Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

25/12/2014 18:00

Chế độ lao động của thuyền viên tàu biển

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thuyền viên, chủ tàu, các tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam.

Nghị định quy định chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam gồm: Hợp đồng lao động thuyền viên; tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết; hồi hương; thực phẩm và nước uống; chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên trên tàu và trên bờ; trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp;...

Trong đó, về hợp đồng lao động thuyền viên, trước khi làm việc trên tàu biển, chủ tàu và thuyền viên phải ký hợp đồng lao động thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không trực tiếp ký kết hợp đồng lao động thuyền viên thì ủy quyền bằng văn bản cho người đại diện thực hiện. Việc ký kết, ủy quyền, thực hiện lao động thuyền viên theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định này và văn bản có liên quan.

Ngoài những nội dung cơ bản được quy định tại Bộ Luật lao động, hợp đồng lao động thuyền viên phải có thêm các nội dung: Việc hồi hương của thuyền viên; bảo hiểm tai nại; tiền thanh toán nghỉ hằng năm; điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động thuyền viên.

Hợp đồng lao động thuyền viên, các phụ lục, tài liệu liên quan được làm bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có giá trị pháp lý như nhau.

Thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp, chủ tàu có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả gồm điều trị y tế, phẫu thuật, nằm viện, các loại thuốc, trang thiết bị điều trị cần thiết, chi phí ăn, ở của thuyền viên từ khi sơ cứu đến khi thuyền viên bình phục hoặc đến khi xác định là mãn tính.

Bên cạnh đó, trả đủ tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thuyền viên trong thời gian điều trị; thanh toán chi phí mai táng trong trường hợp thuyền viên bị tử vong trên tàu hoặc trên bờ trong thời gian đi tàu.

Chủ tàu không phải thanh toán chi phí cho thuyền viên trong trường hợp: Bị thương xảy ra ngoài thời gian đi tàu; bị thương, bị ốm do hành vi cố ý của thuyền viên.

Không để xảy ra đình công không đúng trình tự thủ tục quy định

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 96 - KL/TW ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Mục tiêu của Chương trình hành động là nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Kết luận số 96-KL/TW ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động; hoàn thiện các thiết chế về quan hệ lao động; củng cố và nâng cao năng lực của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Phấn đấu đến năm 2020 quan hệ lao động trong doanh nghiệp ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện; trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của người lao động được nâng cao; tranh chấp lao động và đình công giảm, không để xảy ra đình công không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tập trung vào những nội dung thường xảy ra tranh chấp

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những nội dung thường xảy ra tranh chấp và những doanh nghiệp còn nhiều hạn chế yếu kém trong việc chấp hành pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, đào tạo và nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.

Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh trật tự cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư; quản lý chặt chẽ các đối tượng, xử lý nghiêm minh các trường hợp quá khích, cầm đầu xúi giục, kích động gây rối an ninh trật tự.

Xử lý kịp thời hành vi trốn đóng BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, phát hiện và đề nghị xử lý kịp thời các hành vi nợ, gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nội dung như tuyển dụng, sử dụng lao động, chính sách tiền lương, tiền thưởng, an toàn và vệ sinh lao động, thực hiện quy chế dân chủ cơ cở tại nơi làm việc; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể...

Thay đổi mức hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia BHTN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.

Hỗ trợ học nghề và tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để nhanh chóng trở lại thị trường lao động là rất cần thiết. Chính vì vậy, thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp. Trong đó, ngày 3/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Quyết định này quy định người tham gia các khoá học nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Còn người tham gia các khoá học nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng.

Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện hỗ trợ nghề theo quy định trên đã phát sinh một số vấn đề khó khăn về mức hỗ trợ, xuất hiện sự bất bình đẳng giữa người tham gia các khóa học... Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định mới quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với một mức hỗ trợ học nghề duy nhất.

Cụ thể, theo quy định tại quyết định mới, mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

Mức hỗ trợ học nghề được áp dụng kể từ ngày 1/1/2015.

Quyết định nêu rõ, đối với người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trước ngày 1/1/2015 và có nhu cầu học nghề sau ngày 1/1/2015 thì được áp dụng các quy định trên. Còn người lao động đã có quyết định hỗ trợ học nghề trước ngày 1/1/2015 thì không được áp dụng các quy định trên.

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

36 phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, có 36 phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE) dạng xốp, không cứng; giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn;...

Quyết định này áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và không áp dụng đối với hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh phế liệu qua lãnh thổ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các loại phế liệu thuộc Phụ lục Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/2/2015.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tới Lễ kỷ niệm 10 năm sự kiện sóng thần Thái Lan

Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ tổ chức buổi Lễ kỷ niệm với chủ đề “10 năm tưởng nhớ Sự kiện sóng thần Ấn Độ Dương” vào các ngày 26-27/12/2014 tại tỉnh Phang Nga, Thái Lan.

Thủ tướng Chính phủ gửi thông điệp tới Lễ kỷ niệm này với nội dung: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam chia sẻ sâu sắc với Chính phủ, nhân dân Thái Lan và các nước về những mất mát của thảm họa sóng thần cách đây 10 năm, đánh giá cao những nỗ lực to lớn khắc phục hậu quả. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác phòng, chống hiệu quả với thiên tai”.

