tiếp trên thị trường theo hướng huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong hệ thống điện quốc gia.

Đối với các nhà máy điện BOT đã ký Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ (GGU): bổ sung cơ chế khuyến khích các nhà máy tham gia thị trường đối với phần sản lượng điện phát vượt cam kết trong bộ Hợp đồng BOT, GGU của dự án.

Đối với các nhà máy điện BOT xây mới chưa ký Hợp đồng BOT, GGU: bổ sung cơ chế cam kết mua điện với sản lượng hợp lý để bảo đảm khuyến khích phát triển dự án và đưa nhà máy điện BOT tham gia thị trường điện ngay sau khi vận hành thương mại.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung phương án các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu trực tiếp tham gia và tự chào giá trên thị trường điện; phân tích, so sánh các phương án tổ chức quản lý các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu bảo đảm các yêu cầu về thị trường điện và hiệu quả chung của hệ thống.

Đồng thời đề xuất cơ chế cho phép các chủ đầu tư các nhà máy điện mới được chủ động đàm phán, thoả thuận, ký hợp đồng mua bán điện nhà máy điện mới xây dựng với các tổng công ty điện lực và các khách hàng lớn tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Bổ sung kinh nghiệm quốc tế về đấu giá tập trung các hợp đồng mua bán điện linh hoạt và kiến nghị cụ thể về tổ chức thực hiện trong thị trường bán buôn điện Việt Nam.

Thực hiện các điều kiện cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trong năm 2016, tiếp tục hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh đồng thời lập kế hoạch và triển khai thực hiện thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo hình thức chưa thanh toán thật (Paper market). Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm của giai đoạn thí điểm này, thực hiện phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai thị trường bán buôn thí điểm trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện các điều kiện tiên quyết cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong đó khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện cạnh tranh; bố trí nguồn nhân lực, nâng cao công tác đào tạo cho các đơn vị đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới của các đơn vị trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Hỗ trợ giống cây trồng cho 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 121 tấn hạt giống ngô, 15 tấn hạt giống rau và 70 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 địa phương (Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang) khắc phục hậu quả thiên tai.

Cụ thể, tỉnh Lào Cai được xuất cấp 80 tấn hạt giống ngô, 15 tấn hạt giống rau; tỉnh Hòa Bình được xuất cấp 70 tấn hạt giống lúa; tỉnh Tuyên Quang được xuất cấp 41 tấn hạt giống ngô.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành./.

Top