Hà Nội

Thông tin báo chí thứ 2 về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

23/11/2015 19:18

Hướng dẫn luật đầu tư: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài

Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài như về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp:

1- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

2- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc trường hợp 1, 2 nêu trên thực hiện theo thủ tục sau:  Nhà đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thông báo cho nhà đầu tư.

Sau khi nhận được thông báo theo quy định, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước thời điểm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Công bố điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Liên quan đến quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, ngoài quy định về công bố điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng chung, Nghị định 118/2015/NĐ-CP có điều khoản riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, tập hợp các ngành, nghề và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư và ngành, phân ngành dịch vụ  để công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.

Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố theo quy định gồm những nội dung: Ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; căn cứ áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; nội dung điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; các ngành, phân ngành dịch vụ.

Nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK). Trong đó, Đề án sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK tại cửa khẩu nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, các quy trình, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa NK, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; góp phần bảo vệ an toàn kinh tế, an ninh quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, của doanh nghiệp và của quốc gia.

Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XK, NK hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước; giảm thời gian thông quan hàng hóa XK, NK ngang bằng với các nước ASEAN-6: (Năm 2016: dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu; đến năm 2020 còn dưới 05 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu).

Bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước

Đồng thời, Đề án tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa NK (nhất là những mặt hàng nhà nước không khuyến khích nhập khẩu); bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực hoạt động kiểm tra chuyên ngành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu./.

 

Top