Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

26/09/2014 18:11

3/9 là "Ngày Âm nhạc Việt Nam"

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý lấy ngày 3/9 hằng năm là "Ngày Âm nhạc Việt Nam".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức ngày Âm nhạc Việt Nam hằng năm phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm với mục đích động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Kinh phí tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam được bố trí trong kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hằng năm cho Hội Nhạc sỹ Việt Nam trên cơ sở chính sách chung đối với các Hội văn học nghệ thuật.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Ngoại giao

Tại Quyết định 1718/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Đặng Minh Khôi, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao, giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tại Quyết định 1719/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Vũ Hồng Nam, Trợ lý Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, quyền Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở người nước ngoài, giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Hoàn thiện quy định về đổi mới khu vực sự nghiệp công

Tại Thông báo 384/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Quan điểm, chủ trương về đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Quốc hội và Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương đổi mới khu vực sự nghiệp công. Thực tiễn đã có một số đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đổi mới thành công dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau đặt ra yêu cầu được phát huy, nhân rộng trong khi chính sách còn nhiều bất cập, chưa theo kịp.

Vì lý do trên cần phải quy định các điều kiện để vừa khuyến khích vừa thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công thực hiện tự chủ, trong đó thể hiện rõ hơn các quy định nhằm thúc đẩy các đơn vị phải tự sắp xếp lại để đáp ứng yêu cầu chuyển sang tự chủ (quản lý chặt các đơn vị chưa thực hiện tự chủ; thực hiện phân loại các đơn vị sự nghiệp công để có lộ trình giảm dần kinh phí Nhà nước cấp đối với số đơn vị sự nghiệp công lập không cần thiết duy trì,...).

Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý, đây là Nghị định khung nên quy định cần mang tính nguyên tắc chung, định hướng để trên cơ sở đó các Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể trong các Nghị định chuyên ngành.

Về tự chủ, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung vào 3 nội dung tự chủ về thực hiện nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân lực và tự chủ về tài chính.

Về phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ, tự chủ càng cao thì được giao quyền tự chủ càng lớn. Để các đơn vị sự nghiệp công lập được hạch toán đầy đủ, cần quy định chuyển dần cơ chế hỗ trợ của ngân sách nhà nước từ cấp phát sang đặt hàng, khuyến khích các đơn vị này vươn lên tự chủ.

Về tiền lương và thu nhập, các đơn vị tự chủ cao thì được giao quyền tự chủ cao trong quyết định tiền lương và thu nhập; khuyến khích phân phối thu nhập gắn với hiệu quả, năng suất, chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Đối với cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện chuyển đổi dần cơ chế cấp phát ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (không chỉ áp dụng đối với các đơn vị thực hiện tự chủ) gắn với danh mục, giá; có cơ chế tín dụng mở, tạo điều kiện cho các đơn vị được quyền đi vay; đơn vị tự chủ cao được vay vốn ngân hàng, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ lãi suất (kể cả tín dụng thương mại) nếu đơn vị có phương án tín dụng, phương án hoạt động tốt.

Đồng thời khuyến khích cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để gửi các nguồn thu dịch vụ của đơn vị. Dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể loại thu nào được phép gửi vào ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó phân cấp chi tiêu theo cấp độ tự chủ, tự chủ càng cao thì phân cấp càng mạnh nhưng trong khuôn khổ nhất định; có quy định phân cấp theo mức độ tự chủ trong đầu tư. Ở mức độ tự chủ cao nhất, danh mục đầu tư phải được Bộ quản lý ngành duyệt, quyết định cụ thể giao các đơn vị quyết định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định, thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định và trình Chính phủ dự thảo Nghị định trong kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 tới.

Bộ Nội vụ khẩn trương soạn thảo các nội dung tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và nhân lực, hội đồng quản lý, tiền lương và thu nhập gửi Bộ Tài chính trước ngày 6/10/2014 và phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Hỗ trợ 12 địa phương khắc phục hậu quả bão số 2

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 195 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2014 để hỗ trợ 12 địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 2 và mưa lũ.

Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn được hỗ trợ 50 tỷ đồng; tỉnh Lào Cai 10 tỷ đồng; tỉnh Hà Giang 40 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên 10 tỷ đồng; tỉnh Sơn La 15 tỷ đồng; tỉnh Bắc Kạn 5 tỷ đồng; tỉnh Cao Bằng 10 tỷ đồng; tỉnh Tuyên Quang 5 tỷ đồng; tỉnh Lai Châu 10 tỷ đồng; tỉnh Bắc Giang 5 tỷ đồng; thành phố Hải Phòng 20 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh 15 tỷ đồng.

