Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

29/01/2015 18:17

Phối hợp quản lý giá điện, giá dầu

Kết luận tại phiên họp của các Bộ, cơ quan thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô về vấn đề giá điện, giá dầu và kế hoạch hoạt động thực hiện Quy chế trong năm 2015, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong điều hành, các Bộ, cơ quan tiếp tục kiên định và bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế (GDP), lạm phát và cân đối ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới, tính toán kỹ các tình huống tác động của giá dầu và giá điện đến tăng trưởng kinh tế, kịp thời có các giải pháp điều hành phù hợp nhằm bảo đảm điều hành vĩ mô theo đúng những mục tiêu đã đề ra.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nắm chắc diễn biến tình hình giá xăng, dầu thế giới để kịp thời xây dựng các phương án và thực hiện các giải pháp phù hợp bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Trước mắt, điều hành ngân sách nhà nước theo phương án giá dầu thấp nhất do Tổ công tác đưa ra (40 USD/thùng).

Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai ngay việc tăng cường rà soát, kiểm tra và có giải pháp mạnh để chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa giảm giá cước vận tải ở mức hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và vì lợi ích chung của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, cân nhắc thận trọng trong điều hành giá bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp trong tương quan với giá xăng dầu ở các nước trong khu vực để ngăn ngừa, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ chống buôn lậu xăng dầu. Trong điều hành cần có phương án chủ động ứng phó với các tình huống tăng, giảm bất thường của giá xăng dầu thế giới.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo việc rà soát các mỏ để có phương án tối ưu và chủ động kế hoạch khai thác, cắt giảm tối đa các chi phí, các nhiệm vụ chưa cấp bách nhằm bảo đảm hoạt động khai thác dầu thô có hiệu quả, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích chung của đất nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá cả thị trường để hoàn thiện các phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian trong tiếp cận điện năng của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm đạt kết quả cụ thể và được công khai rộng rãi ngay trong năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, bảo đảm thực hiện mục tiêu lạm pháp đã đề ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

* Tháng 1/2015, tình hình kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu thế giới giảm mạnh và duy trì ở mức thấp dự báo sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Chính phủ giao dự toán thu, chi năm 2015 của BHXH Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định giao dự toán thu, chi năm 2015 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao chỉ tiêu dự toán tổng số thu là 233.665 tỷ đồng; trong đó thu BHXH bắt buộc 136.028 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện 897 tỷ đồng; thu bảo hiểm y tế 58.028 tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp 8.712 tỷ đồng; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư tài chính 30.000 tỷ đồng.

Tổng số dự toán chi được giao là 171.587 tỷ đồng; trong đó chi BHXH từ quỹ BHXH bắt buộc là 101.552 tỷ đồng; chi BHXH tự nguyện là 190 tỷ đồng; chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 58.690 tỷ đồng; chi bảo hiểm thất nghiệp 4.408 tỷ đồng; chi quản lý bộ máy 5.397 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 1.350 tỷ đồng.

Như vậy, so với năm 2014, dự toán thu, chi năm 2015 của BHXH Việt Nam tăng hơn. Cụ thể, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam tổng số dự toán thu là 218.819 tỷ đồng; tổng số dự toán chi là 153.760 tỷ đồng.

Quyết định nêu rõ, trường hợp trong năm 2015, Nhà nước ban hành chính sách, chế độ làm thay đổi dự toán đã giao, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh chỉ tiêu dự toán thu, chi cho BHXH Việt Nam tương ứng với mức điều chỉnh theo chế độ mới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Ngoài ra, tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ cũng giao tổng Giám đốc BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động qua hệ thống thông tin đại chúng, cơ quan chính trị từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về quyền lợi và nghĩa vụ, mức đóng, trách nhiệm đóng, mức hưởng, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc thí điểm giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, chỉ đạo BHXH các cấp thực hiện chi trả đầy đủ và kịp thời theo đúng chế độ quy định cho UBND các xã, phường, thị trấn khoản chi phí lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Hơn 1.263 tỷ đồng ứng dụng CNTT trong hoạt động BHXH

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt dự toán thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 với tổng kinh phí là 1.263,33 tỷ đồng từ các nguồn theo quy định tại Điều 11 Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trong đó, kinh phí cho nhóm dự án phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành là 495,83 tỷ đồng; nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (bao gồm 100 tỷ đồng đã bố trí trong dự toán chi quản lý bộ máy năm 2014 được giao tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán thu, chi năm 2014 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) là 750 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động của Kế  hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả và theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm tài sản; thực hiện đầu tư theo hình thức mua sắm, dự án, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, tùy theo từng nội dung đầu tư của Kế hoạch; trường  hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải công khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trên Cổng, Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; định kỳ báo cáo Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về tình hình và kết quả thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

Chuyển vị trí xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia sang Nhật Tân

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về vị trí xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia gắn với cổ phần hoá Trung tâm triển lãm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Cả nước cần có một Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia hiện đại xứng tầm các nước trong khu vực và quốc tế, khi cần thiết sẽ tổ chức đăng cai hội chợ triển lãm quốc tế. Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia đặt tại Mễ Trì không còn phù hợp vì diện tích nhỏ, giao thông không thuận tiện.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội xác định vị trí mới để xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, quốc tế trên trục đường Nhật Tân đi sân bay Nội Bài phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu Quý II/2015.

UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch điều chỉnh quy hoạch diện tích đất đã bố trí cho Trung tâm triển lãm quốc gia tại Mễ Trì để xây dựng trụ sở các Bộ, ngành Trung ương, phần còn lại giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành thực hiện các bước tiếp theo theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kinh phí để xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia từ nguồn thu chuyển đổi Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam, Trung tâm Văn hoá, du lịch, thương mại tại Mễ Trì, nguồn vốn của Công ty và các nguồn hợp pháp khác.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ có liên quan xây dựng cơ chế tài chính cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2015.

PVN tập trung mọi nguồn lực hoàn thành vượt kế hoạch 2015

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tập trung mọi nguồn lực và các giải pháp thực hiện nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 trên cả 5 lĩnh vực hoạt động chính, trong đó lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là cốt lõi.

Cụ thể, đối với lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, cần tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn nhằm gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, tăng đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Tập đoàn phối hợp với các Bộ ngành chủ động nghiên cứu, có giải pháp và đề xuất báo cáo Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn để thực hiện các dự án mục tiêu về tìm kiếm, thăm dò.

Đối với công nghiệp khí, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn có giải pháp phù hợp để triển khai các dự án khí theo kế hoạch đề ra, bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành an toàn và hiệu quả các công trình khí, đáp ứng nhu cầu khí cho các hộ tiêu thụ; thực hiện lộ trình giá khí theo cơ chế thị trường đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đối với lĩnh vực điện, Tập đoàn tập trung triển khai đầu tư các dự án điện được giao, tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư, xây dựng, công tác đấu thầu bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Trong lĩnh vực lọc hoá dầu, Tập đoàn đàm phán chuyển nhượng và triển khai Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo đảm tiến độ đề ra; đẩy nhanh và kiểm soát tốt tiến độ triển khai các dự án lọc hóa dầu, dự án liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, theo Quy hoạch phát triển ngành dầu khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vận hành an toàn và có hiệu quả các Nhà máy lọc hóa dầu và nhiên liệu sinh học theo kế hoạch đề ra trong năm 2015.

Với lĩnh vực dịch vụ, cần tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, có giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là việc tìm kiếm cơ hội phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.

Khẩn trương thực hiện có hiệu quả việc tái cấu trúc Tập đoàn

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2015, cần hoàn thiện việc xây dựng và trình duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng phát triển đến năm 2035, phân tích rõ hiện trạng, khoảng cách của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia  Việt Nam và các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là so sánh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Malaysia (Petronas), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách đồng bộ để tăng tốc phát triển và thu hẹp khoảng cách của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia khác ở khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, khẩn trương thực hiện có hiệu quả việc tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Quyết định số 46/QĐ−TTg ngày 5/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Từng bước xây dựng Tập đoàn mạnh hơn, phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn.

* Năm 2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu thô, khí, điện, đạm, sản xuất xăng dầu; tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 745,5 nghìn tỷ đồng, vượt 11,8% kế hoạch năm; đặc biệt, đã nộp ngân sách nhà nước vượt 37,6 nghìn tỷ đồng.

Các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN

Kết luận tại cuộc họp về các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương đẩy nhanh quy trình đàm phán các hợp đồng xây dựng- vận hành – chuyển giao (BOT), đảm bảo quyền lợi của các chủ đầu tư và bên mua điện, dự án vận hành đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính, chỉ đạo EVN xây dựng phương án để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 12/2014/TT-BCT ngày 1/6/2014 quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng: nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá; các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Phó Thủ tướng giao EVN xây dựng kế hoạch thực hiện các đề xuất mà Tư vấn Mercados xây dựng về Các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên, trình Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt trước ngày 28/2/2015; phối hợp với WB nghiên cứu phương án quản trị rủi ro tỷ giá (hedging) báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

EVN khẩn trương thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Tổng Công ty phát điện 3 (Genco 3), đồng thời lập kế hoạch cổ phần hóa 2 Tổng Công ty phát điện còn lại./.

Top