Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

17/09/2014 17:23

Hỗ trợ 14 địa phương khắc phục hạn hán

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 234,5 tỷ đồng cho 14 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2014 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2014.

14 địa phương được hỗ trợ gồm: Lai Châu (9,9 tỷ đồng); Quảng Bình (18,3 tỷ đồng); Quảng Trị (12,7 tỷ đồng); Thừa Thiên Huế (17,2 tỷ đồng); Quảng Nam (13,1 tỷ đồng); Quảng Ngãi (23,4 tỷ đồng); Bình Định (19,1 tỷ đồng); Ninh Thuận (19,8 tỷ đồng); Bình Thuận (14,5 tỷ đồng); Long An (21,2 tỷ đồng); Trà Vinh (14,1 tỷ đồng); Cần Thơ (14,4 tỷ đồng); An Giang (15,1 tỷ đồng); Đồng Tháp (21,7 tỷ đồng).

Các địa phương phải chủ động sắp xếp bố trí ngân sách địa phương (kể cả dự phòng) để bảo đảm việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2014.

Thành lập Trường Đại học Khánh Hòa

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Khánh Hòa trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, có trụ sở chính tại TP. Nha Trang.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Dự án thành lập Trường Đại học Khánh Hòa theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị EROPA 2014

Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Nội vụ đăng cai tổ chức cuộc họp Hội đồng lần thứ 60 và Hội nghị EROPA năm 2014 từ ngày 19-24/10/2014 tại Hà Nội với chủ đề "Hành chính công và quản trị công trong kỷ nguyên hội nhập khu vực".

Tổ chức Hành chính khu vực Miền đông thế giới (EROPA) là tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoạt động với mục tiêu phát triển nền hành chính công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác trong nghiên cứu phát triển lý thuyết, cải thiện hệ thống và thực tiễn hành chính công và quản lý công của các quốc gia.

EROPA có 68 thành viên, trong đó Việt Nam là 1 trong 10 thành viên cấp nhà nước.

Rà soát, sắp xếp lại các tổ chức phối hợp liên ngành

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, lập danh mục các tổ chức phối hợp liên ngành, phân biệt với các tổ chức không thành lập và hoạt động theo Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12/3/2007.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành kiến nghị việc tổ chức lại, sắp xếp, giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành do đã hoàn thành nhiệm vụ, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của tổ chức phối hợp liên ngành do trùng lắp về nhiệm vụ quản lý nhà nước với các Bộ, ngành hoặc chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ giữa các tổ chức phối hợp liên ngành với nhau.

Kiên quyết bãi bỏ thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp

Kết luận tại cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp (đăng ký doanh nghiệp) và thủ tục đầu tư, chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và sửa đổi các quy định hiện hành theo định hướng đã được Chính phủ thông qua, theo hướng giảm 50% thời gian đăng ký thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp so với thời gian trung bình hiện nay trước ngày 31/12/2014.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát toàn diện, kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; công khai hồ sơ, quy trình nghiệp vụ thực hiện đối với từng thủ tục; giảm bớt thủ tục bắt buộc phải cấp phép, chuyển sang công bố công khai điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động đáp ứng, tuân thủ điều kiện theo quy định.

Đồng thời đa dạng hóa các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục, điều kiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi, linh hoạt cho doanh nghiệp tái cơ cấu, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh đó hoàn thiện quy trình, thủ tục giải thể doanh nghiệp bảo đảm rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Thống nhất  một đầu mối, xây dựng quy trình liên thông trong giải quyết thủ tục giải thể doanh nghiệp, thực hiện đồng thời các thủ tục quyết toán thuế và các thủ tục khác, trong đó xác định rõ trách nhiệm và thời hạn cụ thể của doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục này.

Bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, UBND các cấp, cơ quan quản lý doanh nghiệp trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện; hoàn thiện chế tài đủ sức răn đe, ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vận hành thông suốt Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, nhân rộng mô hình liên thông điện tử trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và các thủ tục hành chính khác; đẩy mạnh chia sẻ, kết nối, trao đổi trực tuyến thông tin về đăng ký thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, giảm sát, xử lý vi phạm của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động; nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định về thuế môn bài.

Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

Về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện Luật đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn theo hướng quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục đầu tư có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều Bộ, ngành, cơ quan liên quan; nguyên tắc liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận địa điểm, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án đầu tư; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, UBND các địa phương công bố công khai đến người dân, doanh nghiệp các thủ tục hành chính, thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng, các điều kiện đầu tư, kinh doanh; tăng quỹ đất có sẵn quy hoạch, hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư; khai thác hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giảm số doanh nghiệp phải tự thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng.

Các Bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; kiên quyết thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây cản trở, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư./.

Top