Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

24/09/2014 18:00

Nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia với mục đích lựa chọn để trao giải cho những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội to lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; thông qua Giải góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội.

Theo quy định, Giải báo chí Quốc gia được tổ chức hằng năm. Năm sau chấm, tuyển chọn, thẩm định và trao giải cho các tác phẩm báo chí thực hiện trong năm trước đó.

Đối tượng tham gia Giải báo chí Quốc gia là mọi công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí đã được các cơ quan báo chí trong nước hoạt động hợp pháp, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các tác phẩm báo chí được tuyển chọn tham dự Giải báo chí Quốc gia phải đạt chất lượng cao cả về nội dung thông tin, hình thức thể hiện và hiệu quả xã hội của tác phẩm.

Hằng năm, căn cứ vào tình hình phát triển báo chí và nguồn kinh phí, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia xem xét, quyết định các loại giải phù hợp với yêu cầu phát triển của các loại hình, lĩnh vực hoạt động báo chí trong từng thời kỳ, công khai về cơ cấu giải thưởng đối với từng loại giải và mức tiền thưởng đối với các giải thưởng.

Việc tổ chức tuyển chọn, thẩm định và chấm giải do Hội đồng Giải báo chí Quốc gia quyết định.

Thu hút chuyên gia nước ngoài hoạt động KHCN tại Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Theo đó, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này nếu đáp ứng một trong các điều kiện: Có sáng chế hoặc giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam; có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam; có bằng tiến sỹ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam; có bằng tiến sỹ, đã làm việc trên 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

Căn cứ nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ và theo đề nghị của cơ quan sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định nêu trên.

Về các chính sách thu hút, theo Nghị định, người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài là đối tượng điều chỉnh của Nghị định này và thành viên gia đình họ (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được cấp thị thực nhiều lần hoặc Thẻ tạm trú với thời hạn tối đa theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được Nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc đang tạm trú tại Việt Nam được xem xét cấp Thẻ thường trú theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài chính sách thu hút về xuất nhập cảnh và cư trú nêu trên, Nghị định còn quy định chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập, về lương, nhà ở, về tiếp cận thông tin, khen thưởng, vinh danh... đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2014.

Phú Yên giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng QL1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Phú Yên tập trung giải quyết dứt điểm công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên và dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả trong tháng 9 này.

Về phương án đền bù giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên và các Bộ có liên quan xác định rõ hiện trạng bồi thường dự án ADB3 để có cơ sở tính toán bồi thường phù hợp.

UBND tỉnh Phú Yên quản lý chặt chẽ kinh phí bồi thường, đền bù, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp gian lận, gây thất thoát vốn của ngân sách nhà nước. Trong tháng 9 này, tỉnh Phú Yên dồn sức chỉ đạo cụ thể để giải phóng mặt bằng nhằm bàn giao kịp thời cho Bộ Giao thông vận tải.

Khánh Hòa cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại kéo dài

Tại Thông báo 381/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cần tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Trong quá trình xem xét, giải quyết cần kiểm tra, làm rõ nội dung vụ việc, xem xét, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, chấm dứt khiếu nại, nhất là những vụ việc kéo dài.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; đảm bảo chất lượng của từng nội dung; xác định kết quả cụ thể phải đạt được, những nhiệm vụ phải thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện.

Đồng thời nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh. Kiên quyết xử lý các hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại. Thực hành tiết kiệm chi thường xuyên, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi hành chính và các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm. Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; có phương án tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết, hợp lý để chủ động bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm./.

Top