Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

29/08/2014 18:06

Hỗ trợ hộ nghèo miền Trung xây nhà tránh bão

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quyết định chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Chính sách này sẽ được thực hiện trong 3 năm, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ dân thuộc 14 tỉnh, thành phố.

Thực hiện chính sách trên, Ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định, có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.

Chính sách trên sẽ được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2014-2016). Năm 2014 thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng; năm 2015 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng; năm 2016 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng.

Rút ngắn quy trình ký kết điều ước quốc tế

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc rút ngắn thời gian thực hiện Quy trình ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Theo đó, quy trình đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ được thực hiện như sau: Trong thời hạn 5 năm ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà tài trợ, cơ quan đề xuất đàm phán phối hợp với cơ quan chủ quản chương trình, dự án hoàn thành hồ sơ, gửi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Văn phòng Chủ tịch nước để phối hợp.

Còn trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất, cơ quan liên quan gửi ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao để kiểm tra và Bộ Tư pháp để thẩm định.

Về quy trình kiểm tra, thẩm định, đối với các điều ước quốc tế có các quy định về pháp lý chung không khác biệt so với các điều ước quốc tế đã ký kết với cùng một nhà tài trợ thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp gửi ý kiến kiểm tra đề xuất đàm phán điều ước quốc tế cho cơ quan đề xuất.

Quy trình phê chuẩn được thực hiện như sau: 1- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan về việc phê chuẩn điều ước quốc tế, đồng thời gửi Văn phòng Chủ tịch nước để phối hợp; 2- trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan gửi ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất; 3- trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế, đồng thời gửi Văn phòng Chủ tịch nước để phối hợp; 4- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất, Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước phê chuẩn điều ước quốc tế.

Ứng trước hơn 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ứng trước kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 cho một số dự án của các Bộ và địa phương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước 7.575,095 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 đối với một số dự án của các Bộ và địa phương.

Số vốn ứng trước được thực hiện và thanh toán đến hết ngày 31/3/2015.

Đưa 5 dự án nhà máy xi măng ra khỏi quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kiến nghị của Bộ Xây dựng đưa 5 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng có quy mô công suất 910.000 tấn xi măng/năm ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, gồm: Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ, Ngân Sơn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm; bổ sung Dự án xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) công suất 2,3 triệu tấn/năm được triển khai từ đầu năm 2014, dự kiến vận hành năm 2018.

Tổ chức Olympic Sinh học Quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổ chức Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 27 năm 2016 tại Việt Nam (IBO 2016).

IBO 2016 được tổ chức tại thành phố Hà Nội trong 8 ngày (từ ngày 17/7/2016 đến hết ngày 24/7/2016) với sự tham gia của khoảng 70 đoàn đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi đoàn có khoảng 8 thành viên, gồm lãnh đạo đoàn, học sinh và quan sát viên.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia IBO 2016.

Quy hoạch phát triển vận tải biển

Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển để đảm nhiệm vận chuyển hàng hóa trong nước, giảm tải cho vận tải bằng đường bộ; đảm nhận vận chuyển phần lớn khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường biển; tham gia vận chuyển hàng hóa trên các tuyến biển xa, khu vực Bắc Âu, Nam Mỹ. Khôi phục tuyến vận tải hành khách trên trục Bắc - Nam vào thời gian thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Theo Quy hoạch, tổng khối lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng từ 140 đến 152 triệu tấn, trong đó vận tải biển quốc tế đạt khoảng từ 40 đến 46 triệu tấn, vận tải biển trong nước đạt khoảng từ 100 đến 106 triệu tấn.

Tổng trọng tải đội tàu hàng vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng từ 6,84 đến 7,52 triệu tấn (DWT).

Nhu cầu bổ sung đội tàu đến năm 2020 khoảng từ 1,38 đến 2,12 triệu tấn; nhu cầu bổ sung sức chở đội tàu khách du lịch, tàu khách ven biển ra đảo khoảng 14.000 ghế ngồi.

