Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

24/01/2015 18:32

Khuyến khích sử dụng xăng E5

Kết luận tại cuộc họp về cơ chế giá đối với xăng E5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý áp dụng trong năm 2015 biện pháp trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 thấp hơn đối với xăng khoáng RON 92 để tạo chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn so với giá bán xăng khoáng RON 92 từ 300 đồng/lít đến 500 đồng/lít nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và tình hình thực tế để quyết định mức trích lập cụ thể và triển khai thực hiện, lưu ý tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo đồng thuận trong dư luận, xã hội và bảo đảm công khai, minh bạch trong điều hành kinh doanh xăng dầu.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng và nhiên liệu sinh học, bảo đảm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học.

Bộ Tài chính khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng, xăng E5 để có thể áp dụng ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính điều chỉnh thuế xuất khẩu cồn ethanol và sắn lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kinh doanh xăng E5 theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh xăng E5, trên cơ sở đó đề xuất những cơ chế ưu đãi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2015.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, nhập khẩu và sử dụng phụ gia xăng dầu để ngăn ngừa có hiệu quả việc làm cháy, nổ các phương tiện sử dụng xăng nhiên liệu xăng, dầu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015.

Kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Cụ thể, thời gian xuất nhập cảnh trong ngày từ 7h - 19h hiện nay thành từ 7h - 20h (giờ Hà Nội).

Thời gian xuất nhập khẩu trong ngày từ 7h - 16h30 hiện nay thành 7h - 18h (giờ Hà Nội).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu phía Việt Nam phối hợp với cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện.

Nâng độ che phủ rừng ven biển đến năm 2020 lên 19,5%

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020.

Mục tiêu chung của Đề án là phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.

Cụ thể, Đề án đặt mục tiêu bảo vệ diện tích rừng ven biển hiện có 310.695 ha; trồng mới 46.058 ha, nâng tổng diện tích rừng ven biển đến năm 2020 lên 356.753 ha và độ che phủ rừng ven biển từ 16,9% (năm 2014) lên 19,5% vào năm 2020.

Thu hồi đất sử dụng trái phép

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án sẽ thực hiện 5 giải pháp về: đất đai; đầu tư; khoa học và công nghệ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực; hoàn thiện cơ chế chính sách.

Trong đó, sẽ rà soát, thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép diện tích thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê biển hoặc diện tích đất đã giao thuộc quy hoạch phát triển lâm nghiệp nhưng sử dụng không đúng mục đích để trồng lại rừng.

Cùng với đó là đẩy mạnh việc giao, khoán bảo vệ rừng cho các thành phần kinh tế, cộng đồng và các hộ gia đình để bảo vệ và phát triển rừng ven biển; khuyến khích các hình thức liên kết với dân để phát triển rừng như thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để trồng rừng ven biển theo quy hoạch kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản, nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái...

Bán 1 DN thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý chủ trương bán Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện theo thẩm quyền, quy định của Điều lệ công ty cổ phần và Luật Doanh nghiệp.

Trước đó, theo Đề án tái cơ cấu tập đoàn Dệt may Việt Nam giai đoạn 2013-2015, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam là Doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là tổ hợp các công ty đa sở hữu gồm có công ty mẹ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu đào tạo, gần 100 công ty con, công ty liên kết là các công ty cổ phần, kinh doanh đa lĩnh vực từ sản xuất - kinh doanh hàng dệt may đến hoạt động thương mại dịch vụ, có hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư vào lĩnh vực hỗ trợ ngành sản xuất chính dệt may...

Nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo hướng đa chiều

Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu trong năm 2015 các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo trên cơ sở kết quả đã rà soát.

Trước mắt, khẩn trương tích hợp những chính sách hiện hành, chủ động nêu rõ những nội dung, chính sách cần sửa đổi, bổ sung; phù hợp với nguồn lực để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I năm 2015 để các văn bản, chính sách phát huy tác dụng ngay trong năm 2015.

Về định hướng rà soát, thiết kế chính sách giảm nghèo, Phó Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tập trung cao độ cả chính sách và nguồn lực đối với vùng đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, theo hướng đa chiều và giảm nghèo bền vững, dựa vào cộng đồng để vừa hỗ trợ người nghèo vươn lên, vừa góp phần phát triển cộng đồng.

Việc thiết kế chính sách tiếp tục thực hiện theo hướng tăng cho vay, giảm cho không; mức hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cân đối và lồng ghép nguồn lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo hướng tiếp cận đa chiều; tiếp tục thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bình quân 2% trong cả nước, bình quân 4% tại các huyện nghèo, phấn đấu ở mức cao hơn.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể về nội dung, phạm vi và mối quan hệ của Chương trình 135 với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo từ các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân; tôn vinh tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác giảm nghèo.

Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn giảm 5%. Đời sống của hộ nghèo, người nghèo từng bước được nâng lên, đi từ xóa đói giảm nghèo phấn đấu từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững. Những kết quả đã đạt được thể hiện việc thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa; là bài học bổ ích để phấn đấu làm tốt hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi và đồng bào dân tộc vẫn còn cao, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn nhiều. Cơ chế chính sách tuy đã được rà soát nhưng vẫn còn chồng chéo, trùng lắp, khó thực hiện; đòi hỏi các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục khắc phục.

Hoàn thiện quy hoạch tổng thể lễ hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có chỉ đạo về Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lễ hội là di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoạt động lễ hội là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống của nhân dân. Thời gian qua, hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi, đa dạng, phong phú trên khắp các địa phương trong cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh.

Bên cạnh mặt tích cực nói trên, còn bộc lộ nhiều bất cập cần phải được chấn chỉnh kịp thời để khắc phục, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho hoạt động lễ hội, phòng ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch lễ hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1185/VPCP-KGVX ngày 29/12/2012.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội./.

Top