Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

08/10/2015 17:31

Gia cố tàu bọc vỏ thép được vay 70% tổng giá trị nâng cấp

Đây là một trong những nội dung mới tại Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, Nghị định bổ sung quy định hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới. Cụ thể, đối với trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Nghị định cũng bổ sung quy định tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới; trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định.

Thời hạn cho vay đã được sửa đổi. Theo đó, thay vì quy định thời hạn cho vay 11 năm, Nghị định 89/2015/NĐ-CP quy định thời hạn cho vay đối với từng trường hợp. Cụ thể, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới.

Năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại. Quy định này được áp dụng cả với những Hợp đồng vay vốn ngân hàng thương mại đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành 25/11/2015.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Thành Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Được biết, ông Lê Thành Long về công tác tại Bộ Tư pháp từ năm 1987. Ông từng giữ các chức vụ lãnh đạo tại Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tại Bộ Tư pháp. Từ tháng 10/2011, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Sau đó, ông Long có quyết định điều động, luân chuyển công tác về Tỉnh ủy Hà Tĩnh, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2010-2015).

Hoàn thành xây cầu Đại Ngãi vào năm 2018

Để sớm khởi công, nhằm hoàn thành đồng bộ 2 hợp phần của Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng vào cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Giao thông vận tải thực hiện các thủ tục đầu tư để triển khai trước hợp phần 1 theo hình thức Hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao.

Bộ Giao thông vận tải quyết định phương án thu phí hoàn vốn cho Dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương Bộ Giao thông vận tải lập dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng.

Dự án gồm 2 hợp phần: hợp phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp phần 2 đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với hợp phần 1 theo hình thức hợp đồng BOT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc hoàn vốn cho Dự án bằng thu phí tại trạm thu phí Đại Ngãi và trạm thu phí cầu Cổ Chiên (sau khi đã hoàn vốn cho dự án cầu Cổ Chiên). Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tài chính và UBND các địa phương liên quan về vị trí đặt các trạm thu phí. Bộ Giao thông vận tải quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền, đúng quy định hiện hành.

Đối với hợp phần 2 của Dự án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, thẩm định dự án đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu Đại Ngãi là công trình huyết mạch trên tuyến Quốc lộ 60, được hoạch định là tuyến đường trục ven. Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh phía Đông của khu vực Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... rút ngắn được khoảng 70km khi đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng, giúp tiết kiệm chi phí vận tải và giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Quốc lộ 1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tiếp tục thí điểm chia sẻ lợi ích phát triển rừng đặc dụng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho phép 3 Vườn quốc gia (Xuân Thủy, Bạch Mã và Hoàng Liên) được tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/12/2015.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp lồng ghép với chính sách khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phát triển sinh kế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng cường công tác quản lý rừng, đồng thời góp phần ổn định đời sống của người dân sống trong và vùng đệm của các khu rừng đặc dụng.

Theo Quyết định 126/QĐ-TTg ngày 02/2/2012 về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, mục đích của việc thí điểm là tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống ở trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm khu rừng đặc dụng.

Hội đồng quản lý gồm: Đại diện của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, cộng đồng dân cư thôn, Hạt Kiểm lâm khu rừng đặc dụng hoặc Hạt Kiểm lâm huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

Cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có quyền được khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, nuôi trồng các loài động vật, thực vật tại danh mục các loài được phép khai thác, sử dụng, nuôi trồng được quy định trong thỏa thuận; tham gia, thực hiện thỏa thuận và đề xuất ý kiến với Hội đồng quản lý; được bồi dưỡng các kiến thức về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện đúng phương án, thỏa thuận chia sẻ lợi ích; các biện pháp bảo vệ rừng và phát triển rừng đặc dụng theo quy định của  pháp luật; thông báo kịp thời cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng những hành vi vi phạm, thông tin về nguồn tài nguyên, những loài phát hiện mới; thông tin kịp thời, ngăn chặn hoặc tham gia việc ngăn chặn những đối tượng có hành vi xâm hại, khai thác trái pháp luật tài nguyên rừng đặc dụng.

Tổng công ty Trực thăng được xếp hạng đặc biệt

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

Tổng công ty Trực thăng Việt Nam được đổi tên từ Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam năm 2010.

Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là cung cấp các dịch vụ trực thăng; huấn luyện đào tạo phi công, kỹ thuật viên hàng không; sửa chữa, đại tu máy bay trực thăng...

