Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

24/11/2015 18:15

Định mức trang bị máy móc, thiết bị của CQNN áp dụng từ 2016

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị vào việc riêng

Quyết định quy định, máy móc, thiết bị văn phòng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị, bố trí sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh thì được áp dụng định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà các máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đã trang bị cho người tiền nhiệm, không trang bị mới.

Máy móc, thiết bị được thay thế theo yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng và được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trường hợp không có nguồn máy móc, thiết bị để điều chuyển thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được mua mới theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định này.

Nghiêm cấm việc sử dụng máy móc, thiết bị vào việc riêng; bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn, cầm cố, thế chấp hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị

Tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương được quy định như sau:

Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh và phòng làm việc của chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương từ 10,4 trở lên có mức giá tối đa 179,5 triệu đồng. Trong đó, máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh (tính cho 1 người) bao gồm: 1 bộ bàn ghế ngồi làm việc, 4 tủ đựng tài liệu, 1 máy vi tính để bàn (gồm cả bàn máy và thiết bị lưu điện), 1 máy vi tính xách tay (hoặc thiết bị điện tử tương đương), 1 máy in, 2 điện thoại cố định (không kể điện thoại công vụ) mức giá tối đa 89,5 triệu đồng; máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho phòng làm việc của chức danh gồm 1 bộ bàn ghế họp, 1 bộ bàn ghế tiếp khách và các thiết bị khác (nếu cần) có mức giá tối đa 90 triệu đồng /phòng làm việc.

Trưởng Ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương từ 9,7 đến dưới 10,4 mức giá tối đa 151,5 triệu đồng. Phó Trưởng Ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Cục trưởng, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mức giá tối đa 114,5 triệu đồng.

Phó Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,00 đến dưới 1,25 mức giá tối đa là 71,5 triệu đồng. Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1 mức giá tối đa là 66,5 triệu đồng…

Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cán bộ, công chức và phòng làm việc của cơ quan, tổ chức, tổ chức thuộc Trung ương được quy định như sau: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 đến 0,6 và cán bộ, công chức, viên chức khác mức giá tối đa 23,3 triệu đồng.

Mức giá tối đa 23,3 triệu đồng cũng được áp dụng đối với Ủy viên thường vụ chuyên trách đảng ủy khối, Ủy viên chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Trưởng phòng của Sở, cơ quan chuyên môn thuộc Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các chức danh tương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7; cán bộ, công chức, viên chức khác cấp tỉnh; Trưởng Ban Đảng, Phó Trưởng Ban Đảng, Chủ tịch, Bí thư các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Bí thư các đoàn thể, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn cấp huyện, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,6; cán bộ, công chức, viên chức khác cấp huyện.

Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cán bộ, công chức, viên chức cấp xã có mức giá tối đa là 16 triệu đồng.

Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Hội Nông dân

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam các cấp (Hội Nông dân) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đó là mục tiêu của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 trên 85% cán bộ, công chức Hội Nông dân ở Trung ương và cấp tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo các chương trình quy định cho từng chức danh; trên 80% cán bộ, công chức Hội Nông dân cấp huyện được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội Nông dân theo chương trình quy định cho từng loại đối tượng.

Trên 85% cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cấp xã và đối tượng nguồn cán bộ quy hoạch chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cấp xã được đào tạo trình độ trung cấp trở lên; trên 75% cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cấp xã (trong đó số cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo chiếm trên 70%) được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội Nông dân. Trên 50% cán bộ chi Hội, tổ Hội Nông dân được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác Hội Nông dân.

Nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đưa ra là tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức Hội Nông dân các cấp tích cực tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công tác Hội Nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong thực tiễn, bảo đảm nội dung, hình thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng được đào tạo.

Đào tạo trung cấp ngành Công tác xã hội chuyên ngành Công tác Hội Nông dân cho cán bộ Hội Nông dân cấp xã đối tượng nguồn cán bộ quy hoạch chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cấp xã; tuyển chọn, cử cán bộ, công chức Hội Nông dân từ cấp huyện đến cấp Trung ương đi đào tạo đại học, sau đại học theo quy định cho từng chức danh.

