Hà Nội

Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014

(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (30/6 và 1/7), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2014. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về phiên họp này.

01/07/2014 18:22

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 6/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 2 ngày từ 30/6 đến 1/7/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2014. Phiên họp được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm; thảo luận và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Phiên họp Chính phủ diễn ra với bối cảnh đặc biệt - từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc bất chấp đạo lý và pháp lý, luật pháp quốc tế; thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, đưa trái phép giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt - Trung, tác động tiêu cực đến việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.

I/ KINH TẾ - XÃ HỘI

Không thay đổi mục tiêu điều hành phát triển KT-XH năm 2014

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết tâm, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra từ đầu năm. “Không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế xã hội

Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng,  cùng có lợi. “Việt Nam hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.  “Các biện pháp bảo đảm nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào một thị trường nhất định đã được nêu ra trong nội dung Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế” - Thủ tướng cho biết.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tính toán các phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành, các cấp nắm chắc diễn biến tình hình, bám sát yêu cầu thực tiễn, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

- Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, chú trọng giải phóng mặt bằng, tái định cư, bố trí vốn đối ứng. Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, qua đó góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

- Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp hiệu quả khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ cho ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá.

Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chi hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư.

- Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

- Triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, chủ động có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh và phúc lợi xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân như thuế, hải quan, tín dụng, đất đai... Thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh,  bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản.

- Tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định TPP, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc và với các đối tác khác.

- Chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong triển khai thực hiện.  

- Các Bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo đánh giá sát đúng tình hình, kết quả năm 2014 để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, bảo đảm phù hợp, khả thi.

Tại phiên họp này, qua kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, ý kiến thảo luận, đánh giá của các thành viên Chính phủ, ý kiến phát biểu của 22 lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp trên Biển Đông nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt hơn trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP tăng ổn định qua các quý (quý II đạt 5,25%, cao hơn mức 5,09% của quý I); 6 tháng đạt 5,18%, cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ 2013); giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,38% so với tháng 12/2013, thấp nhất trong 13 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu; cán cân thanh toán thặng dư. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức như tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; xử lý nợ xấu chậm; tốc độ tăng tổng cầu thấp, sức mua chậm phục hồi…

Các ý kiến của Bộ, ngành, địa phương đều thống nhất với đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhất trí với các định hướng chỉ đạo điều hành trong 6 tháng cuối năm; nhất trí kiên định định hướng điều hành và không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2014, khẳng định quyết tâm và nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

II/ TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG

Phát biểu kết luận về tình hình trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Về chiến lược, Việt Nam không bất ngờ về sự việc này, tuy nhiên hậu quả của nó là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kiên định, kiên trì các giải pháp, biện pháp, đối sách đấu tranh bằng biện pháp hoà bình trên thực địa, bằng chính trị - ngoại giao, bằng thông tin, truyền thông trong nước và nước ngoài, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương trong thời gian tới tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Các cơ quan chức năng theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý và báo cáo kịp thời những tình huống mới, phức tạp.

- Giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ, báo cáo lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.

- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị thiệt hại; làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. "Dứt khoát không để tái diễn sự việc như vừa qua tại một số địa phương", Thủ tướng nêu rõ. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

- Triển khai các giải pháp chủ động, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước, cả trước mắt và lâu dài.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp này, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội đều đánh giá cao các giải pháp, biện pháp, đối sách của Trung ương Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh hòa bình để bảo vệ chủ quyền, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đánh giá cao các chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài sau vụ việc một số người kích động và lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan để phá hoại, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp ở một số địa phương vừa qua. Các ý kiến cũng bày tỏ đồng thuận với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ về đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam trong thời gian tới.  

Kết thúc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, sáng tạo, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, chỉ đạo và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2014./.

Top