Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

30/10/2014 17:48

3 tiêu chí Hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định quy định tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ tiền điện, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Theo Quyết định vừa ban hành, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện thuộc diện trên là hộ đáp ứng được một trong 3 tiêu chí sau: 1- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới; 2- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật sống ở vùng chưa có điện lưới; 3- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.

Quyết định nêu rõ, trường hợp hộ có nhiều thành viên hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc thuộc diện được hỗ trợ tiền điện theo các chính sách khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện cao nhất.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014.

Hộ chính sách xã hội theo quy định trên được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện từ ngày 1/6/2014, thời điểm Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg có hiệu lực./.

Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2014-2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu chung là củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là nâng cao năng lực của lực lượng chuyên ngành để có đủ khả năng kiểm soát cháy rừng, giảm nguy cơ cháy rừng, chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể là nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức phát hiện sớm và thông báo kịp thời, chính xác điểm cháy rừng thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám; tăng cường, củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành từ trung ương đến địa phương;

Đồng thời, tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp, ưu tiên xây dựng lực lượng chữa cháy rừng đủ mạnh để ứng phó với thảm họa cháy rừng cấp quốc gia.

Theo đó, Đề án sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng tại Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) và kết nối thành hệ thống đến từng địa phương, nâng cấp hệ thống phát hiện sớm lửa rừng, bao gồm xác định điểm cháy trên diện rộng (bằng ảnh viễn thám) đặt tại Cục Kiểm lâm và tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao (bằng hệ thống quan sát quang học);

Cùng với đó  là củng cố, kiện toàn tổ chức cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành của Kiểm lâm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ quản lý, kỹ thuật; cán bộ phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của chính quyền các cấp, các ngành có liên quan; xây dựng mô hình quản lý lửa rừng thống nhất và hiệu quả...

Nhiều ưu đãi khuyến khích hoạt động KHCN trong trường đại học

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, đối tượng được ưu tiên đầu tư gồm: Cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng, các đại học, trường đại học trọng điểm; Cơ sở giáo dục đại học đóng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng; Cơ sở giáo dục đại học đáp ứng các điều kiện quy định, có các chương trình nghiên cứu liên quan đến sản phẩm quốc gia, hướng nghiên cứu ưu tiên của Nhà nước.

Các cơ sở giáo dục đại học trên được ưu tiên đầu tư nếu đáp ứng 4 điều kiện:

1- Có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu, có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, có tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên đạt 25% trở lên.

2- Hoàn thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao; kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong 3 năm liên tiếp được đánh giá xếp loại tốt trở lên.

3- Có doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học, có nhiều ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.  

4- Tiến hành hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ có hiệu quả, có nhiều công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Nguồn vốn đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục đại học; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia, bộ, ngành, doanh nghiệp; nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn hợp pháp khác.

Nhằm khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học, Nghị định quy định, giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm và các hợp đồng thực hiện tại miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các giảng viên này còn được thưởng tiền không quá 30 lần mức lương cơ sở chung nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE. Ngoài ra, được hỗ trợ 50% phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả và được tính tương đương 20 giờ giảng dạy lý thuyết nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học có thang điểm 1 trong danh mục của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

Ngoài ra, theo Nghị định, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế khi: Đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học bằng lợi nhuận trước thuế hoặc bằng lợi nhuận sau thuế; đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học bằng thu nhập trước thuế hoặc bằng thu nhập sau thuế; nhập khẩu trang thiết bị, máy móc nguyên vật liệu để đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học…

Quy hoạch hệ thống xử lý nước thải khu dân cư, KCN lưu vực sông Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 với phạm vi quy hoạch là toàn bộ diện tích lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (khoảng 47.000 km2) thuộc ranh giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố.

Theo quy hoạch, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được chia thành 7 vùng tiêu thoát nước bao gồm: 2 vùng tiêu là sông La Ngà, sông Bé áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy hoàn toàn và 5 vùng tiêu là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây (1 phần khu vực tỉnh Long An), các sông nhỏ ven biển có địa hình thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy kết hợp với tiêu động lực. 

Về quy hoạch thoát nước mưa, các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước bảo đảm thoát nước nhanh và triệt để; cải tạo, xây dựng mới các hồ điều hòa, trạm bơm và các trục thoát nước chính trong đô thị. Đối với khu vực nông thôn lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống thuỷ lợi và điều kiện của địa phương. Còn các khu công nghiệp nước mưa được thoát trực tiếp ra sông, kênh, mương, hồ theo quy hoạch.

Về các giải pháp thoát nước và xử lý nước thải, Quyết định nêu rõ, đối với các đô thị từ loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung, đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung hiện có và xây dựng mới hệ thống thoát nước nửa riêng (gồm cống bao, giếng tách dòng,...) để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung. Các đô thị mới, đô thị loại IV, V từng bước xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải. Nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung và được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Tại các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Dự kiến xây dựng 51 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị từ loại III trở lên thuộc phạm vi lưu vực hệ thống sông Đồng Nai với công suất đến năm 2020 là 2.502.800 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 4.181.500 m3/ngày đêm.

Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020 khoảng 99.100 tỷ đồng đến năm 2030 khoảng 69.200 tỷ đồng (được huy động từ nhiều nguồn khác nhau).

Tăng cường kiểm tra, giám sát thu nhập của cán bộ quản lý  DNNN

Tại văn bản 8505/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai tiền lương, thu nhập của viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, quy trình, thủ tục về chính sách lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước làm chủ sử hữu và Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của viên chức quản lý và người đại diện phần vốn Nhà nước làm cơ sở để xác định mức tiền lương, tiền thưởng của các chức danh này, trình Chính phủ trong quý I/2015.

Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Kết luận tại cuộc họp về Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thiện báo cáo Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất theo hướng làm rõ nội dung tính cấp thiết của dự án, có đánh giá và so sánh tính hiệu quả của các phương án nâng cấp và nâng cấp mở rộng; phân tích, làm rõ số liệu tính toán hiệu quả của các phương án có ưu đãi đầu tư và không ưu đãi đầu tư cho dự án trước và sau khi nâng cấp mở rộng.

Đồng thời cập nhật, xem xét đánh giá việc bổ sung nội dung đầu tư xây dựng kho dữ trữ dầu thô tại Dung Quất vào Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thiện Dự án đầu tư, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 15/11/2014 để thẩm tra theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì thành lập Hội đồng có sự tham gia của các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Ngãi để thẩm tra Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11/2014.

Bộ Công Thương hướng dẫn tỉnh Quảng Ngãi trong việc triển khai các dự án nhiệt điện, dầu khí trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các quy định trong đầu tư, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành.

UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ động rà soát các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng theo trách nhiệm của địa phương, trong đó dự kiến phương án di dân, tái định cư, đền bù để có cơ sở triển khai sớm sau khi Dự án được duyệt.

Quản lý cấp nước khu đô thị mới, nhà chung cư

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý cấp nước đối với khu đô thị mới, nhà chung cư tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và các quy định hiện hành về quản lý sử dụng nhà chung cư.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế tổ chức đánh giá việc thực hiện kiểm soát chất lượng nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc có lộ trình triển khai phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội thường xuyên kiểm tra việc quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt trong hoạt động khai thác nước ngầm.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và khắc phục tình hình cấp nước ở khu chung cư Nam Đô, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, ngoài chất lượng nước ở khu chung cư Nam Đô chưa đạt chuẩn thì ở nhiều khu đô thị khác, dịch vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng còn hạn chế./.

Top