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội Nông dân các cấp; cán bộ chi Hội, tổ Hội Nông dân; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên tham gia thực hiện Đề án, bao gồm giảng viên Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam và đội ngũ cộng tác viên từ các cấp Hội trong cả nước; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân.

Triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Mục đích nhằm thể hiện sự quyết tâm, nghiêm túc và trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận nói riêng và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt là các cam kết tự nguyện đưa ra khi Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Đồng thời, xác định rõ các lĩnh vực cần ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp đối với các khuyến nghị UPR, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan thông qua việc hài hòa các Kế hoạch thực hiện khuyến nghị UPR do các bộ, ngành chủ động xây dựng và triển khai.

Theo Kế hoạch, các việc cần triển khai là tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; tăng cường giáo dục về quyền con người; cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; tiếp tục xem xét gia nhập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; hợp tác quốc tế về quyền con người.

2,5 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên

Để tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị, theo kế hoạch, sẽ tăng cường các nguồn lực trong nước kết hợp với khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn, mục tiêu là đến năm 2020 có khoảng 2,5 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, trong đó trên 30% là người cao tuổi, 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; Chiến lược việc làm đến năm 2020; Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2020...

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Vĩnh Phúc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chuyển mục đích sử dụng 109,68 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Đức tài trợ dự án tăng cường bảo vệ nước ngầm

Danh mục Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”, do Chính phủ Đức tài trợ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án nhằm tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới mặt đất tại Việt Nam nhằm phòng chống nguy cơ suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án sẽ bổ sung các dữ liệu điều tra cơ bản về nước ngầm tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sửa chữa và nâng cấp mạng quan trắc xâm nhập mặn tài nguyên nước dưới đất trong vùng Dự án (báo cáo hiện trạng, cơ sở dữ liệu, mô hình xâm nhập mặn, mạng quan trắc).

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực kỹ thuật về điều tra, đánh giá bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho các cơ quan tham gia Dự án (đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và lắp đặt hệ thống trang thiết bị văn phòng thực địa); nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho địa phương vùng Dự án.

Đồng thời, tăng cường việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng nước và các bên liên quan tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về hạn mức vốn của Dự án, vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức 1,5 triệu Euro; vốn đối ứng của Việt Nam 91.100 Euro do Bộ Tài nguyên và  Môi trường tự thu xếp.

Dự án được thực hiện từ năm 2015 - 2017. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản Dự án.

Thay thành viên BCĐ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vừa ký Quyết định thay đổi thành viên Ban chỉ đạo này.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tham gia Ban Chỉ đạo và làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo thay ông Trần Đức Lượng.

Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng đối với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức; chỉ đạo việc tổng hợp kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trong phạm vi toàn quốc.

Hoàn thiện quy định cam kết phát triển dự án điện

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOO và hình thức Hợp đồng BOT không thực hiện đúng tiến độ cam kết.

Theo thông báo kết luận, trong những năm vừa qua, ngành Điện nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, cơ bản bảo đảm cung ứng điện cho phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều dự án đầu tư xây dựng nguồn điện chậm tiến độ, đặc biệt là trong khâu chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án. Do đó, quy định về cam kết phát triển dự án là biện pháp cần thiết nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành Điện kiểm soát tốt hơn việc thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án, qua đó giúp nâng cao sự chủ động trong công tác bảo đảm an ninh cung ứng điện.

Để tăng cường sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án nguồn điện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát quy định hiện hành để ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của Bộ (Thông tư) quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nguồn điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết, tập trung vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án theo hướng:

Bổ sung rõ trách nhiệm của các nhà đầu tư được giao quyền phát triển dự án nguồn điện (bao gồm các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, các dự án do nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước thực hiện) cũng như của các cơ quan nhà nước liên quan.

Cơ chế xử lý các dự án chậm tiến độ: Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án, kiên quyết thực hiện biện pháp thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác./.

Top