Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

12/02/2015 18:09

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Nội dung công điện như sau:

Thời gian qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các Ban, Bộ, ngành, chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong việc tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại di tích và tổ chức lễ hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn, tập trung đông người, còn bộc lộ những bất cập, cần có ngay các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Để tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho du khách, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các lễ hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tiếp tục thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 tháng 1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị (khoá X) về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, ngày hội phải chịu trách nhiệm về kế hoạch, chương trình, nội dung, quy mô, tần suất, thời gian tổ chức; bảo đảm việc tổ chức lễ hội, ngày hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương.

3. Hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, ngày hội. Không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội, ngày hội.

4. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, lưu thông tiền tệ, đặc biệt là tại các di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội. Quản lý việc đặt tiền lễ, tiền giọt dầu bảo đảm văn minh, tiết kiệm, hợp lý. Nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch, đặc biệt là trong khuôn viên di tích và lễ hội. Việc tu bổ, tôn tạo di tích; cung tiến, tiếp nhận đồ cung tiến vào di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:

a) Sơ kết, tổng kết kịp thời việc thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

b) Tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền phân công Lãnh đạo cấp Trung ương tham dự lễ hội khi cần thiết.

c) Hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội.

d) Thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội.

6. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội.  Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện Công điện này; không sử dụng thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân công thực thi nhiệm vụ.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân dân, Đài Tuyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nội dung Công điện này.

8. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Công điện này; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

9. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan theo dõi việc thực hiện nội dung Công điện này và Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2011, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm Cứu nạn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án; kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm từ Trung ương đến địa phương; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các tình huống cơ bản; đầu tư xây dựng cơ bản; sản xuất, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng bảo đảm hoạt động thường xuyên cho các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm; sản xuất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu, thông dụng đưa vào dự trữ tại các khu vực bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả.

Cụ thể, từ năm 2015 - 2020, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các Đội hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai; các đơn vị kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn, cứu sập đổ công trình; các Trạm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn: Cô Tô (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa).

Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2016, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia về: tai nạn tàu, thuyền trên biển; sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản; Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân và tán phát hóa chất độc hại; Sự cố động đất, sóng thần; Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng; tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; sự cố vỡ đê, hồ, đập...

Từ năm 2019 - 2020, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn sẽ chủ trì xây dựng Đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình Chính phủ phê duyệt...

Quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án "Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam”.

Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Dự án nhằm tăng cường quản lý và duy trì tính toàn vẹn sinh thái của hệ thống khu bảo tồn và vùng xung quanh tại cảnh quan Trung Trường Sơn của Việt Nam; bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng địa phương góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực.

Dự án gồm 2 hợp phần: 1- Tăng cường lập kế hoạch và quản lý đa dạng sinh học và rừng trong và xung quanh khu bảo tồn tại cảnh quan Trung Trường Sơn; 2- Các biện pháp bảo tồn cảnh quan ở cấp cộng đồng tại các khu bảo tồn và vùng xung quanh khu bảo tồn nhằm cung cấp tài chính bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản. Các địa phương tham gia thực hiện Dự án gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2015 đến năm 2018.

Kinh phí thực hiện Dự án là 4.544.954 USD, trong đó vốn ODA do GEF tài trợ không hoàn lại thông qua ADB là 3.794.954 USD; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 750.000 USD (của Bộ Tài nguyên và Môi trường: 100.000 USD, của Quảng Trị: 230.100 USD, của Thừa Thiên - Huế: 189.800 USD, của Quảng Nam: 230.100 USD

Báo cáo phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2/2015

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2/2015.

Trong đợt tăng giá điện lần này, ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện, để Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

Đây là một trong những nội dung tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Cũng tại văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung của Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chuẩn bị tài liệu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2015 để xem xét, báo cáo Thường trực Chính phủ các giải pháp để bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Các công trình nguồn và lưới điện cấp bách; đề xuất các cơ chế đặc thù cho phép áp dụng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn, lưới điện cấp bách trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, công  suất 600 MW vào danh mục các nguồn điện cấp bách, thuộc Quy hoạch điện VII, đưa vào vận hành năm 2019 để bảo đảm cung cấp điện cho khu vực phía Nam. Bộ Công Thương tổng hợp vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách trong báo cáo Thường trực Chính phủ.

Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành của các dự án nhiệt điện khu vực phía Nam: Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Long Phú 1, Sông Hậu 1; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Từ năm 2015 không xuất khẩu than cám

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan từ năm 2015 không được xuất khẩu than cám, điều chỉnh hợp lý kế hoạch khai thác và dự trữ than để đảm bảo cho sản xuất điện trong các năm từ 2018 – 2020.

Đồng thời chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, trong đó đề xuất sản lượng than khai thác ổn định, lâu dài, bảo đảm phát triển bền vững ngành than và cung cấp than ổn định cho sản xuất điện và các lĩnh vực khác; trên cơ sở khả năng sản xuất than trong nước (khoảng 50 – 60 triệu tấn), đề xuất các nhà máy điện, các xí nghiệp công nghiệp hiện có và đang xây dựng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, chủng loại than, được đảm bảo cung cấp lâu dài; các dự án nhà máy điện than mới phải tính toán sử dụng than nhập khẩu.

Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo chưa có cơ chế hỗ trợ (năng lượng mặt trời, địa nhiệt,…).

Sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các nhà máy điện và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia tăng cường công tác sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện, các đường dây và trạm biến áp truyền tải điện khu vực miền Nam để đảm bảo huy động vận hành với công suất và số giờ cao từ năm 2017.

Đồng thời ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh đầu tư phát triển lưới truyền tải và phân phối điện nhằm khắc phục triệt để hiện tượng quá tải, bảo đảm lưới điện có dự phòng, thực hiện tốt mục tiêu giảm tổn thất, nâng cao độ linh hoạt và an toàn cung cấp điện.

Cần chủ động ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế bền vững

Cà Mau cần chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế bền vững.

Một trong những thách thức rất lớn đối với tỉnh Cà Mau cũng như nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề xâm nhập mặn ngày càng sâu và nguy cơ thiếu hụt nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất. Để chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan phối hợp với địa phương tiếp tục nghiên cứu cụ thể các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trên cơ sở đó xây dựng phương án chủ động ứng phó với thiên tai, bão lớn và biến đổi khí hậu; chỉ đạo rà soát quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tập trung nghiên cứu các giải pháp ứng phó

Đối với định hướng về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần ưu tiên bảo vệ rừng ngập mặn ven biển hiện có, từng bước đầu tư khôi phục lại rừng ngập mặn ven biển đã bị suy thoái; cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác trồng, khôi phục rừng ngập mặn, gắn với chính sách quản lý khai thác phù hợp; rà soát sắp xếp ưu tiên, tiếp tục tập trung nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê biển, công trình kiểm soát mặn theo quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, gắn với liên kết vùng.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đây là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực nên cần có sự hợp tác giữa các viện khoa học, các nhà khoa học để có được giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực nhằm đảm bảo công trình bền vững, kinh tế hơn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trên cơ sở các mô hình công trình chống xâm thực bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn ven biển đã thực hiện ở một số địa phương, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá sớm đưa ra được các mô hình phù hợp, hiệu quả đối với từng khu vực để phổ biến, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí đầu tư...

Kiên Giang chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo tập trung bảo vệ rừng ngập mặn ven biển hiện có, từng bước đầu tư khôi phục diện tích rừng ngập mặn ven biển đã bị suy thoái; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác trồng, khôi phục rừng ngập mặn, gắn với chính sách quản lý khai thác phù hợp.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kiên Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp, công tác thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu.

Kiên Giang là địa phương có diện tích trồng lúa và sản lượng lúa lớn nhất cả nước, do đó biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ là thách thức rất lớn đối với địa phương do tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu và nguy cơ thiếu hụt nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất. Công tác thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu cần được quan tâm hơn nhằm đảm bảo điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện Chương trình củng cố, nâng cấp đê biển theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần rà soát quy hoạch tuyến đê để đảm bảo an toàn, không đưa tuyến ra sát biển khi không có rừng phòng hộ bảo vệ đê. Rà soát sắp xếp ưu tiên, tập trung nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là các công trình kiểm soát lũ, mặn, đầu tư xây dựng các hồ trữ nước ngọt theo quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan phối hợp với địa phương tiếp tục nghiên cứu cụ thể các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trên cơ sở đó xây dựng phương án chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; rà soát quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn địa phương về quy hoạch, chịu trách nhiệm thỏa thuận về kỹ thuật đối với các dự án xây dựng đê biển, cống dưới đê, cống kiểm soát lũ, mặn nhằm đảm bảo tính liên kết vùng, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của toàn vùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tập trung nghiên cứu, sớm đề xuất các giải pháp ứng phó với diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Không sáp nhập Bệnh viện Bưu điện với đơn vị khác

Tại cuộc họp bàn về tổ chức, hoạt động của Bệnh viện Bưu điện sau khi chuyển giao nguyên trạng từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận giữ nguyên tên gọi Bệnh viện Bưu điện (là tên gọi từ khi thành lập Bệnh viện năm 1956), không sáp nhập Bệnh viện Bưu điện với đơn vị khác trực thuộc Bộ Y tế.

Về hoạt động sau khi chuyển giao nguyên trạng sang Bộ Y tế quản lý, Bệnh viện Bưu điện là Bệnh viện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bưu điện khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về tài chính (tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển) và bộ máy tổ chức; bảo toàn và phát triển tài sản, vốn của nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2015.

Bệnh viện Bưu điện thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ công nhân viên trong ngành Bưu Điện. Ngoài ra bệnh viện Bưu Điện còn nhận khám và chữa bệnh cho các đối tượng ngoài ngành; khám sức khoẻ định kỳ và đo, kiểm tra môi trường lao động cho các đơn vị trong ngành bưu điện từ Huế trở ra, phát hiện và điều trị các bệnh nghề nghiệp.

Từ ngày thành lập với đội ngũ thầy thuốc giàu kinh nghiệm, có trách nhiệm cao trong công việc đã có nhiều cống hiến cho ngành y học nước nhà, có nhiều thành tích xuất sắc cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân và đạt kết quả cao. /.

Top