Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

25/10/2014 13:38

Quy định thành lập tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Nghị định 98/2014/NĐ-CP ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm thực hiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục hoàn thiện pháp luật để doanh nghiệp phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo Nghị định, doanh nghiệp có từ 3 người lao động là đảng viên chính thức trở lên đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc thành lập và hoạt động tổ chức Đảng tại doanh nghiệp được thực hiện như sau: Nếu doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng, tổ chức Đảng tại doanh nghiệp tiến hành rà soát số người lao động là đảng viên đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên trong doanh nghiệp đang sinh hoạt đảng ở nơi khác và đề nghị cấp ủy đảng cấp trên chuyển số người lao động là đảng viên đó về sinh hoạt tại tổ chức Đảng của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở nơi doanh nghiệp hoạt động tiến hành rà soát khi có đủ từ 3 người lao động là đảng viên chính thức đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên trong doanh nghiệp đang sinh hoạt đảng ở nơi khác, tiến hành chuyển số đảng viên đó về tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, phối hợp với doanh nghiệp làm các thủ tục thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 người lao động là đảng viên chính thức, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chuyển số lao động là đảng viên đó về tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, quyết định lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng viên của tổ chức Đảng cấp trên cơ sở về sinh hoạt và lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp; chi bộ ghép có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng ở doanh nghiệp, khi có đủ 3 người lao động là đảng viên chính thức làm việc cùng doanh nghiệp, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp chưa có người lao động là đảng viên, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chỉ đạo cấp ủy đảng cơ sở nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn, kết nạp đảng viên, khi đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp.

Chậm nhất sau 6 tháng thành lập, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn

Theo Nghị định, doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Nghị định nêu rõ, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

Sau thời gian quy định trên, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

Phạt tiền tỷ với VPHC trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, từ ngày 12/12/2014, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ bị phạt nặng với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Theo Nghị định này, vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm các vi phạm quy định về: quản lý và sử dụng giấy phép; tổ chức, quản trị, điều hành; cổ phần, cổ phiếu; huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ; cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng; hoạt động thông tin tín dụng; hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ; mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản; bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; bảo hiểm tiền gửi; phòng, chống rửa tiền; chế độ thông tin, báo cáo; cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP được áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đặc biệt là những hành vi vi phạm gây mất an toàn, vi phạm dễ ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ sẽ bị áp dụng mức xử phạt nặng như vi phạm về quản lý và sử dụng giấy phép; vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; vi phạm về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng…

Cụ thể, Nghị định này quy định đối với hành vi hoạt động không có giấy phép (trừ một số trường hợp quy định) và chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hành nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Đồng thời, phạt tiền từ 500 – 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt từ 400-450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi, Nghị định quy định mức phạt tới 150 triệu đồng đối với hành vi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền có thể bị phạt lên đến 250 triệu đồng.

Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm khi thực hiện công việc của cá nhân thuộc quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định trên; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân thuộc quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo

Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu đến năm 2020, phát triển mạng viễn thông cố định và di động băng rộng, phủ sóng truyền hình số để cung cấp các dịch vụ viễn thông và truyền hình số tới các xã khu vực biên giới biển, các huyện đảo, các vùng biển có bán kính 100 km tính từ bờ. Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ phát thanh trên biển phục vụ ngư dân.

Đến năm 2020, bảo đảm 100% các xã khu vực biên giới biển, các xã đảo có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng và được trang bị hệ thống truyền thanh cơ sở.

Về mạng viễn thông công cộng, phát triển mạng truy nhập băng rộng đến hộ gia đình, mở rộng vùng phủ sóng để cung cấp dịch vụ thông tin băng rộng cho các cá nhân, tổ chức ở mọi nơi, mọi lúc tại các xã biên giới biển, 12 huyện đảo, các đảo có diện tích trên 10 km2 và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, độ cao ăng ten để mở rộng phạm vi phủ sóng cung cấp dịch vụ thông tin di động tại vùng biển Việt Nam đạt tầm phủ sóng 100 km tính từ bờ, các khu neo đậu tầu thuyền, các ngư trường đánh bắt hải sản truyền thống, các vùng biển có hoạt động kinh tế biển.

Tiếp tục phát tiển mạng VSAT băng rộng trên cơ sở sử dụng các vệ tinh Vinasat để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân tại vùng biển, đảo; xây dựng các tuyến cáp quang từ đất liền ra đảo, liên đảo và nội đảo, các tuyến viba băng rộng tại các huyện đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch và an ninh, quốc phòng.

Cũng theo Quyết định, sẽ phát triển mạng truyền hình số mặt đất, truyền hình vệ tinh (DTH) và truyền hình cáp, IPTV để cung cấp các dịch vụ truyền hình chất lượng cao, đa dạng tại các huyện đảo, các đảo có diện tích trên 10 km2.

Nghiên cứu, xây dựng hạ tầng để cung cấp dịch vụ truyền hình di động trên vùng biển của Việt Nam phục vụ người dân hoạt động trên biển.

Hỗ trợ ngư dân các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị đầu cuối, thiết bị tích hợp lắp trên tàu cá để nhận thông tin thời tiết, dự báo ngư trường từ các trạm bờ gửi ra và gửi các thông tin vị trí tàu cá, tình hình an ninh trên biển về cho trạm bờ; máy thu thanh có độ nhạy cảm cao, máy ICOM liên lạc tầm xa và thiết bị thu xem truyền hình di động vệ tinh kỹ thuật số.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Tổng cục Lâm nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Quyết định này, Tổng cục Lâm nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái rừng trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về lâm nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật…

Về cơ chế tổ chức, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp có 15 đơn vị. Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp có 9 tổ chức giúp việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế, Thanh tra; Vụ Bảo tồn thiên nhiên; Vụ Phát triển rừng; Vụ Quản lý sản xuất Lâm nghiệp; Văn phòng Tổng cục; Cục Kiểm lâm (có các Chi cục Kiểm lâm: Vùng I, II, III, IV); Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (có đại diện CITES phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, Tổng cục có 6 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gồm: Vườn quốc gia Tam Đảo; Vườn quốc gia Ba Vì; Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Bạch Mã; Vườn quốc gia Cát Tiên; Vườn quốc gia YokDon. (Theo quy định cũ tại Quyết định 04/2010/QĐ-TTg thì Tổng cục Lâm nghiệp có 7 đơn vị sự nghiệp gồm 6 Vườn quốc gia kể trên và Viện Điều tra, Quy hoạch rừng).

Tổng cục Lâm nghiệp có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi

Theo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Thủy lợi có 11 đơn vị, gồm: 1- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 2- Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; 3- Vụ Pháp chế, Thanh tra; 4- Vụ Quản lý xây dựng cơ bản; 5- Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn; 6- Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập; 7- Vụ Quản lý đê điều; 8- Văn phòng Tổng cục (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); 9- Cục Phòng, chống thiên tai (có Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên và Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam); 10- Trung tâm Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; 11- Trung tâm tư vấn và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi.

Tổng cục Thủy lợi có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản

Theo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy sản trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về thủy sản theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Thủy sản có 11 đơn vị, gồm: 1- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 2- Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; 3- Vụ Pháp chế, Thanh tra; 4- Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản; 5- Vụ Nuôi trồng thủy sản; 6- Vụ Khai thác thủy sản; 7- Văn phòng Tổng cục (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); 8- Cục Kiểm ngư (có các Chi cục Kiểm ngư vùng); 9- Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; 10- Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản; 11- Trung tâm Thông tin thủy sản.

Tổng cục Thủy sản có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng./.

Top