Hà Nội

Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013

(Chinhphu.vn) – Ngày 2/12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2013. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp này.

02/12/2013 17:08
 

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong ngày 02/12/2013, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013.

Trong tháng 11/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật như: Khung giá bán lẻ điện bình quân đến 2015; Lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực; Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2014; Phê duyệt biên chế công chức 2014; Ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy; Kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ; Tăng cường quản lý xe đạp điện; Đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử; Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; kế hoạch và đầu tư; báo chí, xuất bản; hóa chất, phân bón); Phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 14; Cứu trợ người dân các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên bị ảnh hưởng mưa lũ; Hỗ trợ sinh viên nghèo người dân tộc thiểu số đỗ các trường đại học; Xử lý sự cố tràn bùn đỏ tại Bình Thuận, tình trạng sụt lún do sử dụng nước ngầm tại TP.HCM, hành vi nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC, sử dụng xe biển số nước ngoài không đúng quy định...

Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2013; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số giải pháp thực hiện ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu; Báo cáo về kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác công trình thủy điện...

Về kinh tế - xã hội, Chính phủ thảo luận và thống nhất đánh giá: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2013 có những chuyển biến, đạt kết quả tích cực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,34%; 11 tháng tăng 5,5%, là mức tăng thấp trong 10 năm qua. Dự báo CPI năm 2013 có khả năng thấp hơn năm 2012 (6,81%).

Mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3%, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm so với đầu năm và được duy trì ổn định trong những tháng gần đây; đặc biệt, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh đã được vay với mức lãi suất 6,5 - 7%/năm. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng đã giảm. Dư nợ tín dụng đến 20/11 ước tăng 7,21% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 3,5%). Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, hoạt động lành mạnh hơn.

Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt trên 121 tỷ USD, tăng 16,2%; nhập khẩu ước đạt 121,12 tỷ USD tăng 16,5% so với cùng kỳ. Nhập siêu 11 tháng khoảng 96 triệu USD (0,08% tổng kim ngạch XK).

Vốn FDI đăng ký đạt gần 21 tỷ USD, tăng 54,2%; thực hiện đạt gần 10,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Giải ngân ODA đạt gần 4,04 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Thu NSNN 11 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 10%; Chi NSNN đạt 88,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số SX công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,7% (cùng kỳ tăng 5,1%); 11 tháng tăng 5,6%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh, tháng 11 tăng 8,4%, 11 tháng tăng 7,1% (cùng kỳ tăng 5,6%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhưng vẫn ổn định. Diện tích trồng rừng tập trung tăng 8,5%; sản lượng thủy sản 11 tháng tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 12,56% (loại trừ yếu tố giá còn tăng 5,54%). Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 6,85 triệu lượt, tăng 10,2%.

Tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới 11 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại[1].  

Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 11 tháng tạo việc làm cho gần 1,4 triệu lao động; xuất khẩu lao động trên 70,2 nghìn người, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Từ đầu năm, nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta, Chính phủ đã chỉ đạo làm tốt công tác dự báo và chủ động kịp thời huy động các lực lượng với các giải pháp phù hợp để giảm thấp nhất thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ gia đình người bị nạn, hỗ trợ lương thực, nhà ở, khôi phục sản xuất, hạ tầng kinh tế xã hội và sớm ổn định đời sống của nhân dân; đồng thời đã chỉ đạo rà soát bổ sung chiến lược, kế hoạch phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong 11 tháng đầu năm, đã xuất cấp 44,5 nghìn tấn lương thực hỗ trợ cứu đói.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin truyền thông được các cấp, các ngành quan tâm. Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được quan tâm chỉ đạo, số vụ tai nạn giảm 3,9%; số người bị thương giảm 7,8%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường. 

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Lạm phát vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng trở lại; nợ xấu còn cao và xử lý còn chậm; dư nợ tín dụng tăng chậm so với kế hoạch. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn[2]. Thiên tai, bão lũ liên tiếp vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng thiệt hại do bão lũ lên đến 28 nghìn tỷ đồng. Tình hình tai nạn giao thông (số người chết tăng 0,7%), cháy nổ và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Trong tháng 12/2013 và đầu năm 2014, Chính phủ chỉ đạo các ngành các cấp phát huy kết quả đạt được, tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013 và chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó cần chú ý vào thời điểm cuối năm và đầu năm có thể xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến.

Tăng cường chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu hoàn thành kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2013 theo dự toán được duyệt. Bộ Tài chính chủ trì có phương án chủ động, phù hợp bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết; trong đó chú trọng: (i) tăng cường quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; (ii) bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá lương thực, thực phẩm; (iii) bảo đảm nhu cầu giao thông đi lại và trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết, nhất là tại các địa phương.

Các bộ ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân các công trình cấp bách, cần thiết vào thời điểm cuối năm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và theo đúng quy định. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã đề ra, trong đó chú ý sức mua thường tăng mạnh vào cuối năm, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh SXKD; đồng thời chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh.

Các ngành, các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong dịp Tết; Phấn đấu quyết liệt để giảm tai nạn giao thông, tăng cường phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia; tiếp tục chủ động tích cực đàm phán Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các ngành tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật, bảo đảm phấn đấu đến hết năm 2013 cơ bản không còn văn bản nợ đọng và nâng cao chất lượng văn bản; đồng thời chuẩn bị và thực hiện tốt việc tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành, chú ý tổ chức dưới hình thức hội nghị trực tuyến trên tinh thần bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, 02 năm 2013; xây dựng dự thảo Nghị quyết điều hành năm 2014 của Chính phủ để triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2014 để đưa ra Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương tổ chức vào cuối tháng 12/2013. Đồng thời chuẩn bị tốt, khẩn trương giao Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán NSNN, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 cho các bộ ngành, địa phương theo quy định.

Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động thông tin kịp thời, khách quan về cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, của ngành, địa phương, nhất là thời gian cuối năm và dịp Tết; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông để phản hồi, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật; góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội./.


[1] Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng; 6 tháng khoảng 9,3 nghìn; 7 tháng khoảng 10 nghìn; 8 tháng khoảng 10,7 nghìn; 9 tháng khoảng 11,3 nghìn; 10 tháng khoảng 11,75 nghìn doanh nghiệp; 11 tháng  khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp.

[2] Số doanh nghiệp ngừng hoạt động 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,4%./.

Top