Hà Nội

Thông cáo báo chí về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

17/09/2014 17:21

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý tình trạng di dân tự phát

Sáng 17/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm “Di dân tự phát - Thực trạng và giải pháp bố trí lại dân cư theo hướng phát triển bền vững”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc tới dự và phát biểu chỉ đạo.                

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, những năm gần đây, tình trạng di dân tự phát giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Số lượng di dân tự do ở khu vực Tây Bắc vào địa bàn Tây Nguyên có nguyên nhân chính là vì lý do kinh tế. Người dân di chuyển từ vùng kém phát triển, điều kiện sản xuất khó khăn sang những nơi thuận lợi hơn.

Nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát, bố trí lại dân cư theo hướng phát triển bền vững, một số giải pháp được các đại biểu đề xuất như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là ở vùng kinh tế khó khăn; tăng cường quản lý Nhà nước về dân cư; rà soát cụ thể, phân loại các đối tượng di dân để quy hoạch sắp xếp lại…

Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư cho những địa bàn khó khăn để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, bố trí các nguồn vốn để thực hiện các dự án đã được Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế cho người dân, nhất là những vùng có tiềm ẩn nguy cơ di dân cư tự do cao.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định di cư tự phát là một trong những vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực miền núi khó khăn, tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự phát, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những chương trình nổi bật như giải quyết vấn đề sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chương trình giảm nghèo. Với cố gắng đó, số hộ di dân tự do, đặc biệt là Tây Bắc, Tây Nguyên đã giảm hẳn so với trước đây.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, tình trạng phá rừng còn xảy ra ở những vùng di dân tự do, việc bố trí vốn xây dựng hạ tầng nơi dân đến còn thiếu nhiều.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để giải quyết vấn đề di dân tự do cần giải pháp đồng bộ trong đó, đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, động viên người dân không rời bỏ làng quê và nếu di cư phải có tổ chức, theo kế hoạch của Nhà nước.

Đồng thời, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh triển khai các giải pháp xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm lo cho người dân an cư lập nghiệp để người dân không muốn đi, dù còn khó khăn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng

Công khai “danh sách đen” và xử phạt nghiêm các cơ sở chậm trễ trong xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch giải quyết các cơ sở tồn đọng - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là chủ trương và quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng lớn các cơ sở ô nhiễm môi trường đã được xử lý triệt để. Trước khi Quyết định 1788 ban hành, đã có 378 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp xử lý. TP.HCM đã di dời 1.261/1.402 cơ sở gây ô nhiễm, TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch di dời 400 cơ sở.

Tháng 10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1788 với một nội dung quan trọng là đến cuối 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cho đến thời điểm này, số cơ sở được công nhận hoàn thành xử lý triệt để mới đạt 15-20%, nhiều cơ sở đã quá thời hạn xử lý theo yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết quả triển khai chủ trương xử lý ô nhiễm môi trường thời gian qua còn nhiều hạn chế, việc thực hiện chưa bám sát các nội dung chỉ đạo trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thiếu công khai thông tin về cơ sở ô nhiễm, chưa đưa chỉ tiêu giảm cơ sở ô nhiễm vào chỉ số phát triển của địa phương,…

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đặc biệt là Ban chỉ đạo liên ngành tăng cường kiểm tra, bám sát cơ sở, hỗ trợ các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng, bám sát các mục tiêu, yêu cầu giải pháp đã đề ra trong Quyết định 1788 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương tập trung rà soát, thống kê và công bố công khai “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm đã chậm giải quyết để có biện pháp xử lý, xử phạt cụ thể theo thời gian chậm trễ, mức độ gây thiệt hại. Đồng thời, các địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các DN gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn như trường hợp Nhà máy mía đường Cà Mau và ở Trà Vinh nằm trong nhóm cơ sở gây ô nhiễm phải xử lý trước tháng 7/2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. “Cần kiên quyết xử lý đối với 2 trường hợp này, theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 16/9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp đại diện hơn 30 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ (trong đó có Google, General Electric,…); Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC); Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (Amcham).

Tại các buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thông báo về các chính sách kinh tế, định hướng đầu tư, thương mại của Việt Nam, tình hình hoạt động và các kết quả hợp tác song phương về kinh tế-thương mại, đầu tư thời gian qua.

Trong đó quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua đã đạt được những bước tiến quan trọng. Việc hai bên hoàn thành đàm phán, ký kết TPP sẽ là bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ và Việt Nam quyết tâm theo đuổi các nội dung đàm phán.

Cộng đồng DN Mỹ đánh giá cao sự phát triển và thành quả phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua của Việt Nam, đồng thời sẵn sàng đối thoại với Việt Nam về những vấn đề mà hai bên gặp vướng mắc trong đàm phán TPP.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng chênh lệch về trình độ phát triển của các nước tham gia TPP là không nhỏ, trong khi tiêu chí gia nhập thì lại rất cao. Khi gia nhập TPP, Việt Nam muốn có thời gian để chuẩn bị, đáp ứng được các tiêu chí khi các thị trường hoàn toàn mở cửa.

 “Tôi mong các doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ, có các tác động thuận lợi để sớm kết thúc đàm phán TPP”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán  TPP của Việt Nam đã làm rõ về một số vướng mắc mà Việt Nam đang gặp phải khi tham gia Hiệp định này.

Theo đó, Việt Nam đang gặp khó khi đàm phán trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ và lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ về các lĩnh vực này.

Đáp lại những mong muốn từ phía Việt Nam, nhiều DN lớn (Google, General Motor, American Eagle, Gap Inc.,...) bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quan điểm Hoa Kỳ cần linh hoạt hơn nữa trong đàm phán mở cửa thị trường trong TPP đối với hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm dệt may và giày dép.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đề nghị giới doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương thời gian tới.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện đầu tư thông thoáng, môi trường làm ăn thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Hoa kỳ nói riêng. Đồng thời cam kết thực hiện đúng chính sách, chế độ đã công bố với các nhà đầu tư.

Các đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam ./.

Top