Hà Nội

Thông cáo báo chí về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

12/11/2014 18:32

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn nút kết nối Cơ chế Một cửa quốc gia

Hôm nay (12/11), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nhấn nút kết nối “Cơ chế Một cửa quốc gia” (NWS). Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính (trực tiếp là Tổng cục Hải quan) là cơ quan đầu tiên kết nối chính thức với NWS đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tại các cảng biển quốc tế.

Tại buổi lễ kết nối chính thức NWS, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa quốc gia khẳng định, đây là dấu mốc quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, thực hiện cam kết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Sau kết nối của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ: Công Thương, NN&PTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo để kết nối thành công vào một cửa quốc gia nhằm sớm giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hàng hoá xuất-nhập cảnh và quá cảnh thuận tiện ở cảng biển quốc tế và sau này là cả các cửa khẩu quốc tế.

“Khối lượng công việc còn rất nhiều, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của các bộ, ngành trong thực hiện. Lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phải trực tiếp chỉ đạo công việc để sớm tháo gỡ các vướng mắc”, Trưởng Ban chỉ đạo nêu rõ.

Quy chế phối hợp một cửa quốc gia đã được Tổng cục Hải quan - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, xây dựng, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để cấp có thẩm quyền thông qua trong tháng 11 này.

Theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai chính thức được thực hiện trước mắt tại cảng Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cơ quan này cũng lựa chọn 9 công ty tham gia thực hiện kết nối NSW giai đoạn 1 bao và việc kết nối các doanh nghiệp khác vào một cửa quốc gia sẽ được tiến hành ở các giai đoạn tiếp theo.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết các giấy tờ mà doanh nghiệp vận tải biển sẽ gửi đến Cổng thông tin điện tử của NSW bao gồm 12 chứng từ và có 4 cơ quan xử lí thủ tục gồm: Cảng vụ (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam), Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch động, thực vật.

Với cơ chế này, các doanh nghiệp không phải đến từng cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện các thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh mà chỉ cần gửi thông tin qua mạng đến Cổng thông tin của NWS để các cơ quan liên quan tiếp nhận, xử lý và gửi trả kết quả cũng qua Cổng thông tin này.

Quá trình trao đổi thông tin giữa các bước đều được thực hiện trực tuyến ở tất cả các ngày trong tuần và tất cả các giờ trong ngày.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết việc chính thức kết nối một cửa quốc gia là tiền đề cho cơ chế một cửa ASEAN. Năm 2015, Việt Nam sẽ kết nối thí điểm một cửa ASEAN với Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia. Theo đó, doanh nghiệp của các nước khi xuất khẩu sang các nước trong ASEAN sẽ thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa ASEAN và nhà chức trách của mỗi nước sẽ thực hiện cấp phép cũng qua cơ chế này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí

Việc xây dựng, sửa đổi Luật Báo chí cần cố gắng tránh luật “khung”, luật “ống” nhưng phải đảm bảo luật giữ được tính ổn định, có "tuổi thọ dài" trước xu thế phát triển công nghệ hiện nay mà báo chí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu yêu cầu tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí tổ chức tại Hà Nội sáng 12/11.

Phó Thủ tướng đề nghị ngay trong quá trình soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi),  Bộ Thông tin và Truyền thông cần huy động sự tham gia của những người làm báo đóng góp ý kiến kịp thời và đúng mực, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm.

“Có nhiều điểm trong luật, nghị định, thông tư, chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng về báo chí đã nói rất kỹ, vì vậy, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân cần phải xem công tác thực hiện thực tế đến đâu. Từ đó chủ động cung cấp thông tin cho báo chí đến tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua báo chí. Thái độ ứng xử nghiêm túc, đúng mực với các hành vi chưa đúng quy định pháp luật của cơ quan báo chí, hoặc chưa đến mức vi phạm pháp luật nhưng không có lợi”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua không chỉ về số lượng, loại hình, đội ngũ người làm báo mà còn đưa được thông tin đến mọi nơi, cũng như phản ánh mọi mặt của đời sống. Từ đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân, giúp hoạch định chính sách sát với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển luôn có những bất cập cần phải tổng kết, đánh giá để khắc phục.

Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí 1999, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định báo chí đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu, là một trong những kênh truyền thông quan trọng của đời sống xã hội, là công cụ phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Qua hơn 15 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập như chất lượng chưa tương xứng, chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí.

Báo cáo của Bộ thông tin và Truyền thông cũng nhắc lại hiện tượng những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình. Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn. Không ít cơ quan chủ quản chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, dẫn đến buông lỏng, nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với báo thuộc quyền./.

 

Top