Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

23/11/2015 16:25

Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2016

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.916 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 271.916, trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 110.559 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 160.272 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế; biên chế công chức dự phòng 1.000 biên chế.

Cũng theo Quyết định, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế.

Như vậy, so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức. Đồng thời, giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế quy định nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng số biên chế công chức được giao khi thành lập tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới.

Lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) và Hội đồng vùng KTTĐ Bắc Bộ, Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung, Hội đồng vùng KTTĐ phía Nam, Hội đồng vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải là Trưởng Ban chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng Ban thường trực.

Các thành viên Ban chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung; Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ phía Nam; Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ Bắc bộ nhiệm kỳ 2015-2016. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung nhiệm kỳ 2015-2016; Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh là Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ phía Nam nhiệm kỳ 2015-2016; Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ là Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ 2015-2016.

Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành, liên vùng liên quan đến hoạt động điều phối phát triển các vùng KTTĐ.

Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng KTTĐ; các giải pháp thúc đẩy phối hợp phát triển giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng KTTĐ và giữa các vùng KTTĐ với các vùng khác; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phối hợp trong việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện các liên kết vùng trên các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Hội đồng vùng là tổ chức kết nối giữa Ban Chỉ đạo với các địa phương trong vùng KTTĐ và chỉ đạo, điều phối các liên kết trong vùng.

Hội đồng vùng có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức phối hợp các địa phương trong vùng KTTĐ thực hiện các Quy hoạch phát triển của vùng KTTĐ; theo dõi quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch của địa phương trong vùng...

Phân công soạn thảo 2 Nghị quyết của UBTVQH

Thủ tướng Chính phủ vừa phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Nội vụ chủ trì, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp soạn thảo Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trình Chính phủ, UBTVQH trong tháng 12 tới.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan soạn thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, trình Chính phủ, UBTVQH trong tháng 12 tới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo phải tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ xem xét, thông qua để trình UBTVQH.

Các cơ quan được giao phối hợp trong việc soạn thảo dự thảo Nghị quyết phải phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc với cơ quan chủ trì soạn thảo.

Bộ Tư pháp ưu tiên thẩm định các dự thảo Nghị quyết ngay sau khi nhận được đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội phân bổ đầy đủ, kịp thời kinh phí bảo đảm cho việc xây dựng các dự thảo Nghị quyết./.

 

Top