Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

26/03/2015 18:51

Ninh Bình có thêm Phó Chủ tịch tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đinh Chung Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Với quyết định trên, UBND tỉnh Ninh Bình có 4 Phó Chủ tịch gồm: ông Đinh Quốc Trị; ông Trần Hữu Bình; ông Lê Văn Dung; ông Đinh Chung Phụng.

Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn

Đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Chương trình).

Theo đó, Chương trình phấn đấu đến 2020 tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015-2020.

Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.

Phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm

Một trong những nhiệm vụ mà chương trình đặt ra là phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm. Theo đó, triển khai lựa chọn sản phẩm, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ đầu tư cho hoạt dộng nghiên cứu, phát triển, sản xuất, xúc tiến, thương mại hóa, triển khai thử nghiệm và các nội dung liên quan khác.

Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm phần mềm dùng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là các phần mềm cho các hệ thống lớn, phần mềm ứng dụng trên mạng di động, mạng internet; phát triển các sản phẩm, giải pháp dựa trên phần mềm nguồn mở và trên nền công nghệ mở.

Phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt; các sản phẩm phục vụ cơ quan nhà nước, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn; các sản phẩm trên mạng di động, internet, công cụ, dịch vụ tìm kiếm trên mạng.

Đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phần cứng, tích hợp hệ thống mà Việt Nam có lợi thế hoặc vì yêu cầu an toàn an ninh; các sản phẩm vi mạch, điện tử, bán dẫn; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực phần cứng - điện tử; đầu tư phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm, sản phẩm an toàn thông tin, sản phẩm CNTT phục vụ các hệ thống thông tin quốc gia, an ninh, quốc phòng.

Cung cấp một số dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh

Cũng theo Quyết định, cần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ CNTT thông qua việc hỗ trợ xây dựng, đánh giá, áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn về quy trình, quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn thông tin trong cung cấp dịch vụ CNTT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực làm dịch vụ CNTT; hỗ trợ các nội dung để phát triển một số tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, chuyển giao, cung cấp một số dịch vụ CNTT mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, hoặc có hàm lượng chất xám cao, hoặc có khả năng xuất khẩu, hoặc được sử dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, hoặc dịch vụ CNTT trên mạng mà có khả năng định hướng thông tin như các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, công cụ dịch, các sản phẩm giải trí trên mạng.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ CNTT, đặc biệt là dịch vụ gia công quy trình kinh doanh và dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cho nước ngoài.

Hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao thông qua các giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển ngành dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam, hình thành một số doanh nghiệp chuyên nghiệp về cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa, từng bước tiến ra thị trường quốc tế; nhà nước hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dữ liệu và dịch vụ phân tích dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về Đề án Cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (Đề án).

Theo thông báo kết luận, việc ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân là cần thiết nhằm góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, đây cũng là một trong những nhiệm vụ Chính phủ được giao trong Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để thực hiện hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn các dự án cấp thiết trên địa bàn tỉnh có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2015.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án trong tháng 5/2015, trong đó bổ sung các dự án hạ tầng kinh tế xã hội được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, kế hoạch thực hiện dự án Điện hạt nhân...

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo đại học và trên đại học, nhất là các nghề liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân đối với học sinh, sinh viên Ninh Thuận.

Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ quy mô 500 giường bệnh lên quy mô khoảng 1.000 giường với hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh đồng bộ, hiện đại phục vụ nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và đội ngũ chuyên gia đến sinh sống và làm việc trong quá trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải ưu tiên vốn đầu tư các dự án, công trình giao thông vận tải do Bộ làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư và quản lý hệ thống giao thông địa bàn tỉnh, đồng bộ với các công trình do Trung ương đầu tư, đáp ứng yêu cầu vận tải cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh và đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; phối hợp với EVN nghiên cứu xây dựng các cảng chuyên dùng của các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, kết hợp với cảng hàng hóa trong thời gian thi công, cũng như sau khi hoàn thành xây dựng các Nhà máy.

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2015; trong đó báo cáo kinh nghiệm của các nước có nhà máy điện hạt nhân, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của Dự án trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy điện hạt nhân.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương hoàn thành xây dựng các phương án tài chính cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó đề xuất tỷ lệ trích từ doanh thu bán điện của các Nhà máy điện hạt nhân cho Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân./.

Top