Hà Nội

Thông cáo báo chí về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

16/09/2014 16:44

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc tại Hoa Kỳ

Từ ngày 15 tới ngày 19/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, dẫn đầu đoàn công tác Việt Nam thăm và làm việc tại Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ về những vấn đề quan tâm trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hướng tới sớm kết thúc đàm phán, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Ngày 15/9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có các cuộc gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ.

Tại buổi tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, hai đoàn đàm phán Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực phối hợp với nhau và đã có những đóng góp vào tiến bộ chung của đàm phán TPP. Hai bên sẽ tiếp tục và tăng cường hơn nữa sự phối hợp này nhằm góp phần sớm kết thúc đàm phán.

“Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ chú trọng hơn nữa tới vấn đề cắt giảm thuế cho dệt may và giày dép trong đàm phán TPP”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói, và tiếp tục đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sau khi đàm phán TPP kết thúc.

Về quyền sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam hiểu tầm quan trọng của vấn đề sở hữu trí tuệ đối với Hoa Kỳ. Để có thể kết thúc sớm đàm phán, Hoa Kỳ nên có cách tiếp cận mềm dẻo hơn. Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và các nước để tìm ra giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên.

Phó Thủ tướng đặc biệt đề nghị Hoa Kỳ bắt tay xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để thực thi cam kết TPP ngay từ bây giờ.

Về phần mình, ông M. Froman cam kết sẽ đưa ra cách tiếp cận thích hợp nhất đối với hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Ông M. Froman cũng lưu ý, Việt Nam cần tạo điều kiện cho thịt lợn và gia cầm của Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Việt Nam và quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, thanh toán điện tử.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng đưa ra lời hứa cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để triển khai Hiệp định TPP ngay sau khi ký kết.

Kết thúc buổi làm việc, các bên đều nhấn mạnh việc hai đoàn đàm phán cần phải nỗ lực gấp đôi trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để kết thúc các vấn đề còn lại này.

Tại buổi gặp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew, Phó Thủ tướng  đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục và tăng cường các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính cho Việt Nam; đề nghị Hoa Kỳ có các giải pháp để mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam và tăng cường các chương trình viện trợ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam…

Phó Thủ tướng đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ mà Hoa kỳ đã dành cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền trong thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền, đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ thanh tra và các cán bộ làm các công việc có liên quan.

Ông Jack Lew nhất trí với những vấn đề Phó Thủ tướng đề xuất và đề nghị Việt Nam lưu ý hơn tới đề xuất của các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Cùng ngày, trong buổi gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Penny Pritzker, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình triển khai các dự án thương mại lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam, khẳng định quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch mở đường bay thẳng Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2015 và trao đổi một số vấn đề khác trong quan hệ thương mại song phương. Hai bên đều nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại song phương cùng với việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán TPP.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc gặp Giáo sư Jeffrey J. Schott, chuyên gia hàng đầu về TPP của Viện Kinh tế quốc tế Peterson. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, TPP là hiệp định quan trọng, có vai trò và ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu, khu vực và các nền kinh tế đơn lẻ, trong đó có Việt Nam và mong muốn Viện Peterson và GS. Jeffrey có các nghiên cứu hoặc hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu tác động của Hiệp định này đối với nền kinh tế Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự lễ khai mạc CAEXPO và CABIS tại Trung Quốc

Sáng 16/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Lễ khai mạc Hội chợ ASEAN-Trung Quốc 2014 (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư ASEAN-Trung Quốc (CABIS) lần thứ 11 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc.

Tham dự Lễ khai mạc còn có Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Phó Chủ tịch nước Lào Buonnhang Vorachith và Phó Thủ tướng nước chủ nhà Trương Cao Lệ.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc đã trở thành những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009 trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc từ năm 2010.

Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) (đang trong quá trình đàm phán giữa Trung Quốc, ASEAN cùng các đối tác khác) sẽ tạo thuận lợi cho những dòng lưu chuyển tự do hơn của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và con người trong không gian rộng lớn hơn. Điều này sẽ mang lại những lợi ích to lớn, dẫn đến hình thành các chuỗi giá trị hội nhập và một cộng đồng cùng chung số phận ở châu Á. 

Trong tiến trình đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, duy trì môi trường hòa bình và ổn định là một trong những điều kiện tiên quyết cho kinh tế châu Á tiếp tục phát triển bền vững. Để hiện thực hóa điều đó, ASEAN và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC), trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển năm 1982.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Hội chợ CAEXPO là một trong những thành quả của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Việt Nam luôn tham gia tích cực các kỳ Hội chợ trong 10 năm qua.

Phó Thủ tướng tái khẳng định cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam; củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vì lợi ích của một châu Á thịnh vượng, hòa bình và ổn định.

CAEXPO và CABIS lần thứ 11 có chủ đề  “Cùng xây dựng con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21” thu hút sự tham gia của hơn 2.500 doanh nghiệp với 4.600 gian hàng từ các nước ASEAN và Trung Quốc.

Hội chợ chia làm 5 khu về thương mại hàng hoá, hợp tác đầu tư, thương mại dịch vụ, công nghệ tiên tiến và thành phố hấp dẫn./.

Top