Thái Lan là một trong 4 nước chịu tổn thất nặng nề nhất do thảm họa sóng thần năm 2004 với hơn 11.000 người thiệt mạng và mất tích.

Điều chỉnh quy hoạch các KCN của 31 địa phương

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 của 31 tỉnh, thành phố.

31 tỉnh, thành phố trên gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý đưa ra khỏi quy hoạch 5 KCN và giảm diện tích 6 KCN chưa được thành lập tại 5 tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bến Tre và Tiền Giang; giảm diện tích 16 KCN đã được thành lập tại 9 tỉnh, thành phố gồm Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, An Giang và Cần Thơ; điều chỉnh tăng diện tích 4 KCN đã được thành lập tại 3 tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Đồng Tháp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư vào các KCN; 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN thấp nhất, định kỳ 6 tháng/lần có báo cáo về tình hình thu hút đầu tư gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương trình đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020 của các tỉnh, thành phố còn lại; theo dõi và hỗ trợ các địa phương trong việc thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các KCN theo quy hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập KCN.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn và xử lý dứt điểm tình trạng KCN chậm triển khai, kém hiệu quả, các dự án đầu tư trong KCN chậm triển khai, vi phạm pháp luật.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy hoạch chi tiết, môi trường, đất đai tại các KCN; thực hiện tốt công tác phổ biến quy hoạch, hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân thu hồi đất.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN và cụm công nghiệp, định kỳ rà soát, đảm bảo việc phát triển các KCN trên địa bàn tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt.

Về xử lý nước thải tập trung tại các KCN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố còn KCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung lập phương án, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các địa phương trên.

Chưa thi công lại công trình thủy điện Đa Dâng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 10356/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chưa cho phép thi công lại công trình thủy điện Đa Dâng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ thuật nhằm xác định các nguyên nhân gây nên sự cố; trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng công trình; các giải pháp khắc phục và các điều kiện mà chủ đầu tư phải đáp ứng để được phép thi công lại.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi cơ quan có thẩm quyền cho phép thi công trở lại công trình thủy điện Đa Dâng.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo chủ đầu tư công trình thủy điện, doanh nghiệp có các công nhân bị nạn hỗ trợ kịp thời để giải quyết một phần các khó khăn cho các gia đình công nhân bị nạn.

Đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các Sở, ban ngành của tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý đầu tư và quản lý chất lượng xây dựng trong quá trình thực hiện đầu tư công trình thủy điện Đa Dâng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác cứu nạn vừa qua, đề xuất các giải pháp, các bài học kinh nghiệm để thực hiện giải quyết các sự cố tương tự nếu có xảy ra trong tương lai. Đề xuất việc khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo các quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng.

Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất quy chế phối hợp ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó lưu ý công tác tổ chức chỉ huy điều hành trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Trên cơ sở rà soát danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, đề xuất việc mua sắm bổ sung các trang thiết bị chuyên dụng cần thiết cho công tác ứng cứu sập đổ hầm lò, công trình ngầm để nâng cao năng lực ứng cứu cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Để ngăn ngừa sự cố tương tự, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi thi công các hầm lò, công trình ngầm.

Thành lập Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm và quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong các vùng Kinh tế trọng điểm theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm của từng vùng với thành viên là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Kinh tế trọng điểm.

Chủ tịch Hội đồng vùng do các thành viên Hội đồng đảm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ theo hình thức luân phiên với nhiệm kỳ từ 1-2 năm; riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nghiên cứu cơ cấu phù hợp với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào Hội đồng vùng trên cơ sở sự thống nhất của các địa phương trong vùng này.

Bộ phận giúp việc cho Hội đồng vùng sử dụng bộ máy, biên chế của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hình thức tham gia trong Hội đồng vùng với tư cách là thành viên của Hội đồng; giữ nguyên tổ chức điều phối cấp Trung ương. Kiện toàn tổ chức Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đảm bảo đủ nhân lực để thực hiện chức năng chỉ đạo, theo dõi kiểm tra và điều phối hoạt động liên kết của các vùng Kinh tế trọng điểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong từng vùng Kinh tế trọng điểm, giữa các vùng và với các Bộ, ngành và Ban Chỉ đạo nhằm xác định các vấn đề liên vùng cần xử lý, khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, chồng chéo, không có tính hỗ trợ lẫn nhau. Các địa phương, Bộ, ngành, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới Văn phòng Ban Chỉ đạo phục vụ công tác chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của chức danh Chủ tịch Hội đồng vùng trong mô hình tổ chức điều phối và quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong các vùng Kinh tế trọng điểm.

Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, các vùng Kinh tế trọng điểm đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 90%, thu ngân sách nhà nước chiếm trên 89% và thu hút đầu tư FDI chiếm 82% số vốn cả nước... đã trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của các vùng, lãnh thổ, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các vùng và cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hình thức nên hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các việc có tính chất liên vùng; việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa có tính lâu dài, phạm vi liên kết hạn chế, tổ chức triển khai các liên kết chậm, chưa thực sự kết nối và phát huy được tiềm năng phát triển của các vùng./.

Top