Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

27/09/2014 18:42

Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về "Giải thưởng Hồ Chí Minh, "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật, trong đó quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng 2 giải thưởng này.

Cụ thể, tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng 2 điều kiện sau được xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh, "Giải thưởng Nhà nước":

1- Đã công bố dưới hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mùng 2/9/1945. Thời gian công bố tối thiểu 5 năm đối với  "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 3 năm đối với "Giải thưởng Nhà nước" tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

2- Không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố.

Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được xét "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" phải chấp hành tốt pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, tác giả  được xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng 3 tiểu chuẩn:

1- Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

2- Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3- Đặc biệt xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn:

- Đã được tặng Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

- Đã được tặng Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.

Cũng theo Nghị định, tác giả được xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng 3 tiêu chuẩn:

1- Có giá trị xuất sắc về về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

2- Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3- Xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn:

- Đã được tặng Giải Vàng hoặc Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

- Đã được tặng Giải thưởng cao của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.

Đôn đốc xây dựng văn bản QPPL điện hạt nhân

Tại cuộc họp Ban Chỉ  đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điện hạt nhân (Phiên họp thứ mười hai), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã kết luận như sau:

Thời gian qua, các Bộ, ngành đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), qua đó, đã xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, không làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của Dự án.

Việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về điện hạt nhân là một trong ba trụ cột quan trọng của chương trình phát triển năng lượng hạt nhân quốc gia, cùng với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới, phức tạp, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải xây dựng từ đầu, các cơ quan, Bộ, ngành chưa có nhiều kinh nghiệm, nên tiến độ xây dựng, soạn thảo văn bản còn chậm, chất lượng còn có điểm hạn chế, khối lượng nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần ban hành phục vụ Dự án điện hạt nhân còn rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân, kịp thời đáp ứng yêu cầu, tiến độ của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 248/TTg-KTN ngày 19/2/2013.

Các Bộ, ngành nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, các quy định quốc tế, hướng dẫn của IAEA để làm rõ hệ thống khung quy phạm pháp luật, đưa ra đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân cần ban hành, bao gồm cả các quy chế, quy định cần thiết đối với từng Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, cập nhật Kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân giai đoạn 2013 - 2020, có kế hoạch phân bổ thời gian, nguồn lực, chuyên gia, kinh phí phù hợp để tổ chức soạn thảo, đáp ứng yêu cầu theo tiến độ thực hiện của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2014 để xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng chỉ  đạo, trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu, đề xuất những vấn đề trực tiếp liên quan tới việc triển khai thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ để chủ động đề xuất ban hành các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Thông tư của các Bộ, đưa vào trong kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân để kịp thời đáp ứng yêu cầu của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cũng tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận để thống nhất thứ tự ưu tiên, tiến độ và nguồn vốn thực hiện của các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để bảo đảm có nguồn vốn cho địa phương thực hiện từ năm 2015.

Bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bố trí vốn cho các dự  án ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA thông qua Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) để đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2015.

Cụ thể, phạm vi thực hiện bao gồm: 16 dự án chuyển tiếp đã được bố trí vốn Chương trình SP-RCC từ các năm trước; tập trung cho các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn (trong đó bao gồm cả các hạng mục trồng rừng của các dự án thuộc danh mục Chương trình SP-RCC); lưu ý ưu tiên cho các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển; các dự án đê biển xung yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, có tác động trực tiếp đến khu vực dân cư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương liên quan rà soát lại quy mô và mức vốn đầu tư 16 dự án chuyển tiếp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát lựa chọn các dự án còn lại.

Bộ Kế hoạch và  Đầu tư căn cứ Danh mục rà soát của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án trước ngày 30/9/2014 để trình Quốc hội quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 (dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương, phần vốn ngoài nước).

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc giải ngân chỉ được thực hiện khi các dự án bảo đảm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Các địa phương triển khai phê duyệt dự án theo quy định quản lý về  đầu tư và chỉ triển khai sau khi có ý kiến thẩm định của các Bộ quản lý ngành về thiết kế kỹ thuật dự án. Các Bộ quản lý chuyên ngành phải xây dựng cơ chế để giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng một cách có hiệu quả, tránh lãng phí./.

Top