Số kinh phí trên hỗ trợ cho các địa phương để cứu trợ dân sinh, khôi phục sản xuất, sửa chữa và khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi và giao thông nông thôn...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí trên bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo quy định hiện hành.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản vùng bị thiệt hại do thiên tai theo Quyết định 49/2012/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn tổ chức cấp phát 1000 tấn gạo đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra. Việc hỗ trợ tiếp, tỉnh rà soát cụ thể, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.

Dự án mở rộng QL1: Bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 10

Tại Thông báo 383/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu UBND tỉnh Bình Định và Phú Yên khẩn trương tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao toàn bộ mặt bằng Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên trong tháng 10/2014.

Qua hơn một năm triển khai công tác GPMB, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đến nay, đã bàn giao mặt bằng được 1505/1510 Km, có 20/22 tỉnh đã cơ bản bàn giao 100% (trong đó 5/5 tỉnh trên đường Hồ Chí Minh và 15/17 tỉnh trên quốc lộ 1). Nhìn chung các địa phương đã hoàn thành tốt công tác GPMB, tiêu biểu là các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Ninh Bình. Còn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên hiện đang vướng một số vị trí chưa bàn giao xong do một số khó khăn vướng mắc đặc thù.

Công tác bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng cơ bản đã hoàn thành, được xử lý linh hoạt theo nhiều phương án: bố trí vào khu tái định cư tập trung, tái định cư xen ghép, hỗ trợ tiền thuê nhà trong quá trình hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư... Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng bộ với việc bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai công tác GPMB, một số địa phương chưa chủ động, chưa có sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu (Bí thư và Chủ tịch UBND các cấp), toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương chưa thực sự vào cuộc, nhân sự bố trí cho công tác GPMB chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu và yếu. Có địa phương thực hiện chưa tốt, để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Một số địa phương còn lúng túng, chưa chủ động huy động các nguồn vốn để xây dựng khu tái định cư, công tác phê duyệt phương án GPMB ở một số địa phương còn chậm, việc rà soát đề xuất hỗ trợ xây dựng khu tái định cư còn chậm, chưa đầy đủ.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát từng vị trí để xử lý dứt điểm các tồn tại về mặt bằng; trong thực thi công vụ phải thực hiện đúng chế độ chính sách của Nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tư lợi cá nhân, không để phát sinh khiếu kiện; rà soát chuyển đổi nghề nghiệp cho các cá nhân, hộ gia đình tái định cư để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Đồng thời đảm bảo cung cấp điện, nước sinh hoạt trong các khu tái định cư, bảo đảm cuộc sống của người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quyết toán xây dựng các khu tái định cư đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của nhà nước, với mức giá hợp lý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần có quy hoạch hệ thống hạ tầng dùng chung (như đường điện, cáp viễn thông, cấp nước…) để hạn chế tình trạng lãng phí trong đầu tư hạ tầng.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư tích cực cùng với chính quyền địa phương tại các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đã giải phóng mặt bằng xong hoặc đang còn tồn tại để khẩn trương thi công, bảo vệ mặt bằng và phối hợp giải quyết dứt điểm để hoàn thành bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về người cao tuổi

Tại Thông báo 385/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020; xây dựng kế hoạch sơ kết việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia và đánh giá 5 năm thực hiện Luật người cao tuổi vào cuối năm 2015. Nghiên cứu, đề xuất chính sách người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được hưởng chính sách của người cao tuổi theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 08/2009/TT-BNV ngày 9/2/2009 hướng dẫn việc thành lập Ban Công tác người cao tuổi  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 9/2014; khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu Hội quần chúng trình cấp có thẩm quyền quyết định làm cơ sở sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về Hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi theo quy định.

Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá kết quả việc thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện ưu tiên khám, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên tại các bệnh viện; thống nhất hướng dẫn sổ theo dõi sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc cấp kinh phí mừng thọ và tặng quà người cao tuổi đủ 90 tuổi và từ 100 tuổi trở lên để các địa phương tổ chức chúc thọ vào dịp đầu năm mới; phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, hướng dẫn về chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách Hội ở cơ sở nhưng không hưởng lương hưu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé, hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Triển khai các giải pháp tăng cường tiếp cận của người cao tuổi đối với phương tiện giao thông, nhà ga, bến đỗ...

Các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Luật người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; chủ trì thực hiện có hiệu quả các Đề án, dự án về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan: chuẩn bị nội dung Hội nghị tổng kết 20 năm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam thiết thực, hiệu quả; đánh giá và nhân rộng các mô hình thành công về xây dựng, củng cố và phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả, tính khả thi của Đề án “Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau”, làm cơ sở để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét./.

 

Top