Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

22/11/2014 14:20

Tăng mức phạt xe quá tải

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó sẽ tăng mức phạt đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải.

Cụ thể, theo quy định hiện đang áp dụng tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì chỉ có 1 khung phạt từ 5-7 triệu đồng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Còn theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP vừa ban hành thì hành vi này được tách ra thành 2 khung phạt.

Cụ thể, ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).

Phạt đến 8 triệu đồng nếu điều khiển xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu.
Tương tự, hành vi điều khiểm xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường cũng được Nghị định 107/2014/NĐ-CP tách thành 2 khung phạt.

Cụ thể, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 3 tháng.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2015.

----------

Mức đóng, hỗ trợ bảo hiểm y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, Nghị định quy định đối tượng, mức đóng, mức hỗ trợ bảo hiểm y tế…

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Nghị định quy định ngoài đối tượng quy định tại Khoản 1,2,3, 4 và Khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế, các đối tượng khác quy định tại Khoản 6 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế gồm:

1- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ (Chính phủ) về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

2- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

Về mức đóng bảo hiểm y tế, Nghị  định quy định từ ngày 1/1/2015, mức đóng Bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng như sau:

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (người lao động) mức đóng bảo hiểm bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động.

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng cũng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản.

Còn mức đóng của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là 4,5% mức lương cơ sở.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì mức đóng bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.

Riêng người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế.

Nghị định cũng quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp…

Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo; hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

Người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế.

----------

Quy chế bảo vệ cảng biển, luồng hàng hải

Chính phủ vừa ra Nghị  định ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi gây cản trở, làm ảnh hưởng đến an toàn trong quản lý, khai thác công trình hàng hải.

Cụ thể, Nghị định quy định các hành vi bị cấm trong bảo vệ công trình hàng hải gồm: Phá hủy, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải; nổ mìn và các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được phép; thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải; xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; khai thác đánh bắt thủy hải sản trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải...

Theo Nghị định, phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng được tính từ rìa ngoài cùng của công trình đến hết giới hạn phía ngoài của vùng nước trước bến cảng, cầu cảng.

Còn phạm vi bảo vệ công trình cảng dầu khí ngoài khơi được giới hạn bởi vành đai an toàn có chiều rộng 500 m tính từ điểm nhô ra xa nhất của công trình cảng dầu khí ngoài khơi và vùng cấm hành hải, thả neo có chiều rộng 2 hải lý tính từ vị trí tọa độ của công trình cảng dầu khí ngoài khơi.

Phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được tính từ vị trí của tâm rùa neo phao báo hiệu luồng hàng hải ra hai bên luồng được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật luồng hàng hải.

Nghị định nêu rõ, đối với công trình hàng hải đã đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định có hiệu lực (1/1/2015) và chưa có nội dung về phạm vi bảo vệ thì tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình trước ngày 31/12/2015.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ, việc quản lý khai thác, sửa chữa và bảo vệ công trình hàng hải phải tuân theo quy định có liên quan của pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải có phương án bảo vệ công trình.

----------

Một số Hiệp định hợp tác với nước ngoài

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt  Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Đông U-ru-goay về Hợp tác khoa học và công nghệ.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị phê duyệt "Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Đông U-ru-goay về Hợp tác khoa học và công nghệ", ký tại Hà Nội, Việt Nam ngày 15/6/2010.

Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao tiến hành các thủ tục đối ngoại để Hiệp định chính thức có hiệu lực. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Hiệp định.

* Chính phủ cũng vừa quyết nghị thông qua Dự thảo Hiệp định Vận tải biển giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma.

Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải thay mặt Chính phủ ký Hiệp định nêu trên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải các nước ASEAN (ATM) lần thứ 20 tổ chức tại Mi-an-ma từ ngày 27-28/11/2014.

* Thủ tướng Chính phủ  đồng ý nội dung dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.

Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thay mặt Chính phủ Việt Nam ký chính thức Hiệp định với đại diện có thẩm quyền của Chính phủ Liên bang Nga.

----------

Chuyển giao Cảng Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa quản lý

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án chuyển giao Cảng Nha Trang về UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo hướng dẫn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Cảng Nha Trang theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hướng dẫn Vinalines và UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận phần vốn nhà nước do Vinalines đang làm đại diện chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Cảng Nha Trang; đồng thời hướng dẫn UBND tỉnh Khánh Hòa thanh toán kinh phí cho Vinalines theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm tiếp tục bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại Công ty cổ phần Cảng Nha Trang sau khi tiếp nhận; quản lý, khai thác, sử dụng cảng Nha Trang phù hợp với các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.

----------

Kiểm tra việc giao đất sản xuất nông lâm nghiệp tỉnh Bình Phước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất sản xuất nông lâm nghiệp cho các đối tượng có liên quan trên địa bàn; đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh Bình Phước thực hiện nghiêm túc văn bản số 586/VPCP-KTN ngày 24/1/2014 về việc rà soát các dự án chuyển đổi rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, báo Tuổi trẻ đã  đăng loạt bài phản ánh về việc cấp đất rừng trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo báo Tuổi trẻ phản ánh, trong khi rất nhiều người dân thiếu đất sản xuất nhưng không tìm ra quỹ đất mới thì một số cán bộ, vợ, con... giám đốc các sở, ngành của tỉnh Bình Phước lại được “ban phát” hàng chục hecta đất rừng để trồng cao su.

Top