Hà Nội

Thông cáo báo chí về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7

24/07/2014 18:00

1/. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện lời hứa tại Quốc hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký văn bản  gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ yêu cầu khẩn trương triển khai các luật, nghị quyết của kỳ họp thứ Bẩy, Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phục vụ các hoạt động giám sát tối cao, giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương nghiên cứu, trả lời các kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bẩy; tổ chức thực hiện lời hứa và các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp thứ Bẩy.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành 11 luật đã được Quốc hội thông qua; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về giảm nghèo theo hướng đa chiều, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, không làm gián đoạn các chính sách giảm nghèo hiện hành; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với một số nhóm cụ thể; mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo và giảm nghèo bền vững.

2/. Vi phạm pháp luật về cạnh tranh bị phạt tới 200 triệu đồng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Ban hành Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Theo Nghị định, tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) và hiệp hội hoạt động ngành nghề ở Việt Nam (gọi chung là hiệp hội) nếu vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; lạm dụng vị trí độc quyền; hành vi vi phạm về tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu.

Nghị định quy định các hành vi vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 150 triệu đồng. Chẳng hạn như hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sẽ bị phạt từ 50 đến 100 triệu đồng; hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng; hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bị phạt tiền từ 50 đến 150 triệu đồng; các hành vi quảng cáo, khuyến mạnh nhằm cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tiền từ 60 đến 140 triệu đồng; hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp bị phạt từ 20 đến 100 triệu đồng.

Nghị định quy định mức tiền phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật; buộc phải cải chính công khai; bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2014.

3/. Thành lập Trường Đại học Việt  Nhật

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Trường Đại học Việt Nhật, là cơ sở giáo dục Đại học công lập trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Việt Nhật có trụ sở chính tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội, được xây dựng trên tổng diện tích 75 ha với tổng vốn đầu tư hơn 365 triệu USD, trong đó vốn ODA Nhật Bản là 200 triệu USD, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản là 13,39 triệu USD, nguồn vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam là 52 triệu USD và nguồn vốn hợp tác tài trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản là 100 triệu USD.

Dự kiến trường Đại học Việt Nhật sẽ đào tạo các chuyến ngành: Khoa học y tế toàn cầu; Khoa học sinh học nông nghiệp; Công nghiệp hóa sinh; Kỹ thuật sinh học quốc tế; Khoa học năng lượng quốc tế; Công nghệ thông tin; Cơ sở hạ tầng và xây dựng; Biến đổi khí hậu; Kỹ thuật ứng phó với thảm họa thiên nhiên, khủng bố; Khoa học và công nghiệp tri thức; Công nghiệp kỹ thuật ô tô; Công nghiệp vật liệu; Thông tin, công nghệ và xã hội châu Á; Nghiên cứu đô thị và môi trường; Khoa học bền vững và lãnh đạo toàn cầu; Chính sách công; Luật so sánh và khoa học chính trị; Khoa học xã hội Nhật Bản và châu Á đương đại; Quản trị hậu cần và chuỗi cung ứng; quản trí sản xuất - quản trị tinh gọn. Ngoài ra Trường còn có các chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản.

Theo kế hoạch, năm 2016, Trường Đại học Việt Nhật bắt đầu mở đào tạo thạc sỹ với quy mô tuyển sinh 70 học viên. Năm 2018 mở hệ đào tạo đại học với quy mô 590 học viên, sinh viên (150 đại học và 440 thạc sỹ). Năm 2019 mở hệ đào tạo tiến sỹ với quy mô 1170 học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh. Đến năm 2025 đạt quy mô ổn định là 6000 học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh (3760 sinh viên đại học, 1.800 thạc sỹ; 440 nghiên cứu sinh)

Trường sẽ đảm bảo tỷ lệ trung bình 12 người học 1 giảng viên và giảng viên trình độ tiến sỹ là trên 80%./.

Top