Hiện Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đang cung cấp các dịch vụ bay phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí; dịch vụ bay du lịch, chụp ảnh qui hoạch, treo cẩu, cấp cứu, trực thăng cứu hộ; huấn luyện phi công, thợ máy, nhân viên hàng không; sửa chữa đại tu máy bay trực thăng; dịch vụ khai thác bay, cung cấp phi công thợ máy...

Ban hành Điều lệ, Quy chế tài chính các tập đoàn kinh tế

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 trước ngày 1/1/2016.

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ban hành Quy chế quản lý tài chính của các Tập đoàn: Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Công nghiệp Cao su Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Viễn thông Quân đội và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước ngày 1/1/2016.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc chỉ đạo việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của các Tổng công ty: Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Đường sắt Việt Nam theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước ngày 1/1/2016.

Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước phải ban hành trước ngày 1/1/2016 vì theo quy định tại Khoản 1, Điều 64 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp năm 2014 thì các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện Điều lệ và Quy chế tài chính hiện hành đến hết ngày 31/12/2015, có trách nhiệm đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Điều lệ, Quy chế tài chính theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước ngày 1/1/2016.

Hơn nữa, kể từ ngày 1/7/2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thi hành, trong đó có những nội dung liên quan đến mô hình tổ chức, cơ cấu quản lý và cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế nhà nước được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động hiện hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Do đó, các Điều lệ này cũng phải được rà soát, sửa đổi bổ sung để phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Bán vốn Nhà nước, sắp xếp lại một số Cty tại Hà Nam

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến về việc bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị và sắp xếp lại các công ty khai thác công trình Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đã đồng ý bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông; Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đồng ý sáp nhập Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Kim Bảng và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Duy Tiên vào Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Hà Nam.

UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo, thực hiện và chịu trách nhiệm việc bán vốn nhà nước tại các công ty cổ phần và sáp nhập các công ty Khai thác công trình thủy lợi nói trên theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông có vốn điều lệ là 4 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước là 2,18 tỷ đồng, chiếm 54,2% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị có vốn điều lệ là 17,2 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước là 7,4 tỷ đồng, chiếm 43,18% vốn điều lệ.

Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, tỉnh Hà Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận cho phép bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại 2 Công ty cổ phần trên.

Đồng thời, hiện nay, tỉnh Hà Nam có 3 Công ty Khai thác công trình Thủy lợi: Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Kim Bảng; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Duy Tiên; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Nam Hà Nam. 3 công ty này có cùng chức năng nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, đặt hàng của địa phương, trên cùng địa bàn, quy mô nhỏ bé, do UBND tỉnh Hà Nam là chủ sở hữu. Vì vậy, UBND tỉnh đã đề nghị sáp nhập Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Kim Bảng và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Duy Tiên vào Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Hà Nam.

Chuyển nhượng vốn của TCty Cấp nước Sài Gòn

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý cho phép Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc chuyển nhượng thực hiện theo Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về bán cổ phần theo lô.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn chuyển nhượng hệ thống mạng lưới nước cấp 3 thuộc vùng phục vụ của Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa theo quy định của pháp luật.

Tinh giản biên chế Trường CĐ nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho phép Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam được áp dụng quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để giải quyết lao động dôi dư.

Nguồn kinh phí để giải quyết chế độ tinh giản biên chế của Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex được trích từ phần lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Bộ Công Thương sẽ phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex; đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để thẩm tra về đối tượng và dự toán kinh phí thực hiện; chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành.

Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex là trường đào tạo nghề công lập thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Thực hiện Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn, từ năm 2013 Trường đã điều chỉnh lại mục tiêu phát triển theo hướng tập trung đào tạo chuyên sâu đúng ngành nghề chính của Tập đoàn.

Trong bối cảnh Tập đoàn tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và khó khăn chung về tuyển sinh, quy mô đào tạo nghề của trường thu hẹp lại và số lượng học sinh ngày càng giảm dẫn đến số lượng giáo viên, viên chức của Trường dư thừa so với thực tế (hiện nay dôi dư khoảng 130 người/380 người, chiếm khoảng 34% tổng số giáo viên, viên chức nhà trường). Việc sắp xếp lại lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả đi đối với bảo đảm quyền lợi của người lao động là việc làm cấp thiết của Trường./.

Top