Tổng kinh phí đầu tư cho phát triển đội tàu từ nay đến năm 2020 khoảng từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng (khoảng từ 1,0 đến 1,5 tỷ USD), chủ yếu do các doanh nghiệp tự huy động từ các nguồn vốn hợp pháp.

Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2020, đào tạo và bồi dưỡng đạt khoảng 42.000 sỹ quan, thuyền viên.

Một trong các giải pháp thực hiện Quy hoạch là đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là thủ tục hành chính tại các cảng biển và thủ tục đăng ký tàu biển; nhanh chóng triển khai ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong hoạt động hàng hải (cảng vụ điện tử, hải quan điện tử...), thực hiện chính sách một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng biển.

Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu để xây dựng, phát triển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm nòng cốt trong lĩnh vực vận tải biển và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy làm nòng cốt trong lĩnh vực công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển.

Xây dựng Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sa Pa

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương xây dựng Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sa Pa và điểm du lịch quốc gia thành phố Lào Cai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Lào Cai lập quy hoạch gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và trình duyệt theo quy định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, bố trí vốn trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2015 để thực hiện.

Theo dự kiến, quy hoạch khu du lịch Sa Pa bao gồm thị trấn Sa Pa và các vùng phụ cận; trong đó đô thị trung tâm Sa Pa được chia làm 9 phân khu chính, bao gồm khu vực đô thị trung tâm với quy mô dân số dự kiến là 13.000 người, diện tích đất tự nhiên 363ha, được phân theo các khu: khu vực đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; khu du lịch núi Hàm Rồng; khu du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; khu nông nghiệp sinh thái cảnh quan; khu đô thị Ô Quý Hồ; khu vực sản xuất nông nghiệp đặc hữu; khu lâm viên và khu vực rừng bảo tồn Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Bảo tồn, tôn tạo những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang. Quy hoạch được thực hiện trên địa bàn 4 huyện là Yên Thế,  Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Diện tích quy hoạch tổng thể mang tính liên vùng tỷ lệ 1/10.000, tổng cộng là 23.099,7 ha. Diện tích đất quy hoạch tổng cộng là 92,6925 ha, bao gồm 23 điểm thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế và 18 điểm di tích khác có liên quan mật thiết đến phong trào Khởi nghĩa  Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang.

1.720 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm

Theo Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cả nước có 1720 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Trong đó các tỉnh, thành phố có số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhiều gồm Thành phố Hồ Chí Minh 241 cơ sở; tỉnh Bình Dương 178 cơ sở; thành phố Hà Nội 176 cơ sở; tỉnh Đồng Nai 106 cơ sở; tỉnh Quảng Ninh 98 cơ sở; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 89 cơ sở, tỉnh An Giang 69 cơ sở...

4 tỉnh không có cơ sở nào sử dụng năng lượng trọng điểm là Bắc Kạn, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bạc Liêu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP  và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cập nhập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Báo cáo tình hình thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính đất đai

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội được các địa phương triển khai từ năm 2012 đến nay.

Qua đó làm rõ tiêu chí hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ.

Đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tổ chức bảo vệ thi công trong những trường hợp người dân cố tình cản trở thi công, không để việc chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cần tăng cường giao ban tại công trường; xem xét việc tăng tạm ứng cho các nhà thầu; các Bộ, ngành liên quan, trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải, cần tiếp tục hỗ trợ, cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và VIDIFI tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ cuối năm 2014 hoàn thành đoạn Hải Phòng (đường 353) - quốc lộ 10, tháng 7/2015 hoàn thành đoạn quốc lộ 10 - Hưng Yên, cuối năm 2015 hoàn thành đưa vào sử dụng toàn bộ Dự án.

Để đáp ứng tiến độ nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tổ chức bảo vệ thi công trong những trường hợp người dân cố tình cản trở thi công, không để việc chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

VIDIFI có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ lực lượng lao động, máy móc, thiết bị của các nhà thầu theo đúng hợp đồng xây lắp; có giải pháp đánh giá, xử lý trách nhiệm của các nhà thầu chậm tiến độ./.

Top